Xã hội

Kỷ niệm khó quên trong những chuyến đi

17:28, 22/06/2024 (GMT+7)

Trong những chuyến công tác theo sự phân công của Ban Biên tập Báo Đà Nẵng, chuyến đi huyện miền núi Tây Giang (tỉnh Quảng Nam), huyện đảo Lý Sơn (tỉnh Quảng Ngãi), huyện đảo Cồn Cỏ (tỉnh Quảng Trị) để lại trong tôi nhiều kỷ niệm khó quên nhất.

Các phóng viên tác nghiệp trong đợt đoàn công tác Bộ Tư lệnh Vùng 3 Hải quân ra thăm, tặng quà cán bộ, quân và dân huyện đảo Cồn Cỏ dịp Tết Quý Mão 2023. Ảnh: LÊ HÙNG
Các phóng viên tác nghiệp trong đợt đoàn công tác Bộ Tư lệnh Vùng 3 Hải quân ra thăm, tặng quà cán bộ, quân và dân huyện đảo Cồn Cỏ dịp Tết Quý Mão 2023. Ảnh: LÊ HÙNG

Gian nan vượt đường rừng núi

Đầu năm 2021, tình hình Covid-19 cơ bản được kiểm soát; tuy nhiên, nguy cơ dịch bệnh xâm nhập từ bên ngoài vào rất lớn. Vì vậy, những người lính biên phòng phải ngày đêm chốt chặn lối mòn; cắt rừng, trèo đèo, vượt suối tuần tra, kiểm soát dọc tuyến biên cương để ngăn chặn dịch bệnh xâm nhập. Tôi và phóng viên Xuân Dũng được phân công lên huyện miền núi Tây Giang (tỉnh Quảng Nam) ghi nhận thông tin và phản ánh những gian nan, vất vả của người lính biên phòng nơi biên cương của Tổ quốc.

Xuất phát từ Đà Nẵng lúc 8 giờ, nhưng mãi đến 14 giờ cùng ngày, chúng tôi mới đến được trung tâm huyện Tây Giang. Chỉ với hơn 120km, nhưng do đường núi quanh co nên hành trình của chúng tôi chậm lại. Để kịp đến với Đồn Biên phòng Ga Ry (vị trí cao nhất của tỉnh Quảng Nam, cách mặt nước biển khoảng 1.200m) khi trời còn sáng, chúng tôi tiếp tục hành trình vượt hàng chục km đường đèo núi. Ngày ngày mưa rừng bào mòn con đường, cuốn đi lớp đất che phủ và để trơ ra những rìa đá lô nhô đủ loại, khiến phương tiện đi lại vô cùng khó khăn. Càng lên, đường không còn là đường nữa, nó đã bị rách nát bởi những cơn mưa rừng xối xả. Đoạn đường lên Ga Ry cực kỳ khó khăn. Nhiều đoạn bị đứt gãy do mưa lũ, chúng tôi phải “vật lộn” trong vùng sình mới vượt qua được. Trên đường đi, đập vào mắt chúng tôi là hàng chục điểm sạt lở núi, đường sá bị đứt gãy, bùn đất…

Gửi ít hành lý tại phòng nghỉ, chúng tôi theo chân cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Ga Ry băng qua nhiều đoạn bùn đất, lởm chởm đá gần 90 phút để đến điểm chốt Atu 1 (xã Ch’ơm, huyện Tây Giang). Màn đêm bao phủ khắp núi rừng, nhiệt độ ngày càng xuống thấp. Sau buổi cơm tối, chúng tôi theo chân tổ công tác lên đường làm nhiệm vụ. Men theo đường rừng trong đêm đen, dưới ánh đèn pin chập chờn và gần hai giờ tuần tra, kiểm soát khu vực đường mòn, lối mở, tổ công tác ngược xuống về lại điểm chốt nghỉ ngơi… Ngả lưng được một chút, những người lính Đồn Biên phòng Ga Ry bắt đầu chuẩn bị quân tư trang cho ngày hôm sau. Rạng sáng, thời tiết rét cắt da, cắt thịt, sương mù bao phủ nhưng khi nghe tiếng kẻng báo thức, cán bộ, chiến sĩ vội vùng dậy khỏi giường chuẩn bị lên đường hành quân tuần tra lưu động dọc đường biên, cột mốc. Chúng tôi theo chân tổ tuần tra lên đường làm nhiệm vụ. Trong quá trình di chuyển, gặp những cây gỗ to ngã chắn lối, tổ công tác phải dùng rựa phát quang. Đối với những dốc thẳng đứng, mỗi người phải tìm điểm tựa để vượt lên. Có những đoạn đường nhỏ vắt ngang vách núi, chỉ cần bất cẩn sảy chân thì không biết chuyện gì sẽ xảy ra… Chiều muộn, chúng tôi đặt chân đến cột mốc 700. Nhìn về phía nước bạn Lào chỉ thấy những cánh rừng, đồi núi hun hút. Trong 12 cột mốc mà Đồn Biên phòng Ga Ry quản lý, cột mốc 700 nằm ở vị trí xa nhất, đường sá đi lại vô cùng khó khăn, phải mất một ngày đường di chuyển mới đến nơi được. Khuya, chúng tôi dừng lại nghỉ ngơi và phân công luân phiên người thức canh gác. Sau khi mỗi người tranh thủ chợp mắt được gần 2 giờ, tổ công tác lại lên đường tuần tra. Sau đó, xuôi xuống đường mòn, trở về điểm gửi xe ở đầu thôn…

