Dịch bệnh tại 5 phường thiết lập cách ly y tế trên địa bàn quận Sơn Trà vẫn diễn biến phức tạp. Tại khu vực cách ly trong vùng phong tỏa xuất hiện nhiều trường hợp mắc Covid-19 mới. Điều này chứng tỏ người dân chưa thực hiện giãn cách nghiêm túc và còn chủ quan, lơ là trong phòng, chống dịch.
Công an quận Sơn Trà kiểm tra giấy đi đường của người dân phường Nại Hiên Đông. Ảnh: ĐẮC MẠNH |
“Ngoài chặt, trong lỏng”
Bác sĩ Tôn Thất Thạnh, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) thành phố cho biết, qua theo dõi phát hiện nhiều người dân còn tập trung trò chuyện và không đeo khẩu trang. Đơn cử, mới đây, 4 nhà liền kề trên tuyến đường Nại Hiên Đông 18 xuất hiện 12 ca mắc Covid-19 mới cùng lúc. Điều này cho thấy, dù thành phố đang thực hiện giãn cách xã hội theo phương châm nhà cách ly nhà nhưng người dân vẫn còn qua lại, giao lưu, nói chuyện cùng nhau.
Bác sĩ Tôn Thất Thạnh cho rằng, các địa phương cần tăng cường tuyên truyền, nhắc nhở người dân ở nhà, thực hiện nghiêm phương châm nhà cách ly nhà, chỉ ra đường khi thật sự cần thiết và phải đeo khẩu trang, phòng hộ đầy đủ, bảo đảm giãn cách tối thiểu 2m. Bên cạnh đó, Sở Công thương, chính quyền địa phương và doanh nghiệp cung ứng đầy đủ, kịp thời lương thực thực phẩm, hàng hóa thiết yếu nhất cho người dân.
“Có như thế, chúng ta mới nhanh chóng lọc được các ca F0 ra khỏi cộng đồng qua những đợt lấy mẫu xét nghiệm, từ đó tiến tới cắt đứt nguồn lây nhiễm. Nếu còn tình trạng ra ngoài không cần thiết, người dân vẫn tụ tập nói chuyện, giao lưu thì rất khó kiểm soát được tình hình dịch bệnh tại 5 phường thực hiện cách ly y tế trên địa bàn quận Sơn Trà”, bác sĩ Thạnh nhấn mạnh.
Đồng quan điểm, bác sĩ Phạm Hồng Nam, Giám đốc Trung tâm Y tế quận Sơn Trà cho rằng, tình hình dịch bệnh trên địa bàn quận có chuyển biến tích cực nhưng vẫn có nguy cơ cao, còn tình trạng ngoài chặt nhưng trong lỏng. Đặc biệt, trong khu vực cách ly của vùng phong tỏa, người dân tụ tập uống cà phê và ra khu vực trước nhà ngồi nói chuyện mà không đeo khẩu trang.
“Qua đánh giá tình hình, chúng tôi đề nghị lãnh đạo Quận ủy, UBND quận và các phường chỉ đạo các lực lượng tăng cường quản lý, siết chặt hơn nữa các khu dân cư. Nếu làm tốt điều này mới hy vọng tình hình dịch bệnh được kiểm soát, 5 phường trên địa bàn quận Sơn Trà sớm tháo gỡ cách ly y tế”, bác sĩ Nam nói.
Bảo đảm phòng, chống dịch tại các điểm lấy mẫu
Bác sĩ Phạm Hồng Nam cho biết, điều đáng mừng trong đợt lấy mẫu xét nghiệm lần 3, toàn bộ người dân phường An Hải Bắc đều âm tính với SARS-CoV-2. Ngành y tế cũng khoanh vùng kịp thời điểm nóng trên tuyến đường Thủ Khoa Huân (phường An Hải Đông). Tuy nhiên, không vì thế mà người dân chủ quan, lơ là, phải chủ động thực hiện giãn cách nhà cách ly nhà.
Theo bác sĩ Tôn Thất Thạnh, ngành y tế thành phố đang thực hiện chiến lược lấy mẫu xét nghiệm 3 ngày/lần đối với người dân trong khu vực cách ly y tế trên địa bàn quận Sơn Trà và các quận, huyện khác. Với sự hỗ trợ tích cực của lực lượng công an, dân phòng, bảo vệ dân phố…, việc giãn cách trong lúc chờ lấy mẫu xét nghiệm đã đi vào nền nếp, không còn tình trạng tập trung đông người. Như vậy, nguy cơ hiện nay chỉ còn nằm ở các khu dân cư, chung cư.
