4 an
Công nhận các cơ sở ăn uống đạt chuẩn
Một nội dung quan trọng trong chiến lược bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) được Ban Chỉ đạo thành phố yêu cầu các sở, ngành, địa phương triển khai quyết liệt là chấm điểm và công bố các nhà hàng, cơ sở ăn uống đạt chuẩn. Công việc này hiện được triển khai rốt ráo, dù kết quả chưa như mong muốn.
Từ năm 2015, thực hiện chỉ đạo của lãnh đạo thành phố, Sở Công thương phối hợp với UBND các quận, huyện tổ chức rà soát, phân loại cơ sở ăn uống để phân cấp quản lý. Sở này còn đưa ra các tiêu chí đánh giá nhà hàng, cơ sở ăn uống theo thang điểm 100. Việc phân biệt cơ sở đạt và chưa đạt chuẩn dựa trên các nội dung như: vị trí, cơ sở vật chất, môi trường, công tác phòng cháy, chữa cháy, phong cách, thái độ phục vụ.
Theo Sở Công thương, trên địa bàn thành phố hiện có 199 nhà hàng và hơn 4.200 cơ sở ăn uống đăng ký kinh doanh. Các nhà hàng tổ chức dịch vụ tương đối tốt. Hiện có 169 nhà hàng đáp ứng các yêu cầu trong bảng điểm, trở thành nhà hàng đạt chuẩn, chiếm 85%. Các nhà hàng này thực hiện nghiêm túc niêm yết giá, có giấy chứng nhận đủ điều kiện ATVSTP, việc kinh doanh bảo đảm vệ sinh môi trường... Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Hà Bắc, Phó Giám đốc Sở Công thương, vẫn còn tình trạng các nhà hàng không niêm yết giá, hoặc niêm yết không rõ ràng, khu nhà bếp, nhà vệ sinh nhếch nhác, nhân viên phục vụ không bảo đảm các điều kiện lao động... Điều này ảnh hưởng đến công tác ATVSTP chung của thành phố, ngành du lịch cũng bị mang tiếng xấu.
Trái ngược với các nhà hàng được đầu tư khá bài bản, bảo đảm các tiêu chí về ATVSTP, phần lớn các cơ sở ăn uống bình dân lại bị “mất điểm” khá nhiều nếu chiếu theo các tiêu chí chấm điểm. Kết quả xếp loại các cơ sở ăn uống do Sở Công thương công bố cho thấy tỷ lệ đạt chuẩn chỉ 11%. Cụ thể, trên địa bàn quận Hải Châu chỉ có 48 cơ sở ăn uống đạt chuẩn, quận Thanh Khê 69 cơ sở, quận Liên Chiểu 73 cơ sở, Cẩm Lệ 199 cơ sở... Có trên 60% cơ sở kinh doanh ăn uống không có hoặc đã hết hạn giấy chứng nhận đủ điều kiện ATVSTP. Nhiều cơ sở kinh doanh quy mô nhỏ, không chú trọng đầu tư cơ sở vật chất, cải tạo mặt bằng, bảo hộ lao động, phòng cháy, chữa cháy...
Theo ông Nguyễn Đắc Xứng, Phó Chủ tịch UBND quận Sơn Trà, việc kiểm tra công tác bảo đảm ATVSTP các cơ sở dịch vụ ăn uống được tổ chức thường xuyên, nhưng để khắc phục những tồn tại theo đúng bộ tiêu chí thì cần có thời gian. “Trong khi các nhà hàng đáp ứng tốt yêu cầu của bộ tiêu chí, các cơ sở ăn uống bình dân, tự phát lại chưa đạt chuẩn ở nhiều nội dung như: vi phạm về vị trí, giấy chứng nhận, người lao động không đủ điều kiện làm việc. Do đó, việc khắc phục những bất cập còn nhiều thách thức”, ông Xứng cho biết. Quận Sơn Trà hiện có 39 nhà hàng và 178 cơ sở ăn uống có đăng ký kinh doanh. Mục tiêu đến cuối năm 2016, 100% nhà hàng và 50% cơ sở ăn uống trên địa bàn quận sẽ đạt chuẩn theo các tiêu chí của bộ chấm điểm mà Sở Công thương đã ban hành.
Những tồn tại ở cơ sở ăn uống trên địa bàn quận Sơn Trà cũng là thực tế chung của nhiều địa phương trên toàn thành phố. Hiện tượng buôn bán tự phát vào ban đêm ở một số tuyến đường phục vụ người lao động bình dân, học sinh, sinh viên không chỉ gây tình trạng lấn chiếm vỉa hè, lòng đường mà còn gây mất vệ sinh, nằm ngoài sự quản lý của địa phương.
PHAN CHUNG