Hẹn gặp lại Tây Giang

.

Mỗi lần lên huyện miền núi Tây Giang, tỉnh Quảng Nam lại phát hiện nơi vùng đất có đến 95% dân số sinh sống là đồng bào dân tộc Cơ tu này thêm một điều gì đó lạ lẫm, kỳ thú.

Điệu múa Tung tung - Da dá truyền thống ở làng A Rớch, thôn Nal, xã Lăng, huyện Tây Giang, Quảng Nam. (Ảnh chụp cuối tháng 4-2021)
Điệu múa Tung tung - Da dá truyền thống ở làng A Rớch, thôn Nal, xã Lăng, huyện Tây Giang, Quảng Nam. (Ảnh chụp cuối tháng 4-2021). Ảnh: V.T.L

1. Cuối tháng 4-2021, tôi theo đoàn du khảo điều tra, sưu tầm văn hóa dân gian của Hội Văn nghệ dân gian thành phố Đà Nẵng vượt gần 130km lên Tây Giang, lần này ghé thăm làng A Rớch, thôn Nal, xã Lăng. “Hướng dẫn viên” là Pơloong Plênh, chuyên viên Phòng Văn hóa và Thông tin huyện. Nghe tôi hỏi vì sao lại “mai mối” cho đoàn lên A Rớch, nơi cách trung tâm huyện 15km gập ghềnh đường núi, anh chàng người xã Lăng “bật mí”: Đó là dịp làng A Rớch tổ chức lễ hội khánh thành “Vòng trái tim tình yêu” và “Bàn tay Mẹ rừng”.

Trưa, đoàn đến trung tâm huyện Tây Giang. Hôm đó Phó Chủ tịch UBND huyện Arất Blúi dù đang bận rộn một số việc chuẩn bị công tác phòng, chống Covid-19 nhưng cũng tranh thủ đến chào hỏi và dùng cơm trưa với đoàn tại nhà khách Tây Giang. Nhiều thành viên của đoàn lần đầu tiên lên Tây Giang, mắt họ ánh lên niềm vui thú xen lẫn sự khám phá sau khi nghe lãnh đạo huyện khái quát đôi nét về đất và người Tây Giang.

Đường lên A Rớch nhiều dốc lắm đèo, có những khúc cua tay áo gây hứng thú cho người có máu mạo hiểm nhưng lại làm “nhói lòng” cho những ai không quen đi tàu xe. Ploong Plênh cùng vợ và con chạy xe máy, đón đoàn nơi ngã ba dẫn vào làng. Xe lên đến đầu dốc, ngôi làng hiện ra giữa đồi cao, chung quanh là rừng nguyên sinh bao la. Một làn gió mát lành mang hơi thở thuần khiết của đại ngàn xua tan cái nắng sơn cước đầu hè. Những ngôi nhà mái tôn vách gỗ quây quần quanh Gươl theo hình chữ U hiện ra trên nền xanh thẫm của núi rừng.

Chiều xuống chậm bên kia núi. Chúng tôi quây quần bên trong Gươl, nghe các già làng kể chuyện buồn vui làng mình. A Rớch ban đầu nằm dưới vùng thấp trũng bên con suối cùng tên, quanh năm đời sống dân sinh bất an do lũ lụt. Từ năm 2016, toàn bộ 19 hộ của làng đã được di dời lên địa điểm cao ráo hiện nay, cách làng cũ tầm 3km. Già làng Pơloong Nhăn đưa tôi đến một ngôi nhà vách gỗ khang trang tựa lưng vào núi, giọng đầy tự hào nói đây là ngôi nhà do Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tặng năm 2018 cho người có công cách mạng, có tấm biển nhỏ gắn phía trước.

2. Vượt qua những khó khăn nhất định ban đầu, cuộc sống của dân làng A Rớch ở địa điểm mới giờ đã đâu vào đó. Hôm đó, bà con tổ chức lễ hội khánh thành “Vòng trái tim tình yêu” và “Bàn tay Mẹ rừng” nhằm duy trì các hoạt động văn hóa của dân tộc mình và cũng là dịp tạ ơn Yàng đã mang lại cho dân làng lòng yêu thương, sự yên ổn...

Sau phần trình diễn các loại nhạc cụ, trống chiêng làm lễ nhập họ là điệu múa Tung tung - Da dá truyền thống của người Cơ tu diễn ra quanh cây nêu dựng trong sân. Hoa văn, họa tiết trên trang phục thổ cẩm uốn lượn trong vũ đạo nhịp nhàng theo điệu nhạc của con người làm cho hai chú chim Hồng hoàng bằng gỗ đậu trên nóc nhà Gươl dường như cũng muốn cựa mình bật lên tiếng hót. Tiếng kèn Tơghêy (còn gọi là kèn Axăng, cách gọi phổ thông là kèn sừng trâu hay tù và) vang vọng giữa đại ngàn, theo quan niệm của người Cơ tu, là thanh âm nối kết giữa con người và các thế lực huyền bí, siêu nhiên.

Chừng như muốn chứng tỏ rằng mình không thua kém gì nam giới, hai phụ nữ Cơ tu đứng tuổi mang ra hai nhạc cụ truyền thống dân tộc mình, ngồi “biểu diễn” bên bậc thang dẫn lên Gươl. Một chị ôm cây đàn Jưl, loại đàn có hình dáng, kích thước và chất liệu tương tự như đàn măng-đô-lin nhưng chỉ có 2 dây, thường được sử dụng sau khi kết thúc lễ hội cộng đồng; đó là lúc mọi người tụ tập lại hát đối đáp, hát giao duyên theo các làn điệu dân ca. Một chị, bằng chiếc sáo Aluốt 6 lỗ dành riêng cho nữ giới, lên bỗng xuống trầm những thanh âm biểu lộ buồn vui của con người theo các làn điệu dân ca truyền thống.