“Hiện nay, các khu vực phân chia ra từng khung giờ khác nhau để lấy mẫu, người dân mỗi tổ cách nhau từ 15-30 phút. Từ chiều 9-8 đã không còn xảy ra tình trạng tập trung đông cùng một lúc chờ lấy mẫu, người dân đến theo khung giờ thông báo và xếp hàng giãn cách theo đúng quy định”, bác sĩ Phạm Hồng Nam khẳng định.
Kiểm tra, xử lý nghiêm trường hợp vi phạm
Thiếu tướng Vũ Xuân Viên, Giám đốc Công an thành phố cho biết đã chỉ đạo Công an quận Sơn Trà tăng cường lập thêm các chốt kiểm soát và siết chặt việc kiểm tra, xử lý các trường hợp vi phạm quy định về phòng, chống dịch. Đồng thời, tuyệt đối tuân thủ phương châm “nội bất xuất, ngoại bất nhập” trên địa bàn quận, đặc biệt đối với 5 phường đang thực hiện cách ly y tế. Cấm tuyệt đối những người không có phận sự vào trong khu cách ly y tế. Người vào trong khu vực phong tỏa phải được sự cho phép của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch thành phố và thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch.
Thượng tá Phan Minh Mẫn, Trưởng Công an quận Sơn Trà cho biết, Công an quận thiết lập 51 chốt kiểm soát trên địa bàn 7 phường, trong đó tập trung chủ yếu tại 5 phường thực hiện cách ly y tế. Ngoài lực lượng Công an quận, Công an thành phố tăng cường thêm 147 cán bộ, chiến sĩ tham gia công tác chốt chặn và tuần tra, kiểm soát lưu động tại các tuyến đường, khu dân cư để tuyên truyền, nhắc nhở người dân thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch; cũng như kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm.
Theo Thượng tá Phan Minh Mẫn, qua thực tiễn công tác tại các khu vực dân cư cho thấy, đời sống người dân quá khó khăn, thiếu thốn về lương thực, thực phẩm và hàng hóa thiết yếu. Điều này xuất phát từ việc các đơn vị, doanh nghiệp chậm trễ trong việc cung ứng. Nhiều trường hợp buộc phải ra ngoài hoặc qua nhà hàng xóm mượn tạm về dùng.
Vì vậy, bên cạnh việc triển khai lực lượng tuần tra, chốt chặn, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, Công an quận còn kiến nghị UBND quận và các địa phương quan tâm, chăm lo đời sống người dân. “Người dân trong các khu dân cư đã bí bách. Nếu không đủ lương thực, thực phẩm để dùng hằng ngày thì khó chấp hành nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch được. Vì vậy, địa phương phải bảo đảm việc cung ứng kịp thời những hàng hóa thiết yếu hằng ngày”, Thượng tá Phan Minh Mẫn cho biết.
F0 khỏe mạnh có thể trở nặng và nguy kịch Theo bác sĩ Lê Đức Nhân, Giám đốc Bệnh viện Đà Nẵng, Phó Chủ tịch Hội đồng chuyên môn điều trị Covid-19 tại thành phố, hiện tại có 67 bệnh nhân Covid-19 nặng đang được điều trị tại Bệnh viện Phổi Đà Nẵng. Trong đó nhóm nguy cơ, nguy cơ cao và nguy cơ rất cao có hơn 55 bệnh nhân. Nặng nhất là 1 trường hợp thở máy và ECMO oxy hóa màng ngoài cơ thể, 2 ca thở máy xâm lấn và lọc máu liên tục, 3 ca thở máy, 1 ca thở HFNC và lọc máu, 9 ca thở HFNC, 22 ca thở oxy gọng và mặt nạ. “Không như những đợt dịch trước, bệnh nặng và nguy kịch tập trung ở nhóm bệnh nền, người lớn tuổi. Chủng Delta lây lan nhanh và bệnh diễn tiến nặng rất nhanh, bất cứ F0 nào cũng có thể trở nặng và nguy kịch, kể cả người trẻ, có sức khỏe tốt. Vì vậy, mọi người không được chủ quan”, bác sĩ Lê Đức Nhân cảnh báo. |
LÊ HÙNG