Vì sao phải cách ly toàn xã hội 14 ngày?

.

Cách ly toàn xã hội có mục đích: Chống hiện tượng lây nhiễm từ người sang người do di chuyển, tiếp xúc; có thời gian dò dấu vết nguồn F1, F2, F3… của những ca nhiễm đã được phát hiện; phát hiện những người nhiễm không rõ nguồn gốc trong cộng đồng để cách ly và khoanh vùng cách ly; làm chậm sự lan truyền dịch bệnh, có thể kéo dài thời gian chuẩn bị cho vaccine tạo miễn dịch cộng đồng cũng như chuẩn bị cho tình huống xấu là dịch bùng phát ồ ạt.

14 ngày vàng

Thời gian ủ bệnh được xem là 14 ngày (có thể dài hơn). Nghĩa là từ lúc nhiễm đến lúc khởi phát bệnh trong vòng 14 ngày. Trong 14 ngày, những người nhiễm virus sẽ có triệu chứng, họ tìm đến cơ sở y tế hoặc thông qua khai báo, được tiếp nhận và từ đó tìm ra những nguồn dịch trong cộng đồng. Việc chọn 14 ngày chỉ là bước đầu, cách ly toàn xã hội có thể ngắn hay dài hơn tùy thuộc vào việc đã đạt được những mục đích nói trên hay chưa.

Cần làm gì trong 14 ngày?

Hạn chế ra khỏi nhà, bắt buộc mang khẩu trang ở nơi công cộng, tránh tiếp xúc gần, cấm tụ tập đông người… Việc này tuy khó nhưng với sự tham gia của toàn hệ thống chính trị, bằng những biện pháp hành chính quyết liệt, kết hợp với ý thức của người dân… thì sẽ làm được.

Toàn xã hội đứng yên, đây là cơ hội vàng để khoanh các vùng nhiễm hoặc phát hiện đúng người nhiễm trong cộng đồng. Tuy vậy, điều này không đơn giản. Đặc điểm cực kỳ nguy hiểm của SARS-CoV-2 là có thể ẩn mình rất tốt trong cộng đồng do không có triệu chứng hoặc chỉ có triệu chứng nhẹ như: ho, đau họng, hay đi tiêu lỏng, khó thở, sốt... Đặc biệt, thời gian ủ bệnh có thể kéo dài hơn 14 ngày, thậm chí không có triệu chứng. Trong thời gian đó, người bị nhiễm vẫn có thể lây bệnh cho người khác. Vậy làm sao để phát hiện?

Theo tôi, các biện pháp cần phải làm trong thời điểm này bao gồm:

Phát hiện người có triệu chứng: Đưa ra những triệu chứng nghi ngờ nhiễm SARS-CoV-2, thông báo cho toàn thể cộng đồng, nếu ai có những biểu hiện này thì đến xét nghiệm. Xét nghiệm đúng thì mới có thể phát hiện rõ ràng có nhiễm SARS-CoV-2 và xác định đó có phải nguồn lây hay không (xét nghiệm đúng là đúng về thời điểm và đúng loại xét nghiệm). Hiện có 2 nhóm xét nghiệm là tìm đoạn gen đặc hiệu trong mẫu di truyền ARN của virus trong dịch hầu họng và tìm kháng thể kháng virus.

Xét nghiệm dịch hầu họng phải làm ở giai đoạn virus đã xuất hiện ở hầu họng. Chưa có báo cáo cụ thể cho biết từ khi nhiễm virus cho đến bao lâu thì xuất hiện virus ở dịch hầu họng. Nếu xét nghiệm trước lúc này hoặc người bệnh có dùng loại nước súc họng nào ngày trước đó thì có thể dẫn tới âm tính giả và vẫn là nguồn lây.

Nếu xét nghiệm tìm kháng thể trong máu thì phải chờ thời gian kháng thể hình thành, IgM thì khoảng 2-3 ngày, IgG ít nhất phải sau 7 ngày. Phải tìm ra IgM và IgG đặc hiệu riêng cho virus này thì xét nghiệm mới chính xác. Ngoài ra, giai đoạn đầu vẫn bỏ sót những trường hợp nhiễm bệnh do kháng thể chưa hình thành trong máu.

Để nhận biết người dương tính với SARS-CoV-2 tiềm ẩn trong cộng đồng phát ra triệu chứng, đòi hỏi trong 14 ngày này, chính quyền địa phương, các tổ chức, cơ quan, đơn vị… kiểm tra khai báo y tế hằng ngày, phát hiện tất cả những người có những biểu hiện nhiễm từ nhẹ đến nặng. Xét nghiệm toàn bộ những người này, lập hồ sơ theo dõi và xét nghiệm lại định kỳ. Tuy nhiên, số lượng những người này không ít vì Việt Nam nằm ở vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa, bệnh lý đường hô hấp rất phổ biến.

Đối với người không có triệu chứng, không rõ nguồn lây, làm sao có thể phát hiện được trong cộng đồng? Chỉ có một cách duy nhất là xét nghiệm đại trà. Có thể khoanh vùng từng khu, xét nghiệm đại trà từng khu, cách ly từng khu để phát hiện từng người bị nhiễm và cách ly điều trị đích, bảo vệ được cộng đồng. Có thể huy động xã hội hóa vì Nhà nước không đủ nguồn lực để xét nghiệm đại trà miễn phí. Hơn nữa, phải nhanh chóng nghiên cứu đưa ra những bộ test nhanh sàng lọc dễ làm, giá rẻ, độ tin cậy cao...

BS. NGÔ ĐỨC HẢI
 

;
;
.
.
.
.
.