Công nghệ
Thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp công nghệ thông tin
Cùng với sự phát triển của thành phố Đà Nẵng, 25 năm qua, công nghệ thông tin (CNTT) từng bước khẳng định vị trí, vai trò vững chắc của mình. Với 12 năm liên tiếp dẫn đầu bảng xếp hạng Chỉ số sẵn sàng cho ứng dụng và phát triển CNTT Việt Nam (ICT Index), thành phố và cộng đồng doanh nghiệp đã và đang nỗ lực đặt nền tảng công nghiệp CNTT, công nghệ cao, tạo tiền đề để từng bước triển khai chuyển đổi số toàn diện.
Nhờ các chính sách thông thoáng, thủ tục hành chính thuận lợi, Đà Nẵng được nhiều doanh nghiệp phần mềm, công nghệ thông tin chọn là nơi khởi nghiệp, đặt trụ sở. TRONG ẢNH: Các kỹ sư của Công ty TNHH Axon Active Vietnam chi nhánh Đà Nẵng (quận Hải Châu) đang làm việc. Ảnh: THU HÀ |
Dẫn đầu cả nước về chuyển đổi số
Một trong những điểm sáng của ngành CNTT Đà Nẵng là kết quả đánh giá của Vietnam ICT Index. Qua 16 năm đánh giá, xếp hạng (từ 2005 đến nay), Đà Nẵng dẫn đầu khối tỉnh, thành phố liên tiếp 12 năm (từ năm 2009 đến nay). Kết quả trên là quá trình hơn 10 năm thành phố nỗ lực triển khai phát triển và ứng dụng CNTT, xây dựng chính quyền điện tử, đặc biệt là sự chỉ đạo quyết liệt và liên tục của các cấp lãnh đạo thành phố.
Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Trần Ngọc Thạch cho hay, năm 2014, Đà Nẵng đưa vào sử dụng các hợp phần chính quyền điện tử theo chuẩn mực của Ngân hàng Thế giới và từ nguồn viện trợ của ngân hàng này (gồm mạng cáp quang dùng riêng kết nối các cơ quan, trung tâm dữ liệu, mạng wifi công cộng, trung tâm dịch vụ công, trung tâm đào tạo trực tuyến, nền tảng chính quyền điện tử (eGovPlatform), dịch vụ công trực tuyến, các ứng dụng chuyên ngành…).
Bên cạnh đó, ngoài cập nhật, khai thác hiệu quả các hợp phần hiện có, thành phố chính thức triển khai Đề án thành phố thông minh từ cuối năm 2018 và bắt đầu chuyển đổi số với mục tiêu cao nhất “đến năm 2030, Đà Nẵng hoàn thành xây dựng đô thị thông minh kết nối đồng bộ với các mạng lưới đô thị thông minh trong nước và khu vực ASEAN” như Nghị quyết số 43-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã xác định.
Theo đánh giá của Tổng thư ký Hiệp hội doanh nghiệp phần mềm Đà Nẵng Đặng Ngọc Hải, nối tiếp các kết quả của Vietnam ICT Index, Đà Nẵng là địa phương dẫn đầu cả nước về chuyển đổi số ở cả 3 trụ cột: chính quyền số, kinh tế số và xã hội số. Đây là kết quả từ những nỗ lực và quyết tâm của bộ máy lãnh đạo và người dân thành phố trong nhiều năm qua, đồng thời khẳng định hướng đi đúng của Đà Nẵng trong việc xác định CNTT - truyền thông là một trong ba đột phá chiến lược để phát triển kinh tế, xã hội.
Ông Đặng Ngọc Hải phân tích thêm, hơn 10 năm qua, Đà Nẵng đã tích cực đầu tư, triển khai cơ sở hạ tầng viễn thông, CNTT đồng bộ; xây dựng và không ngừng hoàn thiện hệ thống cơ sở dữ liệu dùng chung bao gồm cơ sở dữ liệu nền và cơ sở dữ liệu chuyên ngành. Đây là điều kiện then chốt giúp Đà Nẵng tăng tốc trong việc triển khai hệ thống ứng dụng phục vụ cho quá trình chuyển đổi số.
Bà Trần Hạnh Trang, CEO và là nhà sáng lập Enouvo Group cho rằng, có được những kết quả trên là nhờ chính quyền thành phố đã kịp thời ban hành những chính sách phù hợp và các kế hoạch nhằm triển khai các cơ chế, chính sách ưu đãi đặc thù của Quốc hội, Chính phủ đối với phát triển doanh nghiệp công nghệ số trên địa bàn thành phố.
Với lợi thế là đô thị trung tâm của khu vực miền Trung và sự nỗ lực không ngừng để cải thiện môi trường sống, Đà Nẵng đang ngày càng thu hút nguồn nhân lực tiềm năng quay về hoặc đến sinh sống và lập nghiệp tại thành phố bên sông Hàn. “Bên cạnh nguồn nhân lực chất lượng, Đà Nẵng cũng có các cơ chế, chính sách thông thoáng và thủ tục hành chính thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển với vốn đầu tư không quá lớn. Có thể nói, đây là những lý do mà nhiều doanh nghiệp nước ngoài trong lĩnh vực CNTT quyết định đầu tư tại Đà Nẵng”, bà Hạnh Trang bày tỏ.
