Nội soi lấy viên thuốc còn nguyên vỏ trong khí quản bệnh nhân

.

ĐNO - Ngày 12-4, Bệnh viện Đà Nẵng cho biết, các bác sĩ Khoa Nội hô hấp - Miễn dịch dị ứng vừa nội soi gắp thành công viên thuốc còn nguyên vỏ với kích thước 24x17mm nằm trong khí quản cho bệnh nhân.

Sau phẫu thuật, sức khỏe bệnh nhân H đã ổn định và có thể xuất viện trong thời gian tới. Ảnh: PHAN CHUNG
Sau phẫu thuật, sức khỏe bệnh nhân H. đã ổn định và có thể xuất viện trong thời gian tới. Ảnh: PHAN CHUNG

Trước đó, bệnh nhân Võ H. (49 tuổi, trú quận Cẩm Lệ) được người nhà đưa đến Bệnh viện Đà Nẵng trong tình trạng ho kéo dài, khó thở.

Qua khai thác, bệnh nhân cho biết do đau ốm nên thường xuyên uống thuốc. Đáng chú ý, vào năm 2019, trong 1 lần uống thuốc bệnh nhân đã vô ý quên bóc vỏ thuốc. Bệnh nhân H. sau đó có cảm giác hơi vướng nhưng không khó thở mà chỉ ho kéo dài.

Đến tháng 3-2021, sau khi có hiện tượng ho kéo dài và đau họng, bệnh nhân có đến khám tại bệnh viện trên địa phương, được chẩn đoán theo dõi viêm họng cấp, uống thuốc gần 1 năm nhưng không đỡ.

Vào đầu tháng 4 vừa rồi, triệu chứng ho vẫn kéo dài, kèm khó thở nên bệnh nhân H đến khám tại phòng khám tư trên địa bàn quận, được thực hiện kỹ thuật chụp cắt lớp vi tính lồng ngực và chẩn đoán theo dõi theo dõi dị vật khí quản. Sau đó, được chuyển đến Bệnh viện Đà Nẵng và chỉ định nhập khoa Nội hô hấp - Miễn dịch dị ứng.

Sau khi khai thác bệnh sử và ghi nhận các triệu chứng, ê-kíp bác sĩ Khoa Nội hô hấp - Miễn dịch dị ứng phối hợp với Khoa Tai mũi họng đã tiến hành nội soi phế quản gắp viên thuốc nén và vỏ nhựa tại vùng khí quản, vị trí dưới dây thanh khoảng 3-4cm, hai đầu của vỏ thuốc cắm sâu khoảng 8mm vào thành trước và thành sau khí quản.

Theo bác sĩ Hoàng Thị Tâm, Phó trưởng Khoa Nội hô hấp - Miễn dịch dị ứng, Bệnh viện Đà Nẵng, đây là trường hợp bệnh nhân bị hóc dị vật nằm lâu trong khí quản, các tổ chức mô hạt tăng sinh, bám chặt lấy dị vật và gây hẹp đường thở.

Vị trí dị vật nằm gần sát với dây thanh âm, các bác sĩ đã dùng những dụng cụ chuyên biệt để gắp ra tránh được tối đa việc làm cho tổn thương nặng hơn đường hô hấp trong lúc đưa dị vật ra ngoài.

“Để phòng tránh những trường hợp như trên, người bệnh không nên uống 1 lần nhiều viên thuốc và đặc biệt lưu ý phải lấy hết thuốc ra khỏi vỏ. Đồng thời, không nên nói chuyện trong khi uống thuốc hay ăn uống.

Những trường hợp nghi ngờ sặc bất cứ dị vật nào nên đến khám ngay tại cơ sở y tế trên địa phương để tránh biến chứng nặng do dị vật tồn lưu trong phổi gây ra. Thời gian dị vật càng lâu trong phổi càng tăng mức độ nặng của biến chứng”, bác sĩ Tâm khuyến cáo.

Hiện tại, sức khỏe bệnh nhân đã ổn định, không khó thở, giảm đau họng nhiều và có thể xuất viện trong thời gian tới.

PHAN CHUNG

;
;
.
.
.
.
.