Hướng đến khai thác hiệu quả dữ liệu đất đai đã số hóa

.

Sau hơn 9 năm thực hiện số hóa dữ liệu đất đai, Sở Tài nguyên và Môi trường triển khai một số hoạt động để khai thác dữ liệu này. Hiện sở đang triển khai các giải pháp tiếp tục hoàn thiện hạ tầng khai thác, ứng dụng hiệu quả cơ sở dữ liệu thúc đẩy số hóa kết quả giải quyết thủ tục hành chính, chuyển đổi số trong lĩnh vực đất đai...

Từ cơ sở dữ liệu đất đai đã được số hóa, chuyên viên Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai quận Sơn Trà giải quyết hồ sơ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trực tuyến cho  công dân. Ảnh: HOÀNG HIỆP
Từ cơ sở dữ liệu đất đai đã được số hóa, chuyên viên Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai quận Sơn Trà giải quyết hồ sơ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trực tuyến cho công dân. Ảnh: HOÀNG HIỆP

Ngày 29-10, Sở Tài nguyên và Môi trường trao giấy khen cho hai tập thể có thành tích xuất sắc trong công tác cải cách hành chính đối với lĩnh vực đất đai: chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai (VPĐKĐĐ) tại quận Sơn Trà và quận Liên Chiểu.

Đây là hai đơn vị tích cực tuyên truyền, hỗ trợ, hướng dẫn người dân, nhà đầu tư tăng cường sử dụng dịch vụ công trực tuyến để đăng ký thực hiện các thủ tục hành chính về đất đai trong thời gian qua. Việc này thực hiện được có đóng góp lớn của hệ thống cơ sở dữ liệu đất đai của thành phố được số hóa từ năm 2013 đến nay, trong đó, tổng số thửa đất trên địa bàn thành phố được xây dựng cơ sở dữ liệu là hơn 534.600 thửa, đạt 151,52% so với kế hoạch đề ra.

Hệ thống cơ sở dữ liệu đã được ứng dụng trong luân chuyển, trình ký hồ sơ đất đai giữa chi nhánh VPĐKĐĐ tại các quận, huyện với Phòng Tài nguyên và Môi trường, VPĐKĐĐ thành phố bằng hồ sơ điện tử thay vì dạng hồ sơ giấy như trước đây, giúp rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục hành chính.

Trên cơ sở hệ thống dữ liệu đất đai được số hóa, VPĐKĐĐ và ngành thuế đã liên thông việc chuyển thông tin địa chính điện tử, nhận thông báo thuế trực tuyến, rút ngắn được thời gian giải quyết nghiệp vụ liên quan đến xác định và thực hiện nghĩa vụ tài chính đất đai.

Ngoài ra, Sở Tài nguyên và Môi trường đã tích hợp cung cấp dịch vụ tin nhắn qua điện thoại di động (SMS), tích hợp cùng hệ thống cổng dịch vụ công quốc gia để người dân có thể nhận tin nhắn thông báo cũng như thanh toán trực tuyến nghĩa vụ tài chính...

Theo một số lãnh đạo chi nhánh VPĐKĐĐ tại các quận, huyện, trước đây, nghiệp vụ đăng ký đất đai được thực hiện theo từng đơn vị, không thống nhất trong xử lý nghiệp vụ. Hiện nay, tất cả các quận, huyện đều thực hiện chung một quy trình, xử lý hồ sơ dữ liệu thống nhất và lưu trữ dữ liệu dạng số tập trung. Tuy nhiên, việc khai thác cơ sở dữ liệu đất đai vẫn còn một số khó khăn, bất cập.

Đặc biệt là phần mềm ViLis phục vụ công tác cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà và tài sản khác gắn liền với đất không còn phù hợp với tính truyền tải, tích hợp thông tin trên mạng diện rộng; không bảo đảm an ninh, an toàn thông tin và không phù hợp với định hướng phát triển phần mềm quản lý đất đai đa mục tiêu...

Ông Phạm Văn Nam, Phó Giám đốc Chi nhánh VPĐKĐĐ tại quận Sơn Trà nhìn nhận: “Phần mềm ViLis không có tính kết nối, không xuất báo cáo được... Do đó, để khai thác tốt cơ sở dữ liệu đất đai đã được số hóa thì cần khắc phục các bất cập của phần mềm đang áp dụng hiện nay”.

Còn Giám đốc VPĐKĐĐ thành phố Đà Nẵng Nguyễn Hồng Song cho rằng, dữ liệu của hệ thống một cửa điện tử và hệ thống ViLis có nhiều trường hợp chưa đồng nhất nên việc tiếp nhận, xử lý hồ sơ còn gặp nhiều khó khăn, kéo dài thời gian chờ đợi cho công dân. Các chi nhánh VPĐKĐĐ tại các quận, huyện đang khắc phục các khó khăn để tiếp tục luân chuyển trình ký cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất dạng số.

Theo Sở Tài nguyên và Môi trường, việc vận hành hệ thống cơ sở dữ liệu quy mô lớn như đất đai cần thiết phải trang bị hệ thống phần mềm quản lý đất đai đa mục tiêu, quản lý tích hợp; kết nối, chia sẻ dữ liệu đất đai đến các kho dữ liệu và hệ thống khác của các ngành...

Sở đã xây dựng dự án Bổ sung, hoàn thiện hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu quản lý đất đai thành phố Đà Nẵng. Dự án sẽ bổ sung, hoàn thiện cơ sở dữ liệu địa chính với mục tiêu xây dựng 100% thửa đất có cơ sở dữ liệu; tích hợp tất cả hồ sơ báo cáo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất trong các thời kỳ đang được lưu trữ dạng giấy hoặc dạng khác vào cùng một hệ thống dữ liệu và được quản lý bằng một hệ thống phần mềm đồng nhất...

Đồng thời, xây dựng bộ cơ sở dữ liệu giá đất, cập nhật các thuộc tính giá đất trên địa bàn toàn thành phố; tích hợp xuất bản cơ sở dữ liệu đất đai hằng năm; hoàn thiện hệ thống phần mềm nền tảng, hạ tầng công nghệ thông tin...

Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Quang Vinh thông tin, ngày 17-10-2022, Văn phòng UBND thành phố ban hành thông báo truyền đạt kết luận của Phó Chủ tịch UBND thành phố Lê Quang Nam thống nhất thực hiện dự án Bổ sung, hoàn thiện hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu quản lý đất đai thành phố Đà Nẵng.

Hiện nay, Sở Tài nguyên và Môi trường đang phối hợp Sở Thông tin và Truyền thông rà soát, đánh giá kết quả đạt được của công tác số hóa cơ sở dữ liệu đất đai, hướng khắc phục các hạn chế và tham mưu UBND thành phố phê duyệt dự án bảo đảm hiệu quả, phù hợp với yêu cầu quản lý đất đai và công tác chuyển đổi số trên địa bàn thành phố.

HOÀNG HIỆP

;
;
.
.
.
.
.