Xây dựng chợ dân sinh sạch đẹp

.

Là nơi tập trung đông người, các hoạt động mua bán diễn ra tấp nập nên lượng rác thải tại các chợ hằng ngày rất lớn, tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm môi trường. Vì vậy, để giữ được môi trường chợ xanh - sạch - đẹp không chỉ cần sự vào cuộc của cấp quản lý mà còn cần sự chung tay của đông đảo người dân.

Ban quản lý các chợ ra quân dọn rác “Ngày Chủ nhật xanh - sạch - đẹp”.  Ảnh: XUÂN DŨNG
Ban quản lý các chợ ra quân dọn rác “Ngày Chủ nhật xanh - sạch - đẹp”. Ảnh: XUÂN DŨNG

Đẩy mạnh công tác quản lý

Những năm qua, hệ thống chợ dân sinh trên địa bàn thành phố đã và đang được các địa phương quan tâm đầu tư nâng cấp, phát triển, đáp ứng nhu cầu của nhân dân. Cùng với đó, công tác vệ sinh môi trường tại các chợ cũng được đặc biệt chú trọng theo hướng sạch đẹp, văn minh.

Năm 2019, chợ Phú Lộc (quận Thanh Khê) được công nhận đạt “Mô hình chợ bảo đảm đủ điều kiện an toàn thực phẩm”. Để có kết quả trên, công tác vệ sinh môi trường tại chợ được Ban quản lý (BQL) chợ Phú Lộc thực hiện rất quyết liệt.

Hằng ngày, nhân viên vệ sinh dọn dẹp, vận chuyển rác ra khỏi chợ tuyệt đối không có tình trạng ứ đọng sang ngày sau. Mỗi tháng 2 lần tổng dọn vệ sinh chợ, lau chùi sàn nhà, bàn tủ, kệ bằng xà phòng và chất tẩy rửa.

Ngoài những công tác đã triển khai từ lâu như: Tuyên truyền trên loa phóng thanh; trực tiếp kiểm tra nhắc nhở hộ kinh doanh tại chợ hằng ngày; tổng dọn vệ sinh, phun thuốc tiêu độc khử trùng theo định kỳ, thời gian qua, BQL chợ đã có sáng kiến triển khai vận động các hộ kinh doanh sử dụng túi nilon tự hủy, đến nay, có khoảng 80% hộ kinh doanh tại chợ sử dụng thay thế hoàn toàn túi nilon thông thường.

Ông Võ Kim Tú, Trưởng phòng Kinh tế quận Thanh Khê cho biết, từ năm 2016 đến nay, tổng kinh phí đầu tư mới, nâng cấp sửa chữa các chợ trên địa bàn hơn 21,2 tỷ đồng, trong đó chợ Phú Lộc là 2,2 tỷ đồng. Việc đầu tư, nâng cấp cơ sở hạ tầng tại các chợ là cải tạo, làm lại nền chợ, nâng cấp hệ thống thoát nước, hạn chế ô nhiễm môi trường do lượng lớn rác và nước thải chợ tạo ra hằng ngày.

Với tiêu chí mỗi năm 1 sáng kiến về công tác vệ sinh môi trường tại các chợ, những năm qua, BQL Chợ quận Sơn Trà đã triển khai nhiều mô hình được UBND quận Sơn Trà công nhận như: Mô hình “Chợ không rác”, Quy trình thu gom rác thải và xử lý nước thải tại các chợ hạng 2… mang lại nhiều hiệu quả.

Ngoài ra, trong chương trình “Chủ nhật xanh - sạch - đẹp”, thành viên trong BQL ra quân tổng dọn vệ sinh tại khu chợ của mình dưới sự giám sát của BQL Chợ quận Sơn Trà... Những việc làm trên góp phần nâng cao tinh thần trách nhiệm, ý thức bảo vệ môi trường của những người trực tiếp làm công tác quản lý.

