Tạm biệt Prao, tạm biệt xứ cây Chò, trên chuyến trở về thành phố, không ai bảo ai nhưng các thành viên trong đoàn đều thấy chuyến đi điền dã lần này thật hữu duyên… Dù chỉ có mấy ngày ngắn ngủi, nhưng đoàn đã được tiếp cận với “vỉa quặng” văn hóa độc đáo của người Cơ tu.
Đoàn thực tế văn hóa Cơ tu của Hội Văn nghệ Dân gian Đà Nẵng chụp hình lưu niệm trước nhà Gươl thôn Gừng, thị trấn Prao. Ảnh: N.H |
1. Chiều, từ ngôi nhà Moong (nhà dành cho gia đình người Cơ tu - nơi tổ chức các buổi sinh hoạt gia đình, dòng tộc) chênh vênh trên đỉnh đồi của già làng Cơlâu Nhím nhìn xuống, thị trấn Prao (huyện Đông Giang, tỉnh Quảng Nam) hiện ra như ảo ảnh trong ánh hoàng hôn tím hoang hoải. Tiếng khèn Bơrét bay lên mái nhà quyện với khói lam chiều như tiếng lòng của người Cơ tu phơi trên từng chiếc lá...
Đường lên nhà già làng Cơlâu Nhím ở thôn Ghúc cách không xa quốc lộ 14B đoạn qua thị trấn, nhưng phải leo qua mấy chục bậc cấp khoét vào đất núi đỏ loét. Trong khi các già làng bước đi thong dong thì 15 thành viên thuộc đoàn điều tra, khảo sát Văn hóa Cơ tu của Hội Văn nghệ Dân gian thành phố Đà Nẵng phải toát mồ hôi mới leo tới nơi.
Chúng tôi ngồi quây quần trên sàn nhà Moong, nghe các già làng kể chuyện. Trên vách gỗ treo đầy các nhạc cụ truyền thống của dân tộc Cơ tu như: khèn, trống, đàn... Những chiếc xương, đầu con thú, gạc nai đã lên màu thời gian và ám khói bếp giắt kín mặt vách khoác lên ngôi nhà chiếc áo đầy thần bí của đại ngàn. Những câu chuyện không đầu, không cuối từ trong ký ức người già cứ thế tuôn chảy như dòng nước A Vương về xuôi.
Chuyện kể rằng ngày xưa lâu lắm, nơi đây là rừng già vắng bóng người. Trên đỉnh núi có 2 tảng đá rất to, to đến chục trai làng ôm không xuể. Khi đêm xuống, rừng núi vẳng tiếng “húc, húc...”, người quanh vùng cho rằng đó là tiếng ma heo kêu, nghe rợn cả người. Sau ngày giải phóng, dân lên phá rừng làm rẫy. Dần dần hình thành xóm làng. Cái tên Ghúc nhại theo tiếng heo kêu “húc húc...” trở thành tên làng từ đó.
Dường như mỗi tên đất, tên làng nơi đây đều mang một sắc thái nghĩa rất đỗi hồn nhiên và chân chất. Các cụ bảo, nguyên làng Gừng trước kia ở trong rừng sâu. Khi huyện có chủ trương đưa dân về gần đường lớn để nâng cao điều kiện sống, bà con đã nghe theo và dời nhà lập nên làng mới hiện nay. Năm 2019, huyện lại sáp nhập 3 thôn Ghúc, Chờ Ke và Gừng thành một đơn vị hành chính lấy tên là thôn Gừng. Rất nhiều người khi nghe địa danh này đã hiểu nhầm rằng do vùng đất của làng sinh sống có nhiều cây gừng nên đã thành tên làng.
Thật ra, Gừng là cách đọc trại từ Gâng của tiếng Cơ tu. Theo các già làng, “gâng” nghĩa là tập quán của người địa phương khi nấu cơm trên bếp chỉ nấu duy nhất một nồi, nấu xong không nhắc xuống mà để nguyên trên bếp cho đến khi bưng ra ăn. Khi nấu tuyệt đối không được nướng thứ gì dưới than đỏ… Dường như tất cả những kiêng kỵ đó được gửi gắm trong từ “gâng” của dân tộc Cơ tu, biểu đạt một mong muốn việc làm nương, săn bắn, bản làng không ốm đau, bệnh tật, mọi chuyện được tốt lành, hanh thông.
2. Đêm, thị trấn Prao sáng trưng ánh điện. Nhìn từ xa như một quầng sáng đủ màu hắt lên ngọn cây. Prao vốn là vùng đất của những cây chò (Loong Prao). Nhưng nay, rừng chò chỉ còn trong nỗi nhớ xa xăm. Đang là mùa thu nên sương mờ giăng trắng đỉnh núi, hơi thu lành lạnh len lỏi vào tay áo khiến ai cũng giữ chặt vạt áo bên mình. Tối hôm ấy, nhà Ating Đía ở thôn A Duông bên cạnh làm lễ Bỏ mả cũ, chuyển người chết đến chỗ ở mới (người Kinh gọi là lễ Cải táng). Tiếng trống, tiếng chiêng rền vang một xóm nhỏ rồi nhẹ nhàng tan vào thinh không.
Tập tục Bỏ mả cũ, táng mới của người Cơ tu như một tâm nguyện tỏ bày sự hiếu thuận của con cháu dành cho người đã khuất. Người có điều kiện thì sau 2 năm chôn cất, gia đình sẽ chuyển di cốt ông bà, tổ tiên đến mồ mả mới. Người khó khăn thì từ 5 năm đến 10 năm. Nhưng dù sớm hay muộn, dù lễ to hay lễ nhỏ cũng phải làm. Như thế, người chết mới yên lòng và con cháu mới phát đạt.
