Công nghệ

Sáng tạo vì sức khỏe cộng đồng

08:16, 19/03/2022 (GMT+7)

Đoạt giải Nhất cuộc thi Dự án kỹ thuật phục vụ cộng đồng (Engineering Projects in Comminity Services-EPICS) và giải Nhì báo cáo nghiên cứu khoa học BKTechshow, sản phẩm găng tay kháng lực hỗ trợ phục hồi chức năng ứng dụng robot mềm của nhóm sinh viên Trường Đại học (ĐH) Bách khoa, ĐH Đà Nẵng hứa hẹn hỗ trợ cho người bị đột quỵ có điều kiện tự tập luyện phục hồi tại nhà.

Nhóm sinh viên Trường Đại học Bách khoa trong quá trình nghiên cứu sản phẩm.  (Ảnh nhóm cung cấp)
Nhóm sinh viên Trường Đại học Bách khoa trong quá trình nghiên cứu sản phẩm. (Ảnh nhóm cung cấp)

Qua nghiên cứu, nhóm sinh viên Trường Đại học (ĐH) Bách khoa nhận thấy, mỗi năm có khoảng 200.000 ca đột quỵ mới tại Việt Nam, để lại nhiều hậu quả cho bệnh nhân, phổ biến nhất là liệt bàn tay. Điều này khiến bệnh nhân gặp khó khăn trong sinh hoạt, đòi hỏi điều trị lâu dài, tốn kém chi phí và luôn cần sự hỗ trợ của các nhân viên y tế. Trong khi đó, các công cụ hỗ trợ phục hồi trên thị trường đa số là công cụ thông thường, không đạt nhiều kết quả trong tập luyện. Đặc biệt, trong bối cảnh Covid-19 diễn biến phức tạp khiến bệnh nhân gặp khó khăn, hạn chế trong việc đi lại điều trị. Từ đó, nhóm lên ý tưởng thực hiện sản phẩm “Găng tay phục hồi chức năng” giúp các bệnh nhân có thể tự tập luyện tại nhà.

Thiết bị gồm năm ngón tay mềm được làm từ vật liệu silicon và hoạt động dựa trên lực khí nén. Khi bơm, khí hoạt động làm áp suất trong các ngón tay tăng lên, ngón tay mềm co lại, từ đó tạo nên chuyển động nắm cho người bệnh. Găng tay còn được thiết kế hở lòng bàn tay để khi tập, các đầu ngón tay có thể chạm vào phần da của lòng bàn tay nhằm kích thích xúc giác, giúp bệnh nhân sớm lấy lại cảm giác. Ngoài ra, sản phẩm có thiết bị điều khiển, người dùng có thể tự thao tác chọn các chế độ tập và cường độ tùy vào nhu cầu sử dụng. Hiện có 3 bài tập được tích hợp sẵn trong sản phẩm.

Sinh viên Đào Duy Anh (thành viên nhóm) chia sẻ: “Theo nhận xét của các kỹ thuật viên phục hồi chức năng Bệnh viện Đà Nẵng, ngón tay mềm đáp ứng khoảng 60% bài tập co, 90% bài tập duỗi. Chi phí sản xuất khoảng 4,5-5 triệu đồng, mức giá thấp so với các sản phẩm nhập ngoại có mặt trên thị trường. Thời gian sắp tới, nhóm sẽ tối ưu quá trình chế tạo, sản xuất để hạ thấp chi phí, tạo điều kiện cho người bệnh dễ dàng mua được”.

Để thực hiện đề tài, nhóm dành ra gần hai tháng khảo sát nhu cầu thực tế của người dùng và quan sát quá trình điều trị, phục hồi của người bệnh. Sau đó, dành ra hơn 3 tháng triển khai ý tưởng và thực hiện sản phẩm. Mỗi phiên bản làm ra nhóm đều tích cực lấy ý kiến người dùng, quy trình này lặp đi lặp lại để sản phẩm được hoàn thiện một cách tối ưu.

“Hiện tại, chúng em quyết định tiếp tục phát triển và hoàn thiện sản phẩm; sau đó tham gia một số cuộc thi khởi nghiệp để học hỏi thêm cũng như định hướng rõ ràng hơn hướng phát triển trong tương lai. Chúng em mong muốn sản phẩm sớm được thương mại hóa để giúp bệnh nhân giảm bớt gánh nặng chi phí điều trị, từ đó đẩy nhanh quá trình phục hồi”, Nguyễn Thị Hiền thành viên nhóm cho biết.

Theo PGS.TS Đoàn Quang Vinh, Hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa, ĐH Đà Nẵng, hoạt động nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ của sinh viên nhà trường thời gian qua chuyển biến mạnh mẽ, nhiều đề tài nghiên cứu có giá trị khoa học cao được công bố trên các tạp chí khoa học uy tín trong và ngoài nước. Phần lớn sản phẩm từ đề tài sinh viên nghiên cứu khoa học đều có tính ứng dụng, thực tiễn cao, đáp ứng yêu cầu triển khai sản xuất, phục vụ sức khỏe cộng đồng, chuyển giao và khởi nghiệp…

“Hoạt động nghiên cứu khoa học của sinh viên nhà trường ngày càng nhận được sự quan tâm và hỗ trợ của các tổ chức và doanh nghiệp. Nhiều đề tài của sinh viên được các doanh nghiệp đặt hàng nghiên cứu và hỗ trợ kinh phí, linh kiện, thiết bị, vật tư, phần mềm nghiên cứu. Đây cũng là cơ sở để đề tài nhanh chóng đi vào thực tiễn”, PGS.TS Đoàn Quang Vinh chia sẻ.

NGỌC HÀ

.