Công nghệ
Kết nối với khách hàng từ các nền tảng số
Ứng dụng các nền tảng số, xây dựng sàn giao dịch du lịch trực tuyến… để kết nối với khách hàng đang được ngành du lịch thành phố hướng đến trong bối cảnh hiện nay. Nhờ có nền tảng số, trong giai đoạn dịch bệnh, ngành du lịch cũng như doanh nghiệp vẫn kết nối giới thiệu, quảng bá được sản phẩm tới khách hàng.
Sàn thương mại điện tử du lịch và Hội chợ triển lãm du lịch trực tuyến mới được ra mắt, dự kiến đưa vào sử dụng từ tháng 3-2022. (Ảnh chụp màn hình website). Ảnh: THU HÀ |
Tiên phong triển khai nền tảng hỗ trợ du khách
Phát triển du lịch thông minh, gia tăng tiện ích và dễ dàng tiếp cận dành cho du khách đang là mục tiêu mà ngành du lịch Đà Nẵng quan tâm, hướng đến. Là thành phố tiên phong trong công tác chuyển đổi số, bà Nguyễn Thị Hoài An, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến du lịch Đà Nẵng cho biết, những năm gần đây, ngành du lịch thành phố liên tục cho ra mắt các sản phẩm du lịch số ấn tượng đến người dùng. Cụ thể, từ năm 2015, Cổng thông tin du lịch Đà Nẵng (https://danangfantasticity.com) ra mắt với 5 ngôn ngữ, gồm nhiều tính năng hữu ích, tích hợp các tiện ích đã trở thành kênh truy cập tìm kiếm thông tin chính thống của người dân, du khách. Năm 2016, Đà Nẵng cũng là thành phố đầu tiên trong cả nước ra mắt app du lịch chính thống (Danang FantastiCity), nhờ đó du khách có thể tự lên lịch trình, xây dựng kế hoạch du lịch cũng như chia sẻ kinh nghiệm chuyến đi…, thu hút hơn 100.000 lượt tải. Năm 2017, Đà Nẵng tiên phong trong việc triển khai chatbox - nền tảng hỗ trợ, tương tác tự động với du khách.
Bên cạnh đó, ngành du lịch xây dựng đồng loạt hệ sinh thái truyền thông trực tuyến trên các nền tảng Danangfantacity, facebook, instagram, youtube, tiktok… Năm 2020, Trung tâm Xúc tiến du lịch Đà Nẵng đã thí điểm thành công trải nghiệm Scan 3D tại Bảo tàng Điêu khắc Chăm, đến nay đã thu hút gần 15.000 lượt xem. Tháng 10-2021, hệ thống du lịch ảo VR360 “Một chạm đến Đà Nẵng” đã được công bố, sau hơn 3 tháng đưa vào sử dụng đã thu hút hơn 11.000 lượt tham quan và trải nghiệm.
Đặc biệt đầu năm 2022, ngành du lịch Đà Nẵng đã phối hợp Tập đoàn Viễn thông - Công nghiệp Quân đội (Viettel) cho ra mắt Sàn thương mại điện tử du lịch và Hội chợ triển lãm du lịch trực tuyến (website: local.travelbook.vn/danang). Đây là một trong những sàn thương mại du lịch điện tử đầu tiên của Việt Nam, mở hướng đi mới cho du lịch trên các nền tảng số. Với việc ứng dụng công nghệ, các nền tảng số vào hoạt động du lịch, ngành du lịch thành phố kỳ vọng Đà Nẵng sẽ trở thành điểm đến của du khách.
