Báo Đà Nẵng xuân 2019
Cảm thức hoa đào từ thành phố hoa mai
Ngày cuối năm, lần giở thư lục về Đường thi, bắt gặp một danh tác về hoa đào của thi sĩ Bạch Cư Dị, hẳn không được nhiều người biết đến - bài “Đại Lâm tự đào hoa”:
Nhân gian tứ nguyệt phương phi tận,
Sơn tự đào hoa thủy thịnh khai.
Trường hận Xuân quy vô mịch xứ,
Bất tri chuyển nhập thử trung lai.
Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu dịch:
Tháng tư hoa đã hết mùa,
Hoa đào rực rỡ cảnh chùa mới nay.
Xuân về kín chốn ai hay,
Biết đâu lẩn khuất trong này núi non.
(Hoa đào ở chùa Đại Lâm)
1. Tôi đọc bài này, ngẫm: nhiều sách vở ghi rằng hoa đào xứ Việt có gốc gác hoa đào từ Trung Quốc, đưa sang từ cả ngàn năm trước. Mà đào xứ ta thì ra giêng hai đã tàn, có khi nở bung trước Tết Nguyên đán, sao đào trong “Đại Lâm tự đào hoa” của thi sĩ thời Trung Đường lại đến tháng tư mới hết mùa? Rồi đọc mấy trang lữ hành thì thấy người ta rần rần rao bán tour đi Trung Quốc du lịch kết hợp ngắm hoa đào vào cuối tháng ba, đầu tháng tư…, mới vỡ lẽ “Nhân gian tứ nguyệt phương phi tận/ Sơn tự đào hoa thủy thịnh khai” là đúng thực tế.
Nghĩ tới đây, lại nhớ đến “cành đào Quang Trung” đã gây tranh luận bao năm qua, mà chắc chắn sẽ còn tranh cãi không dứt.
Giai thoại kể rằng, ngay sau trận đại thắng quân Mãn Thanh vào Tết Kỷ Dậu 1789, mồng 5 Tết năm ấy, Quang Trung Hoàng đế chọn một cành đào đang nụ của xứ Thăng Long và lệnh cho binh sĩ tức tốc phi ngựa đưa về Phú Xuân tặng Hữu cung Hoàng hậu Ngọc Hân. Chỉ 2 hôm sau, tức mồng 7, cành đào “được buộc chéo bằng lạt giang mềm, ngoài phủ gấm vàng” được đội khinh kỵ thuộc 36 dịch trạm tuyến Thăng Long - Phú Xuân đã đến tay người vợ thứ yêu quý của Nguyễn Huệ.
Câu chuyện này được cho là không có trong chính sử, chỉ được sân khấu hóa qua các tuồng tích, được văn học hóa qua truyện kể in sách hoặc thi ca, chẳng hạn như Chế Lan Viên đã có bài “Cành đào Nguyễn Huệ”: “Hẳn nhớ Thăng Long hẳn nhớ đào/ Mai vàng xứ Huế có khuây đâu/ Đào phi theo ngựa về cung nhé/ Nở cạnh đài gương sắc chiến bào”.
Nhưng không có thật thì đã sao! Nếu chỉ mang tính biểu trưng thì vẫn có lý và có giá trị rất riêng của nó. Hoa đào là biểu tượng của sự quyền quý; Quang Trung Hoàng đế và Ngọc Hân Hoàng hậu đích thực là những bậc quyền quý. Hoa đào là biểu trưng của mùa Xuân, nhất là mùa Xuân xứ Bắc; người đứng đầu vương triều Tây Sơn muốn gửi chút Xuân phương Bắc se lạnh về cho người vợ yêu ở phương Nam nóng ấm như một sự sẻ chia, âu cũng là một lẽ. Hình ảnh hoa đào được ngựa trạm đưa từ chiến trường về hậu phương còn mang ý nghĩa như tin báo tiệp, là tin vui chiến thắng của đội quân anh hùng áo vải cờ đào báo về. Con số 2 ngày (mồng 5 đi, mồng 7 tới) cũng có thể mang tính biểu trưng nốt, bởi như chúng ta biết, trước đó - theo các sử gia - cuộc chuyển quân của nhà Tây Sơn từ Huế và Nghệ An ra tới Bắc Hà rồi đánh tan 29 vạn binh của Tôn Sĩ Nghị được cho là thần tốc nhất trong lịch sử quân sự Việt Nam nhưng cũng phải mất 40 ngày tổng cộng, trong đó thời gian tiến quân lẫn tuyển quân là 35 ngày, đánh giặc khoảng 5 ngày.