“Muốn người dân, tiểu thương noi theo thì trước hết bản thân người quản lý cũng phải tự làm gương. Mỗi năm chúng tôi đều tổ chức 1 buổi tập huấn về nội dung giữ vệ sinh môi trường, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm cho tiểu thương trong chợ tham gia” ông Trần Văn Lễ, Tổ trưởng Tổ quản lý chợ Phước Mỹ (quận Sơn Trà) nêu ý kiến.

Theo ghi  nhận thực tế, nhiều chợ dân sinh khác tại các quận, huyện của thành phố như chợ Bắc Mỹ An (Ngũ Hành Sơn), chợ Nam Ô (Liên Chiểu), chợ Hòa Cầm (Cẩm Lệ), chợ Túy Loan (Hòa Vang)… đều làm tốt công tác giữ vệ sinh môi trường.

Thay đổi thói quen của người dân

Những nỗ lực, giải pháp của các cấp quản lý trong tuyên truyền, vận động giữ vệ sinh môi trường tại chợ thời gian qua đã nâng cao ý thức của người dân, tiểu thương. Trước đây, mỗi lần đi chợ, chị Nguyễn Thị Thủy, trú tại phường Bắc Mỹ An (quận Ngũ Hành Sơn) lại mang về rất nhiều đồ đựng trong những túi nilon khác nhau, tuy nhiên nay được tuyên truyền, chị chuyển qua sử dụng túi nilon tự hủy và giỏ nhựa đi chợ. “Tôi nghĩ mỗi người lưu tâm một chút, hành động một chút thì mới có được môi trường an toàn”, chị Thủy nói.

Tại chợ Phước Mỹ (quận Sơn Trà), bảo vệ chợ thường xuyên trực tiếp đi kiểm tra, nhắc nhở tiểu thương phải giữ vệ sinh tại gian hàng, mỗi hộ kinh doanh đều tự trang bị thùng rác riêng để phân loại rác thải tại chỗ, hộ kinh doanh nào có biểu hiện xả rác, gây mất vệ sinh sẽ bị nhắc nhở và yêu cầu dọn ngay.

“Thời gian chúng tôi ở chợ còn nhiều hơn ở nhà nên tôi cùng mọi người ở đây đều tự ý thức, thường xuyên nhắc nhở nhau giữ vệ sinh sạch sẽ gian hàng của mình, đổ rác đúng nơi quy định. Khách hàng thấy chỗ mình bán sạch sẽ thì họ cũng tới mua nhiều hơn, đấy là lợi cho mình rồi”, chị Hà Thị Thanh, tổ trưởng ngành hàng thịt chợ Phước Mỹ cho hay.

Theo ông Phan Mạnh Hân, Phó Trưởng BQL Chợ quận Sơn Trà, việc tuyên truyền bảo đảm vệ sinh môi trường tại chợ phải được thực hiện đồng bộ, tùy theo từng nhóm đối tượng, từ dễ đến khó, từ nói đến làm, từ thay đổi nhận thức đến thay đổi hành vi và dần tạo dựng thói quen, nền nếp tích cực.

“Xác định đây là nhiệm vụ lâu dài, những người làm công tác quản lý trước hết phải tự làm gương, tiếp tục cố gắng, nỗ lực hơn nữa trong việc tuyên truyền, vận động tiểu thương, người dân cùng chung tay bảo vệ môi trường chung. Hiện nay, đã có một bộ phận không nhỏ tiểu thương, người dân tự ý thức giữ gìn vệ sinh, thay đổi thói quen xả rác, sử dụng túi nilon khi ở chợ. Hy vọng thời gian tới, những tín hiệu tích cực này sẽ tiếp tục được phát huy, góp phần xây dựng các chợ dân sinh ngày càng sạch đẹp, thân thiện”, ông Hân cho hay.

XUÂN DŨNG

;
;
.
.
.
.
.