Công nghệ
Thúc đẩy phát triển, sử dụng các nền tảng số quốc gia
Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành Quyết định số 186/QĐ-BTTTT ngày 11-2-2022 phê duyệt Chương trình thúc đẩy phát triển và sử dụng các nền tảng số quốc gia phục vụ chuyển đổi số, phát triển chính phủ số, kinh tế số, xã hội số (gọi tắt là Chương trình phát triển nền tảng số quốc gia).
Mục tiêu của chương trình là hình thành hệ sinh thái nền tảng số Việt Nam đáp ứng cơ bản yêu cầu chuyển đổi số, được sử dụng sâu rộng để tạo hạ tầng mềm phát triển chính phủ số, kinh tế số, xã hội số quốc gia và trong từng ngành, lĩnh vực, địa bàn.
Bên cạnh đó, tập hợp các doanh nghiệp Việt Nam xuất sắc, có tiềm lực, tập trung đầu tư phát triển các nền tảng số quốc gia làm nòng cốt để hình thành mạng lưới các nhà phát triển nền tảng số Việt Nam và mạng lưới hỗ trợ triển khai nền tảng số đông đảo, rộng khắp từ Trung ương đến cơ sở. Chương trình cũng nhằm tạo lập một số nền tảng số Việt Nam xuất sắc đủ sức cạnh tranh với các nền tảng số phổ biến quốc tế, chiếm lĩnh thị trường trong nước, từ đó vươn ra thị trường khu vực và toàn cầu.
Chương trình đặt ra 5 nhóm nhiệm vụ, giải pháp triển khai, gồm: lập kế hoạch hành động phát triển nền tảng số quốc gia; triển khai phát triển và thúc đẩy sử dụng nền tảng số quốc gia; tổ chức đánh giá, công nhận và công bố đạt yêu cầu nền tảng số quốc gia; thông tin, tuyên truyền, phổ biến nền tảng số quốc gia; xây dựng, vận hành Cổng thông tin nền tảng số quốc gia.
Các nền tảng số quốc gia được chia làm 2 nhóm, gồm: nền tảng số quốc gia do cơ quan Nhà nước chủ quản, doanh nghiệp Việt Nam phát triển, làm chủ công nghệ lõi, sử dụng thống nhất trên toàn quốc, phục vụ hoạt động quản lý Nhà nước hoặc cung cấp dịch vụ công phục vụ xã hội (các nền tảng: điện toán đám mây Chính phủ; địa chỉ số; bản đồ số; tích hợp, chia sẻ dữ liệu...) và nền tảng số quốc gia do doanh nghiệp làm chủ quản, làm chủ công nghệ lõi, cung cấp dịch vụ phục vụ nhu cầu của cơ quan, doanh nghiệp và xã hội (các nền tảng: điện toán đám mây doanh nghiệp; trí tuệ nhân tạo; thiết bị IoT; họp trực tuyến thế hệ mới...).
KHANG NINH