Công nghệ

Startup giúp tạo việc làm, tăng thu nhập trong bối cảnh Covid-19

09:15, 09/03/2022 (GMT+7)

Là một trong những startup tiên phong trong lĩnh vực thương mại điện tử tương tác cộng đồng (social e-commerce) tại Việt Nam, gần 1 năm qua, Selly đã tạo việc làm và thu nhập cho hàng trăm nghìn người, trong đó phần lớn là phụ nữ nội trợ và những người mất việc do ảnh hưởng của Covid-19.

Mô hình thương mại trên nền tảng Selly. Ảnh: P.LAN
Mô hình thương mại trên nền tảng Selly. Ảnh: P.LAN

Chính thức thành lập vào tháng 4-2021, Selly là ứng dụng công nghệ hỗ trợ kinh doanh trực tuyến mà người bán không cần bỏ vốn, không phải lo lắng về các vấn đề lưu kho, vận hành… Sau khi đăng nhập vào ứng dụng, người dùng có thể tiếp cận kho hàng của Selly, chọn sản phẩm muốn bán rồi chia sẻ hình ảnh, thông tin sản phẩm qua tin nhắn, mạng xã hội (Zalo, Facebook…) cho gia đình, bạn bè hay bất kỳ ai có nhu cầu mua sắm. Nếu có khách thích và đồng ý mua hàng, người bán chỉ cần tạo đơn hàng trên ứng dụng.

Tiếp đó, Selly sẽ giúp vận chuyển đến tận tay khách hàng. Sau khi đơn hàng giao thành công đến khách, tiền hoa hồng của người bán sẽ được chuyển vào tài khoản trên ví Selly sau 7 ngày. Trên mỗi sản phẩm đều có mã QR, barcode để kiểm tra hàng. Những sản phẩm mỹ phẩm đều có tem niêm phong bên ngoài vỏ hộp và tem phụ tiếng Việt. Những hàng hóa có giá trị lớn đều được lưu thông tin và bảo hành trực tuyến.

Anh Thống Lê Anh Tuấn, người đồng sáng lập, Giám đốc Công ty TNHH Selly (quận Hải Châu, thành phố Đà Nẵng) cho biết, sau gần 1 năm thành lập, Selly hiện có hơn 7.400 mặt hàng đến từ hơn 310 nhà sản xuất. Trong số khoảng 300.000 đối tác bán hàng trên ứng dụng này, có 80% là người ở các tỉnh, thành phố; trong đó phần lớn là phụ nữ nội trợ và người mất việc do ảnh hưởng của Covid-19.

Đối với các xưởng sản xuất và nhà phân phối truyền thống, Selly cũng góp phần giúp họ “chuyển mình” lên thương mại điện tử, bắt kịp xu hướng mua sắm trực tuyến đang ngày càng phổ biến, mở rộng thị trường, tiếp cận khách hàng trên khắp cả nước. Anh Tuấn chia sẻ: “Những ngày đầu thành lập, tất cả mọi thứ đối với đội ngũ Selly đều là ẩn số. Chúng tôi “đẩy” ứng dụng lên “kho” của Apple và Google, trong lòng vừa phấn khích, vừa e sợ về một tương lai mà ở thị trường đó chưa có ai thật sự thành công tại Việt Nam.

Tuy vậy, sau một năm ra mắt thị trường, Selly luôn vượt mọi kỳ vọng của đội ngũ sáng lập đặt ra. Chưa có tháng nào tăng trưởng thấp hơn 50%. Doanh số trên nền tảng vào thời điểm tháng 3-2022 tăng 450 lần so với tháng 3-2021. Số lượt tải ứng dụng trên hệ điều hành Android cũng chạm cột mốc hơn 500.000. Số sản phẩm bán ra vượt ngưỡng 1 triệu. Tổng số tiền đã được chuyển về tài khoản của các đối tác bán hàng đạt hơn 10 tỷ đồng”.

Đầu năm 2022, Selly huy động thành công 2,6 triệu USD (gần 60 tỷ đồng) trong vòng gọi vốn Pre-Series A từ 5 quỹ đầu tư CyberAgent Capital, Do Ventures, Genesia Ventures, JAFCO Asia và KVision. Bà Amy Do, Giám đốc đầu tư tại quỹ JAFCO Asia cho biết, một trong nhiều lý do khiến quỹ JAFCO Asia đầu tư vào Selly là sứ mệnh của startup trong việc giúp mọi người kiếm thêm thu nhập mà không cần đầu tư ban đầu.

Trong thời kỳ khó khăn do Covid-19, Selly không chỉ thay đổi cách người tiêu dùng Việt Nam mua sắm mà còn mang đến một công việc làm thêm ý nghĩa cho các đối tác bán hàng. Trong khi đó, Giám đốc điều hành quỹ CyberAgent Vietnam Nguyễn Minh Tuấn nhìn nhận, Selly có cơ hội khai thác một thị trường rất lớn và tăng trưởng nhanh còn đang bỏ ngỏ thông qua cách tiếp cận khác biệt so với thương mại điện tử truyền thống.

Anh Tuấn chia sẻ, mục tiêu của Selly là tập trung nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân Việt Nam, đặc biệt là những phụ nữ nội trợ và những người dễ chịu ảnh hưởng của các biến động kinh tế. Anh Tuấn cho hay: “Với nguồn vốn mới, chúng tôi sẽ tiếp tục cải tiến sản phẩm để đem lại trải nghiệm tốt nhất cho đối tác bán hàng và nhà cung cấp, đồng thời đưa Selly tới nhiều hơn các tỉnh, thành phố của Việt Nam để người dân tại đó có cơ hội tạo thêm thu nhập bền vững”.

Hơn 10 năm khởi nghiệp tại Đà Nẵng và Thành phố Hồ Chí Minh, anh Tuấn nghiệm 3 bài học dành cho startup. Thứ nhất là bài học về phân tích thị trường: muốn phát triển thì không nên chọn thị trường nhỏ, nhu cầu nhỏ mà “hãy lao vào thị trường hàng chục tỷ USD thì mới có thể thành công ty tỷ USD được”.

Thứ hai là bài học về huy động vốn - cần tìm đúng nhà đầu tư và chặt chẽ trong vấn đề pháp lý. Thứ ba là bài học về mô hình kinh doanh: cần tìm mọi cách để mô hình kinh doanh của mình có doanh thu cao càng sớm càng tốt, để kể cả khi không gọi được vốn vẫn có thể “sống” và để quá trình đàm phán với các nhà đầu tư diễn ra thuận lợi hơn, bởi đó thể hiện tiềm năng lâu dài của doanh nghiệp.

PHONG LAN

.