"Đà Nẵng là địa phương dẫn đầu cả nước về chuyển đổi số ở cả 3 trụ cột: chính quyền số, kinh tế số và xã hội số. Đây là kết quả từ những nỗ lực và quyết tâm của bộ máy lãnh đạo và người dân thành phố trong nhiều năm qua”
Tổng Thư ký Hiệp hội doanh nghiệp phần mềm Đà Nẵng Đặng Ngọc Hải nói
|
Doanh nghiệp đồng hành thành phố
Với tầm nhìn và quyết tâm cao của chính quyền địa phương, thành phố đã tập trung đầu tư và từng bước hoàn thiện cơ sở hạ tầng, phục vụ xúc tiến trên lĩnh vực đầu tư công nghiệp công nghệ cao, CNTT. Đến nay thành phố có 3 khu CNTT, Công viên phần mềm đang hoạt động và phát huy hiệu quả gồm: Khu Công viên phần mềm Đà Nẵng, tỷ lệ lấp đầy gần 100% doanh nghiệp làm việc từ nhiều năm, thu hút gần 2.000 nhân lực làm việc và là hạt nhân, lan tỏa phát triển công nghiệp CNTT thành phố; hiệu suất sử dụng đất đạt khoảng 55 triệu USD/ha/năm. Khu FPT Complex Đà Nẵng, diện tích 33ha thuộc Khu đô thị công nghệ FPT Đà Nẵng, trở thành cơ sở hoạt động chính của Công ty Phần mềm FPT Đà Nẵng với gần 3.500 kỹ sư. Khu CNTT tập trung Đà Nẵng với diện tích 131ha đã đưa vào sử dụng từ tháng 4-2019, thu hút 2 dự án đầu tư.
Riêng dự án Công viên phần mềm số 2 (giai đoạn 1) tại phường Thuận Phước, quận Hải Châu được khởi công xây dựng ngày 10-10-2020 với tổng mức đầu tư 799 tỷ đồng, đến nay giá trị khối lượng thực hiện ước đạt 390 tỷ đồng, tương ứng với 56% giá trị hợp đồng. Hiện các tòa nhà của dự án này đang được hoàn thiện thi công..., dự kiến, hoàn thành đưa vào sử dụng trong năm 2022.
Nhờ cơ sở hạ tầng được đầu tư bài bản, Đà Nẵng trở thành điểm đến được nhiều doanh nghiệp CNTT, sản xuất phần mềm lựa chọn. Bên cạnh các doanh nghiệp là các tập đoàn lớn còn có nhiều nhà đầu tư chọn Đà Nẵng là địa phương để khởi nghiệp. Năm 2021, đánh dấu tròn 10 năm Công ty TNHH Axon Active Vietnam xây dựng trung tâm sản xuất phần mềm tại thành phố Đà Nẵng.
Là một trong số ít những công ty vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đồng hành thành phố trong chặng đường phát triển của ngành công nghiệp phần mềm, ông Đặng Ngọc Hải, Giám đốc Công ty TNHH Axon Active - chi nhánh Đà Nẵng cảm thấy vinh dự và tự hào khi được chính quyền thành phố hỗ trợ và ghi nhận những đóng góp tích cực trong quá trình phát triển. Đây là một trong những công ty đầu tiên triển khai mô hình hợp tác đào tạo với các trường đại học trên địa bàn thành phố, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.
Ông Trần Ngọc Thạch cho hay, Đà Nẵng đã đặt ra tầm nhìn trong chuyển đổi số, mục tiêu thành phố nằm trong nhóm 3 địa phương dẫn đầu cả nước về chuyển đổi số, thương mại điện tử, an toàn thông tin.
Thành phố xác định 8 lĩnh vực ưu tiên chuyển đổi số gồm: y tế, giáo dục và đào tạo, tài chính ngân hàng, nông nghiệp công nghệ cao, giao thông vận tải và logistics, năng lượng, tài nguyên môi trường, sản xuất công nghiệp và du lịch. Để tiếp tục tạo động lực phát triển ngành công nghiệp CNTT và kinh tế số, góp phần hoàn thành mục tiêu kinh tế số đóng góp 10% GRDP thành phố vào năm 2025 và 15% GRDP vào năm 2030, cùng với dự án Công viên phần mềm số 2 (giai đoạn 1), Đà Nẵng đang kêu gọi đầu tư dự án Không gian sáng tạo tại phường Hòa Xuân, (quận Cẩm Lệ), diện tích 17ha; khu CNTT số 2, diện tích 5,6ha (đối diện Khu CNTT tập trung Đà Nẵng và Khu Công nghệ cao) dự kiến xây dựng trở thành Trung tâm chia chọn tự động và kho bãi để phát triển thương mại điện tử và logistics.
Song song đó, thành phố huy động các tổ chức, doanh nghiệp đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển ngành thông tin và truyền thông như Khu CNTT Đà Nẵng Bay (diện tích 3,5ha) của Tập đoàn VNPT; Trung tâm Phần mềm và công nghệ cao (diện tích 1,1ha) của Tập đoàn Viettel. Ngoài đầu tư cơ sở hạ tầng, thành phố cũng rất quan tâm đến vấn đề nguồn nhân lực CNTT và xem đây là yếu tố quyết định trong việc xây dựng thành công Chính quyền điện tử, thành phố thông minh.
THU HÀ