Sau 2 ngày đêm bám đường nơi rừng thiêng nước độc, chúng tôi tạm biệt cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Ga Ry để ngược về xuôi. Vừa di chuyển được hơn 30km, chúng tôi gặp cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng A Xan chuẩn bị hành quân gùi lương thực, thực phẩm lên điểm chốt kiểm soát bảo vệ biên giới và phòng, chống Covid-19 số 1 nên xin đi cùng. Đi bộ băng những con suối nước chảy xiết, con đường mòn dốc thẳng đứng, trơn trượt, lầy lội hơn 2 giờ, chúng tôi cũng đặt chân đến điểm chốt số 1. Chốt được dựng bằng khung gỗ, mái che phủ tôn với diện tích rộng hơn 20m2, ở giữa chốt là chiếc sạp lớn làm bằng ván. Đây là nơi nghỉ ngơi của 5 người lính biên phòng và 1 dân quân. Vị trí chốt nằm giữa rừng rậm, án ngữ đường mòn qua khu vực biên giới nước bạn Lào. Chiều tàn, chúng tôi ngược xuống đường lớn, lấy xe di chuyển về trung tâm huyện Tây Giang.

Đoàn công tác và đội ngũ phóng viên các cơ quan báo chí xuống thuyền nhỏ để vào đảo Lý Sơn. Ảnh: LÊ HÙNG
Đoàn công tác và đội ngũ phóng viên các cơ quan báo chí xuống thuyền nhỏ để vào đảo Lý Sơn. Ảnh: LÊ HÙNG

Lênh đênh trên biển

Đầu năm 2024, tôi cùng hàng chục phóng viên các cơ quan báo chí lên con tàu của Bộ Tư lệnh Vùng 3 Hải quân vượt sóng to, gió lớn đến thăm, chúc Tết cán bộ, chiến sĩ, nhân dân đang sinh sống, thực hiện nhiệm vụ trên huyện đảo Cồn Cỏ (tỉnh Quảng Trị) và huyện đảo Lý Sơn (tỉnh Quảng Ngãi). Dù đã có “kinh nghiệm” và trang bị cho mình một số thứ cần thiết để chống chọi với những đợt sóng to gió lớn, nhưng khi tàu rời bến được vài giờ , tôi đã có cảm giác “lâng lâng”. Bỏ buổi cơm chiều, tôi và một số đồng nghiệp vào phòng nằm nghỉ và lấy cơm cháy ra nhai lót dạ.

Giấc ngủ đêm chập chờn qua đi, bình minh bắt đầu ló dạng và cũng là lúc tàu đến vùng biển Cồn Cỏ. Mệt mỏi, bơ phờ nhưng chúng tôi phấn khởi vì sắp được đặt chân lên đảo tiền tiêu của Tổ quốc. Tàu thả neo ngoài khơi, chuẩn bị đưa đoàn công tác di chuyển xuống tàu nhỏ vào bờ. Tuy nhiên, lúc này những con sóng to bắt đầu nối đuôi nhau kéo đến. Tàu lớn và tàu nhỏ cứ thế bị đẩy dạt ra xa, không thể tiếp cận được. Trong tâm trạng trông ngóng, chờ đợi nên ai nấy đều mệt mỏi và say sẩm mặt mày… Đợi đến 14 giờ cùng ngày, hai tàu vẫn không thể kề sát nhau được nên phương án di chuyển người vào đảo Cồn Cỏ bị hủy bỏ. Chúng tôi chỉ 15 phút có mặt tại hội trường trên con tàu đang lắc lư mạnh để tác nghiệp nghi thức chúc Tết trực tuyến cán bộ, quân và dân huyện đảo Cồn Cỏ.

Các phóng viên tác nghiệp trong đợt đoàn công tác Bộ Tư lệnh Vùng 3 Hải quân ra thăm, tặng quà cán bộ, quân và dân huyện đảo Cồn Cỏ dịp Tết Quý Mão 2023.  Ảnh: LÊ HÙNG
Các phóng viên tác nghiệp trong đợt đoàn công tác Bộ Tư lệnh Vùng 3 Hải quân ra thăm, tặng quà cán bộ, quân và dân huyện đảo Cồn Cỏ dịp Tết Quý Mão 2023. Ảnh: LÊ HÙNG

15 giờ, tàu được lệnh kéo neo, chào tạm biệt huyện đảo Cồn Cỏ để tiếp tục hành trình vượt qua những cơn sóng to để đến với cán bộ, quân, dân huyện đảo Lý Sơn. Biển động, sóng to gió lớn, cán bộ, chiến sĩ trên tàu tìm đủ mọi cách để che chắn, gìn giữ an toàn cho những gói quà khỏi bị ướt trước bao cơn sóng quăng quật lắc lư suốt hải trình dài hàng trăm hải lý. 19 giờ, tàu dừng giữa biển khơi, chúng tôi có mặt tại hội trường để tham gia chương trình giao lưu văn nghệ và chúc Tết trực tuyến cán bộ, chiến sĩ đang làm nhiệm vụ trên biển. Hai con tàu nằm  cách nhau hơn 100m và những tiếng hát, lời chúc được truyền qua hệ thống trực tuyến. Nhìn chiếc tàu làm nhiệm vụ tuần tra kiểm soát trên biển đang lắc lư giữa mênh mông đại dương, chúng tôi cảm nhận được phần nào gian nan, vất vả của những người lính hải quân...

Sau gần 15 giờ vượt qua những đợt sóng cao, những món quà Tết gói bằng yêu thương từ đất liền được đưa lên hòn đảo tiền tiêu Lý Sơn. 2 giờ lưu lại trên đảo Lý Sơn để tác nghiệp và xử lý tin bài, chúng tôi được lệnh xuống tàu chờ đến tối thì khởi hành về lại Đà Nẵng, kết thúc hành trình gần 60 giờ lênh đênh trên biển. 

LÊ HÙNG

.