4 an

Gấp rút hoàn thiện quy chế quản lý thực phẩm

08:40, 26/07/2016 (GMT+7)

Lãnh đạo thành phố Đà Nẵng đang yêu cầu các sở, ngành gấp rút hoàn thiện nội dung, quy chế quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP). Ngoài bảo đảm cung cấp thực phẩm sạch, an toàn cho người tiêu dùng, việc ban hành quy chế sẽ tạo sự công bằng, minh bạch cho những người kinh doanh thực phẩm chân chính.

Kiểm tra theo kiểu “đem muối bỏ bể”

Một vấn đề được Ban Chỉ đạo liên ngành về ATVSTP thành phố cân nhắc, đưa ra tại nhiều cuộc họp trong thời gian qua, đó là việc kiểm soát nguồn gốc thực phẩm từ các địa phương khác nhập về Đà Nẵng tiêu thụ. Đây được xem là vấn đề hết sức nan giải, đến thời điểm hiện tại vẫn chưa có giải pháp hiệu quả.

Điển hình như Chợ đầu mối Hòa Cường, trung bình mỗi ngày có khoảng 200 tấn rau, củ từ các địa phương khác nhập về, phục vụ sức mua của người dân địa phương và các tỉnh lân cận. Mới đây, dưới sự chỉ đạo quyết liệt của lãnh đạo thành phố, Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản đã thành lập một tổ công tác, hằng đêm tiến hành thử nhanh tại chỗ các mẫu rau, củ tại chợ. Các mẫu thực phẩm được chọn ngẫu nhiên, nhằm bảo đảm yếu tố khách quan.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Tứ, Chi Cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản thành phố thừa nhận, cách làm này vẫn không thể giải quyết tận gốc vấn đề kiểm soát thực phẩm. Thực phẩm bẩn vẫn có nguy cơ “lọt” khỏi sự kiểm tra của cơ quan chức năng. Với năng lực, điều kiện hiện có, mỗi đêm các chuyên viên của Chi cục lấy khoảng 15-20 mẫu trong số hàng ngàn mẫu thực phẩm tại chợ thì chẳng khác nào “đem muối bỏ bể”. Trong khi đó, hầu hết tiểu thương đều buôn bán theo... thói quen, nghĩa là thực phẩm từ các nơi khác nhập về chợ đều không cần xuất trình nguồn gốc, xuất xứ. “Nếu xảy ra sự cố về ATVSTP, việc truy xuất nguồn gốc sẽ rất khó khăn. Cơ quan quản lý hoàn toàn bị động, không thể khoanh vùng hoặc loại trừ khu vực thực phẩm bẩn và cũng không thể có chế tài xử lý kịp thời đối với những đơn vị phân phối, cung cấp thực phẩm không an toàn”, ông Tứ cho biết.

Thực hiện một cửa “lọc”

Từ thực tế trên, ông Nguyễn Đỗ Tám, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho rằng, cần phải thay đổi cách làm trong việc quản lý nguồn gốc thực phẩm. Nếu nắm rõ nguồn gốc thì việc quản lý chất lượng các loại rau, củ sẽ tốt hơn. “Chúng tôi đang hoàn thiện văn bản pháp lý ban hành một số quy định về quản lý an toàn thực phẩm nông, lâm, thủy sản trên địa bàn thành phố. Điểm mới đáng lưu ý nhất đó là việc kiểm soát được nguồn gốc thực phẩm tại các chợ”, ông Tám cho biết.

Theo ông Tám, nếu quy định này được thông qua thì vai trò của Ban quản lý các chợ sẽ rất lớn và đóng góp một vị trí hết sức quan trọng. Các chủ hàng nhập rau, củ, quả và thủy sản về chợ phải có hồ sơ nguồn gốc, số lượng, nơi trồng... Khi xe hàng về chợ, chủ hàng phải xuất trình đầy đủ hồ sơ cho Ban quản lý các chợ, nếu không đáp ứng được thì cơ quan quản lý sẽ không cho hàng hóa đó vào chợ.

Trực tiếp chủ trì nhiều cuộc họp về ATVSTP, Phó Chủ tịch UBND thành phố Đặng Việt Dũng cho rằng, việc quản lý không chặt không phải vì cơ quan chức năng buông lỏng mà do chưa có sự phối hợp hiệu quả giữa các đơn vị. “Phải phân công nhiệm vụ cụ thể, rõ ràng cho từng đơn vị, từng bộ phận. Hàng hóa từ nơi khác nhập đến, bất cứ nguồn gốc nào đều phải qua một cửa “lọc”. Chợ Đầu mối phải có một cửa “lọc” do một cơ quan Nhà nước quản lý. Theo đó, doanh nghiệp phải tự khai báo và cơ quan chức năng sẽ làm công tác kiểm tra và thực hiện biện pháp phạt nặng nếu vi phạm lặp lại”, Phó Chủ tịch Đặng Việt Dũng nhấn mạnh; đồng thời khẳng định: Tất cả các doanh nghiệp kinh doanh thực phẩm phải tự chịu trách nhiệm sản phẩm của họ. Vì thế, việc tăng cường công tác quản lý và quản lý hiệu quả là để tạo sự bình đẳng giữa các cá nhân, doanh nghiệp làm ăn chân chính, có uy tín, cũng như bảo đảm quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng.

PHAN CHUNG

.