Rất tiếc, hôm đó rộ lên tin tức về Covid-19 bùng phát ở một số địa phương nên lễ hội không diễn ra trọn vẹn như mong muốn. Các trò dân gian Ném vòng mây, Thổi ống giang hay Tracking trong rừng, Tắm thác Tơ cỏỏng đều phải... hẹn dịp khác! Khách và chủ, vì thế, chỉ còn chọn cách lưu lại những tấm hình kỷ niệm bên Vòng trái tim tình yêu và Bàn tay mẹ Rừng - những tác phẩm được đan bện tinh xảo bằng mây rừng, càng về chiều càng lơ lửng giữa màn sương.

Lão nghệ nhân Bh’riu Pố bên phù điêu Mẹ Rừng trong Gươl thôn Arơh, xã Lăng. Ảnh: V.T.L
Lão nghệ nhân Bh’riu Pố bên phù điêu Mẹ Rừng trong Gươl thôn Arơh, xã Lăng. Ảnh: V.T.L

3. Sáng hôm sau chúng tôi “hạ sơn”, ghé vào Gươl thôn Arơh, nghe lão nghệ nhân Bh’riu Pố kể chuyện tạc tượng gỗ. Hai năm trước, già làng nguyên Bí thư Đảng ủy xã Lăng này từng “ẳm” giải Nhất Trại sáng tác điêu khắc tượng gỗ người Cơ tu tổ chức lần đầu tại Khu du lịch sinh thái Suối Hoa (xã Hòa Phú, huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng) với tác phẩm Mẹ Rừng. Đó là tượng một người đàn bà có khuôn mặt rầu rĩ được tạc trên nền một bông hoa vàng năm cánh. Mái tóc được cách điệu bằng ba chồi non xanh. Hai bầu ngực mang hình hai chiếc lá, một nguyên vẹn, một rách tả tơi. Nghe ban giám khảo đánh giá tác phẩm đình đám này thể hiện “sự sâu thẳm về triết lý sống, triết lý ứng xử với tự nhiên”, tôi cứ mong được tác giả nói về ý nghĩa của nó mà chưa có dịp.

Trong Gươl thôn Arơh hôm đó tôi gặp hai phù điêu “phiên bản” của Mẹ Rừng. Một có dáng dấp như tượng ở Suối Hoa nhưng một bầu ngực đã khô héo. Một toàn thân mang màu đen sầu thảm, miệng mọc hai răng nanh, thè ra cái lưỡi đỏ chót. Thấy mọi người thắc mắc, nghệ nhân Bh’riu Pố thong thả giải thích.

Rằng xưa ở vùng xã Lăng có một gia đình nọ ăn ở không tốt, hai bố con thường lên rừng đặt bẫy, muốn độc chiếm cả dãy núi A Dương. Một hôm họ không thấy thú mắc bẫy nhưng cái bẫy nào cũng như có ai đó gỡ ra. Đến bìa rừng, họ thấy một người đàn bà có đôi chân như rễ cây đang ngồi gỡ bẫy. Bà nghiêm sắc mặt: Cha con nhà ngươi muốn bẫy thú phải xin phép ta, chứ mạnh ai nấy làm thì còn chi núi rừng nữa?! Người bố về kể lại cho dân làng, ai cũng xanh mặt. Già Bh’riu Pố theo đó khắc mấy tượng gỗ, gọi là Mẹ Rừng để nhắc nhở mọi người phải bảo vệ thiên nhiên.

Thiên nhiên đã bị tàn phá quá nhiều rồi, câu chuyện của nghệ nhân điêu khắc gỗ đã để lại một dấu lặng trong lòng mọi người. Còn nhớ, năm 2008, nhân kỷ niệm 5 năm tái lập huyện Tây Giang, tôi lần đầu tiên được chiêm ngưỡng những tượng gỗ, mỗi tượng “kể” một câu chuyện, trong Làng truyền thống Cơ tu cách trung tâm hành chính huyện một con suối. Làng có một Gươl ở giữa với 10 nhà sàn, mỗi nhà mang một nét riêng vây quanh phía trước tượng trưng cho 10 xã trong huyện. Bên lối lên Gươl, già Coor Tik, một trong những nghệ nhân còn giữ được nghề chạm khắc dân tộc Cơ tu ở Tây Giang, khoan thai trỗ những nhát đục cuối cùng để hoàn chỉnh các bức tượng gỗ cho kịp trưng bày trong lễ chính diễn ra sáng hôm sau.

Nghe tôi kể, thành viên trong đoàn ai nấy đều háo hức muốn ghé thăm ngôi làng mang đậm nét văn hóa dân gian Cơ tu này một chuyến. Thế nhưng, vì Covid-19 khiến ước mơ đó trở thành... một cái hẹn.

Chia tay Tây Giang, tôi mang về hình ảnh già làng Pơloong Jrứt, 96 tuổi, vừa cầm bình nước diệt khuẩn xịt vào lòng bàn tay một đứa bé được mẹ ẳm đến chơi dưới mái nhà Gươl, vừa cười: “Sạch cái tay, khỏe cái thân, con trai nhé!”. Đứa bé chưa phải là trẻ nhất làng, nhưng già Pơloong Jrứt là người cao niên nhất làng A Rớch. Hình ảnh một già một trẻ đó gởi chúng tôi lời hò hẹn: Hết dịch lại lên Tây Giang để được “Đêm đêm ta lên nhà Gươl chung nhau múa ca tưng bừng” như câu hát của nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu trong “Bài ca Tây Giang”…

VĂN THÀNH LÊ

;
;
.
.
.
.
.