Thời gian qua, Ban Quản lý (BQL) An toàn thực phẩm (ATTP) thành phố đã tổ chức nhiều lớp tập huấn thực hành các thói quen bảo đảm ATTP trong chế biến, kinh doanh bánh mì nhân thịt. Đây là món ăn phổ biến, quen thuộc hằng ngày của người dân, trong khi người kinh doanh vẫn còn duy trì nhiều thói quen làm gia tăng nguy cơ gây mất ATTP, ảnh hưởng đến sức khỏe của người tiêu dùng.
Theo thống kê của các địa phương và BQL ATTP, trên toàn thành phố hiện có khoảng 700 cơ sở, tủ bán bánh mì nhân các loại. Hình thức kinh doanh chủ yếu tạm bợ, bày bán trên vỉa hè nên các tiêu chuẩn về ATTP cũng không được chú trọng. Ghi nhận thực tế cho thấy, người bán bánh mì thường không tuân thủ các điều kiện cơ bản, tổi thiếu khi kinh doanh, chế biến như: không mang găng tay, bảo hộ, các dụng cụ dao, thớt không được chùi, rửa thường xuyên; thịt, chả bảo quản không đúng cách…
Gần 10 năm bán bánh mì trên tuyến đường Dương Vân Nga (phường Nại Hiên Đông, quận Sơn Trà), mỗi ngày bà Hiền (62 tuổi) bán được khoảng 70-90 ổ bánh mì nhân thịt, chả, trứng các loại. Tuy nhiên, bà cũng thổ lộ: “Tôi làm theo cái tâm và tự tìm hiểu các biện pháp bảo đảm vệ sinh chứ cũng không ai hướng dẫn cụ thể như thế nào. Chỉ đến khi tham gia lớp tập huấn được tổ chức vào cuối năm 2019 mới thấy có nhiều thói quen cần phải sửa đổi và khắc phục để bảo đảm an toàn thực phẩm”.
Bà Ngô Thị Kim Thương, Giám đốc Trung tâm Kiểm nghiệm thực phẩm chuyên sâu (BQL ATTP) thành phố, đơn vị chủ trì các chương trình tập huấn, hướng dẫn kinh doanh, chế biến bánh mì bảo đảm ATTP thực phẩm cho biết, qua khảo sát và kiểm tra thực tế, bánh mì là loại thức ăn rất dễ mất ATTP, trong đó xuất phát từ những thói quen nhỏ của người bán. “Đơn giản như sốt làm bằng trứng gà chỉ có thể sử dụng được trong vòng 2 tiếng nhưng nhiều người vì muốn cho tiện nên chế biến luôn sốt bán cho khách trong vòng 1 buổi. Trên thực tế, những thành phần này đã không còn bảo đảm, khách hàng ăn vào có thể bị đau bụng nhẹ, cơ thể chưa đến mức phản ứng mạnh nên không biết đó là biểu hiện của ngộ độc thực phẩm dạng nhẹ”, bà Thương cho biết.
Trên cơ sở đề xuất và sự phối với của Phòng Y tế các quận, huyện, thời gian qua, các chương trình tập huấn được lần lượt tổ chức tại các địa phương với sự tham gia của hàng trăm hộ kinh doanh. Tại đây, các báo cáo viên đã tập trung hướng dẫn cụ thể phương pháp thực hành tốt trong suốt quá trình sản xuất, chế biến, kinh doanh bánh mì nhân thịt. Trong đó, người kinh doanh được hướng dẫn cụ thể việc lựa chọn nguyên liệu chế biến; hương dẫn bảo quản các loại nhân bánh mỳ và phụ liệu đi kèm; hướng dẫn vệ sinh dụng cụ chế biến, bảo quản; hướng dẫn thực hành vệ sinh nhân viên…
Tháng 1-2020, khi tham gia buổi tập huấn tại quận Hải Châu, bà Nguyễn Thị Loan (trú phường Hòa Cường Bắc) chia sẻ: “Mục đích của người bán hàng cũng mong muốn bán cho khách những ổ mì ngon, giòn, thơm và bảo đảm chất lượng. Tuy nhiên, do thời tiết, đặc thù kinh doanh di động ở trên vỉa hè, tủ bảo quản nhỏ nên đôi khi các tiêu chuẩn về ATTP vẫn chưa chấp hành tốt. Những thói quen như đeo bao tay, dùng thực phẩm tươi, bảo quản tốt chúng tôi sẽ cố gắng thực hiện nghiêm túc để bảo đảm an toàn cho khách hàng cũng như giữ chữ tín khi buôn bán”.
Theo BQL ATTP thành phố, vào cuối tháng 6 và tháng 7-2020, các lớp tập huấn về thực hành tốt trong chế biến, kinh doanh bánh mì vỉa hè sẽ tiếp tục triển khai đồng loạt tại các quận Thanh Khê, Liên Chiểu, Ngũ Hành Sơn và huyện Hòa Vang. “Vì đặc thù đây là loại hình kinh doanh thực phẩm vỉa hè, bình dân và rất đông người dân sử dụng nên nếu thay đổi được những thói quen trong kinh doanh, buôn bán dù là nhỏ thôi nhưng cũng tác động đến sức khỏe của hàng trăm, hàng ngàn người tiêu dùng”, bà Ngô Thị Kim Thương cho biết thêm.
PHAN CHUNG