Anh Ating Chơi, là cháu rể của gia đình vừa lăng xăng mời rượu khách vừa tranh thủ phiên dịch, giới thiệu cho chúng tôi một số nghi lễ tại đám cúng. Tiếng hát lý của các cụ ông, cụ bà bằng tiếng Cơ tu đều đều như tiếng kinh cầu. Những câu hát cám ơn bà con làng bản đến viếng lễ, ngợi ca đức tính tốt đồng thời xin mọi người hãy quên đi những sai sót, những điều không phải của người
đã khuất…
Tiếng hát tiễn đưa người đã khuất về nơi ở mới chơi vơi đến tận nửa đêm vẫn còn vấn vít tận đầu ngõ vào nhà. Tấm tuốt, tấm vải thổ cẩm được căng lên thành hình mái nhà những mong người chết ra đi không phải vất vả mưa nắng. Những người thân làm lễ dâng cơm, rượu đi dưới tấm tuốt di chuyển quanh sân như một đám rước nhỏ trong tiếng trống chiêng vời vợi. Ating Chơi ghé tai tôi tiết lộ: “Những người dâng lễ đều là những người có đức độ, không vi phạm pháp luật, lệ làng và được hội đồng già làng bình chọn hẳn hòi. Chứ mấy thanh niên hay bia rượu như tụi em chỉ đứng xa mà ngó!”.
Cũng đêm ấy, thôn A Dinh cách đó không xa cũng bận rộn làm cỗ cưới cho cô gái Zơ Râm Éo 20 tuổi, lấy chồng tận thôn A Pát, xã A Vương, huyện Tây Giang. Đây là đám cưới lần 2 sau khi cô dâu về nhà chồng đã 2 tháng. Người Cơ tu một số gia đình tổ chức đám cưới theo chế độ mẫu hệ. Theo tập tục, nhà có con gái không chỉ đám cưới một lần. Mà đến khi có con vẫn còn... cưới. Nghe nói sáng sớm hôm sau nhà gái sẽ thuê xe lên nhà trai ở Tây Giang. Các món ăn đã được chuẩn bị từ bánh sừng trâu, cơm lam, thịt nấu ống tre, rượu cần… sẽ được mang theo để đãi khách.
Từ chiều, những phụ nữ khéo tay trong làng đã tập trung tại nhà cô dâu gói bánh sừng trâu, một loại bánh làm bằng nếp rẫy, gói bằng lá dong có hình dáng đôi sừng trâu. Nồi bánh được nấu ngay trước sân khói bay nghi ngút. Bọn trẻ chạy loăng quăng từ chỗ nồi bánh đang sôi sùng sục qua chỗ cánh đàn ông đang cời than nướng thịt heo, thịt gà trong những ống tre dài cả sải tay. Trong khi đó, người già ngồi trầm ngâm trước bậu cửa, thỉnh thoảng lại nhắc nhở bọn trẻ đừng nghịch phá. Thỉnh tiếng cười con gái ngọt lịm từ gian bếp lọt qua cánh cửa lăn tròn ra sân lấp lánh ánh lửa. Dường như hạnh phúc đang lan tỏa khắp làng.
3. Sáng, thị trấn Prao trong veo sau một đêm ngủ vùi trong hơi thu se sắt. Chợ Đông Giang họp từ tầm 5 giờ sáng. Đặc sản núi rừng được người dân địa phương gùi đến chợ hãy còn thơm mùi cây cỏ. Măng tươi, rau rừng, loòng boong, dâu da… gọi là ngập mặt. Tiếng Cơ tu, tiếng Kinh lơ lớ của người địa phương mà đa số là phụ nữ và trẻ em líu ríu như một bài thơ níu chân du khách. Một phụ nữ Cơ tu sau khi bán hết gùi loòng boong mà vẫn chưa đủ số lượng theo yêu cầu của khách đã vội vã mang gùi chạy về vườn hái thêm. Chị vừa đi vừa ngoái lại dặn: “Mình về hái rồi mang qua nhà khách cho cán bộ nghe! Nhớ chờ mình đó…”.
Người Cơ tu nấu bánh sừng trâu chuẩn bị đám cưới ở thôn A Dinh, thị trấn Prao. Ảnh: N.H |
Sau một hồi lội chợ, cả đoàn đang lúi húi ăn sáng để còn kịp về Đà Nẵng như đã định thì bất ngờ một chiếc xe Wave đỗ xịch trước quán. Ngồi nguyên trên xe, ông Trọng, Phó bí thư Chi bộ thôn Gừng thông báo: Vợ chồng già làng Cơlâu Nhím mang cơm lam và gà luộc đến nhà khách biếu đoàn ăn đi đường. Nghe xong ai nấy đều ngẩn ngơ xúc động...
Trên chuyến trở về thành phố, không ai bảo ai nhưng các thành viên trong đoàn đều thấy chuyến đi điền dã lần này thật hữu duyên… Dù chỉ có mấy ngày ngắn ngủi, nhưng đoàn đã được tiếp cận với “vỉa quặng” văn hóa độc đáo “bằng xương bằng thịt” của người Cơ tu. Từ điệu múa Tung tung - Da dá, tiếng khèn, giọng hát lý diệu vợi đến những nghi lễ cưới xin, ma chay… đầy tính nhân văn. Bởi văn hóa dân gian chỉ “sống” trong môi trường diễn xướng của chính nó.
Tạm biệt Prao, tạm biệt xứ cây Chò. Chúng tôi ra về mang theo câu nhắn gửi của trưởng đoàn Đinh Thị Hựu, Chủ tịch Hội Văn nghệ Dân gian Đà Nẵng: Chúng ta nợ làng Gừng, nợ Prao một món nợ ân tình không kể xiết…
NHƯ HẠNH