Hợp tác chuyển đổi số mang lại tiện ích cho khách hàng
Đầu năm 2022, ngành du lịch thành phố ký kết hợp tác chuyển đổi số trong hoạt động du lịch với Công ty TNHH Du lịch Klook Việt Nam để tăng cường hợp tác, đẩy mạnh truyền thông, quảng bá du lịch nhằm thu hút khách đến Đà Nẵng. Klook là nền tảng đặt vé du lịch và hoạt động giải trí được thành lập năm 2014. Với kho tàng dịch vụ đa dạng, giúp người dùng dễ dàng khám phá và đặt trước vé vào cổng các điểm tham quan nổi tiếng, tours, phương tiện di chuyển, ẩm thực, khách sạn và những trải nghiệm độc đáo tại địa phương trên website và ứng dụng của Klook.
Giám đốc điều hành Công ty TNHH Du lịch Klook Việt Nam Michelle Ho cho biết, thông qua hợp tác chiến lược với Trung tâm Xúc tiến du lịch Đà Nẵng, trong năm 2022 và 2023, Trung tâm Xúc tiến du lịch Đà Nẵng và Klook sẽ cùng nhau đưa các doanh nghiệp địa phương lên nền tảng của Klook. Các doanh nghiệp đã tham gia sẽ được hưởng bộ giải pháp công nghệ hỗ trợ từ Klook, sử dụng công nghệ này như một công cụ để tiếp cận khách hàng mục tiêu mới và nâng cao khả năng quảng cáo trực tuyến. Hai bên cùng đầu tư vào các hoạt động quảng cáo trực tuyến và ngoại tuyến nhằm nâng cao khả năng tìm kiếm, tiếp cận các chương trình khuyến mãi và dịch vụ khác nhau trong các hoạt động hợp tác và xây dựng Đà Nẵng trở thành một trong những điểm đến hàng đầu trong ngành du lịch.
Được biết, sau thời gian dài chịu ảnh hưởng của dịch bệnh, các doanh nghiệp cũng chủ động thay đổi để quay trở lại thị trường. Giám đốc Công ty Du lịch Duy Nhất Đông Dương Nguyễn Sơn Thủy cho biết, công ty sẽ có nhiều thay đổi trong việc hoạch định kế hoạch kinh doanh, cách tiếp cận thị trường, đào tạo nguồn nhân lực, phát triển sản phẩm…
“Do dịch bệnh nên không thể gặp trực tiếp đối tác, chúng tôi đã thực hiện các cuộc họp, kết nối trực tuyến. Sau này, dù có thể gặp trực tiếp nhưng những hình thức này cũng sẽ được thực hiện nhiều hơn nhằm tiết kiệm chi phí và linh hoạt hơn trong tiếp cận khách hàng. Năm nay, chúng tôi sẽ tiếp tục đào tạo kỹ năng làm việc và chào bán sản phẩm trực tuyến cho nhân viên. Tôi cũng đang ấp ủ kế hoạch xây dựng trang web hướng dẫn du lịch trực tuyến. Với loại hình này, du khách ở nhà vẫn có thể đi du lịch như bình thường, được hướng dẫn viên đón để bắt đầu tour, nghe hướng dẫn và tương tác với người hướng dẫn. Có thể du khách Việt Nam sẽ không thích kiểu du lịch mới này vì khách dễ dàng đến tận nơi trải nghiệm nhưng người nước ngoài sẽ hứng thú”, ông Thủy chia sẻ.
Ông Nguyễn Xuân Bình, Phó Giám đốc Sở Du lịch cho biết, chuyển đổi số, ứng dụng các nền tảng trong hoạt động du lịch là hết sức cần thiết, góp phần đơn giản hóa các thủ tục, Trung tâm Xúc tiến du lịch cũng đã ký kết hợp tác với nhiều đơn vị về chuyển đổi số, sắp tới sẽ xây dựng cơ sở dữ liệu du lịch, trên cơ sở đó hỗ trợ cho các doanh nghiệp xây dựng các sản phẩm đưa ra thị trường. Trong tương lai, ngành du lịch sẽ từng bước cụ thể hóa các sản phẩm chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin trong viêc kết nối với các đối tác cung ứng dịch vụ, tạo ra không gian du lịch nhiều tiện ích, hướng tới phục vụ du khách tốt hơn.
THU HÀ