Multimedia

Nỗ lực sớm tiêm vắc-xin phòng Covid-19 cho toàn dân thành phố

00:00, 23/08/2021 (GMT+7)
 

Từ chặng đường dài cách đây 5 thế kỷ trong nỗ lực tiêm chủng, vắc-xin đã giúp thế giới thoát khỏi những căn bệnh như đậu mùa, uốn ván, sởi. Đến ngày nay, vắc-xin đã có những bước phát triển quan trọng trong nền y học thế giới.

Cùng với sự phát triển vượt bậc của khoa học kỹ thuật, hiện nay thế giới vẫn tiếp tục nghiên cứu điều chế các loại vắc-xin ngăn ngừa các bệnh như AIDS, sốt rét, ung thư,… và đặc biệt vắc-xin ngăn ngừa đại dịch Covid-19.

Trong cuộc chiến kéo dài với dịch Covid-19, với sự phát triển của vắc-xin và những bài học trong lịch sử, cả thế giới và Việt Nam đều phải xác định giải pháp căn cơ và lâu dài là vắc-xin, phải nhanh chóng tiêm chủng vắc-xin càng nhiều càng tốt để nhanh chóng đạt được miễn dịch cộng đồng. Đây cũng là vấn đề quan trọng và cấp thiết với nền y tế toàn cầu trong nhiều thập kỷ và thế kỷ tới.

 

Hiện nay, các nguồn cung vắc-xin trên thế giới quá khan hiếm. Tính đến ngày 19-8, Việt Nam đã tiếp nhận hơn 23 triệu liều vắc-xin Covid-19, trong đó có 14,3 triệu liều AstraZeneca, hơn 5 triệu liều Moderna, hơn 1,2 triệu liều Pfizer, 12.000 liều Sputnik-V và 2,5 triệu liều Sinopharm. Cả nước đã tiêm xấp xỉ 16 triệu liều. Các nguồn vắc-xin chủ yếu được mua từ AstraZeneca, Pfizer, nhận hỗ trợ từ COVAX, nguồn ngoại giao từ các nước.

Bộ Y tế cũng cho biết, hơn 120 triệu liều vắc-xin phòng Covid-19 sẽ có mặt tại Việt Nam trong năm 2021. Hiện công tác đàm phán vẫn đang được đẩy mạnh nhằm cung ứng cho người dân Việt Nam nguồn vắc-xin tốt nhất, chất lượng nhất, giúp Việt Nam đạt được mục tiêu tạo miễn dịch cộng đồng vào cuối năm 2021, đầu năm 2022.

Về việc nghiên cứu thử nghiệm vắc-xin Covid-19 trong nước, tại Việt Nam, hiện có 3 ứng viên vắc-xin Covid-19 được cấp phép thử nghiệm lâm sàng gồm: vắc-xin Nano Covax (đang tiêm thử nghiệm giai đoạn 3), vắc-xin Covivac (chính thức chuyển sang giai đoạn 2) và vắc-xin ARCT-154 (nhận chuyển giao công nghệ từ Mỹ, đã kết thúc tiêm mũi 1 cho 100 người tình nguyện).

Tuy nhiên, trong thời điểm này, tại Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận như Bình Dương, Long An, Đồng Nai diễn biến dịch Covid-19 đang phức tạp và đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống bình thường của người dân, sự phát triển kinh tế của cả khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam - nơi đóng góp đến gần 45% tổng thu ngân sách cả nước.

Quan trọng hơn, tình hình hiện tại đã vượt quá sức chịu đựng của hệ thống y tế từng địa phương, buộc ngành y tế và cả nước phải chi viện, dồn lực ứng phó. Mọi nguồn lực về vắc-xin phải được ưu tiên cho khu vực này như chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính.

Do vậy, trong bối cảnh này, lượng vắc-xin của Bộ Y tế phân bổ chưa thể đáp ứng hết nhu cầu của các địa phương, trong đó có thành phố Đà Nẵng. Hiện tại, Đà Nẵng thực nhận 142.730 liều vắc-xin.

 

Cũng theo thông tin từ Bộ Y tế, trong năm 2021, Bộ Y tế dự kiến phân bổ cho thành phố Đà Nẵng tổng cộng hơn 1,5 triệu liều vắc-xin phòng Covid-19, số lượng này sẽ bảo đảm tiêm đạt 95% dân số từ 18 tuổi trở lên. Tuy nhiên số lượng phân bổ trên phụ thuộc rất lớn vào tiến độ vắc-xin về Việt Nam.

Ngành y tế thành phố kêu gọi các y, bác sĩ nghỉ hưu tham gia tiêm chủng tại các điểm. Theo kế hoạch, Đà Nẵng đặt ra tiến độ tiêm chủng nhanh nhất khi nhận đủ số lượng vắc-xin (20.000 người/ngày) tại 100-110 điểm tiêm chủng tại các quận, huyện và 2 điểm tiêm chủng tại Bệnh viện Đà Nẵng bảo đảm đầy đủ các yêu cầu về an toàn trong quá trình tiêm vắc-xin.

Tuy nhiên, hiện nay có một tâm lý “kén canh, chọn cá” trong việc tiêm vắc-xin, thậm chí còn xuất hiện những “thuyết âm mưu” bày tỏ lo ngại về chất lượng của một số loại vắc-xin bất chấp các loại vắc-xin đưa vào sử dụng tại Việt Nam đều đã được WHO phê duyệt khẩn cấp.

Xin đừng quên, bất cứ một loại vắc-xin nào được WHO cấp phép khẩn cấp đều đáng tin cậy, vì đội ngũ chuyên gia của WHO có đầy đủ kiến thức, kinh nghiệm, lương tâm và trình độ. Covid-19 sẽ không chừa bất kỳ một ai, không ai có quyền “miễn trừ” trước Covid-19, ai cũng có thể trở thành bệnh nhân. Vì vậy, hãy tiêm ngay khi còn có thể, với bất cứ loại vắc-xin nào đã được các cơ quan chuyên môn cấp phép.

Kể cả khi đã được tiêm vắc-xin, chúng ta vẫn có thể bị nhiễm Covid-19, tuy rằng ở mức độ nhẹ hơn, khả năng bình phục tốt hơn. Do đó, dù đã được tiêm vắc-xin vẫn không được chủ quan. Đi cùng với vắc-xin phòng chống Covid-19 là vắc-xin ý thức, niềm tin và sự lạc quan. Một loại vắc-xin không cần đợi cơ quan y tế phê duyệt, tổ chức tiêm. Nó phụ thuộc hoàn toàn vào suy nghĩ đến hành động của mỗi công dân trước dịch bệnh.

Vắc-xin ý thức, niềm tin, sự lạc quan là một loại vắc-xin mà chúng ta cần phải có trong những tháng ngày chống chọi với đại dịch. Điều này cũng giống như chúng ta vào bệnh viện, chúng ta không thể bày bác sĩ cách chữa bệnh.

Do vậy, cần lắm sự ý thức, chấp hành các quy định, biện pháp phòng, chống dịch của các cơ quan chức năng và hãy tiêm vắc-xin ngay khi được thông báo cùng với tuân thủ 5K của Bộ Y tế. Đó chính là phương thuốc tốt nhất trong phòng, chống dịch Covid-19.

 

 

.