Vậy làm thế nào mà kỵ quân của Quang Trung từ Bắc Hà ngược về Phú Xuân để giao cành đào chỉ trong 2 ngày đêm? Dẫu có phi như bay cũng không thể nào kịp trong điều kiện thổ nhưỡng, đường sá thời ấy. Cho nên, giai thoại 2 ngày đêm đưa cành đào từ Thăng Long về tới Phú Xuân chẳng qua là để tôn vinh thêm, đề cao hơn cuộc hành quân phương Bắc siêu tốc của quân vương nhà Tây Sơn trước đó mà thôi. Chính sử không chép, không phù phép sự thật nhưng dân gian có quyền cường điệu, cũng bởi vì quý Quang Trung - Nguyễn Huệ, trọng chính nghĩa và yêu cái đẹp.
Và cuối cùng, còn một chi tiết nhiều người cho là phi lý, ấy là đã mồng 5 Tết Nguyên đán thì mùa đào xứ Bắc xem như đã vãn, lấy đâu ra cành hoa đang nụ? Thắc mắc chuyện này mà chi, hãy đọc bài “Đại Lâm tự đào hoa” đã dẫn ở trên, hoa đào có thể nở thắm đến tận tháng tư cơ mà!
2. Riêng tôi quan tâm nhiều đến chi tiết “hướng Nam” của cành đào Quang Trung”. Sau chiến thắng, hình ảnh chọn cành đào xứ Bắc và cách chọn điểm đến - nơi nhận là phương Nam đã hàm chứa ý nguyện chia sẻ, tinh thần hòa hợp - đoàn kết - gắn bó. Đó còn là mong muốn về sự cân bằng Bắc - Nam, rét - ấm, như một lẽ tự nhiên. Và lớn hơn, đó có khi là sự thể hiện của khát vọng chinh phục, khát vọng “Quảng Nam” - mở rộng về phương Nam.
Tất cả những yếu tố ấy có phải là truyền thống, là đạo hiếu dân tộc ta? Có phải nhờ hiện thực hóa khát vọng “Quảng Nam” từ mấy trăm năm trước bằng 2 công cuộc “mang gươm đi mở cõi” của chúa Nguyễn Hoàng rồi Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh mà tổ tiên ta đã để lại cho con cháu một di sản non sông gấm vóc như bây giờ?
Hoa đào hợp với khí hậu miền Bắc và nó là mùa Xuân của xứ này, còn của đất phương Nam là hoa mai. Từ miền Trung trải dài đến cực Nam của Tổ quốc, hoa mai là hoa của mùa Xuân. Tưởng như đào không có “cửa” ở những nơi nóng ấm nhưng thực tế ngược lại; đã từ lâu, loài hoa này đã Nam tiến và chinh phục phương Nam, có chỗ đứng vững vàng như những loài hoa bản địa khác. Những vựa hoa lớn ở Đồng Nai, Bình Dương, Lâm Đồng… đã lai ghép thành công và trồng bán hoa đào rất đắt khách vào dịp cận Tết. Riêng Đà Lạt có Thung lũng hoa đào của nghệ nhân trứ danh Mười Lời, nở quanh năm, níu chân người. Mà nào phải bây giờ, từ những năm 1950-1960, hoa đào đã là loài phổ biến, quyến rũ, lãng mạn, đa tình ở chốn cao nguyên mù sương này, thể hiện qua sự xuất hiện dày đặc trong cụm nhạc phẩm của Hoàng Nguyên, gồm: “Ai lên xứ hoa đào”, “Bài thơ hoa đào” và “Hoa đào ngày xưa”. Trong đó, “Ai lên xứ hoa đào” nghe thật đã, thật lâng lâng và tràn đầy hương Xuân vị Tết: “Ai lên xứ hoa đào dừng chân bên hồ nghe chiều rơi/ Nghe hơi giá len vào hồn người chiều Xuân mây êm trôi…”.
Nhiều năm nay, đào xuất hiện nhiều tại các Hội hoa Xuân, chợ hoa, đường hoa ở Sài Gòn, giá cao vẫn bán chạy. Dân miền Nam chánh gốc hay người miền Trung vào Sài Gòn làm ăn cũng muốn có cành đào chưng Tết cho mới, cho lạ.
Quả thật, người phương Nam đã có duyên nợ với đào rồi!
Tôi, Tết năm rồi (Mậu Tuất), cũng “dan díu” với đào. Trưa 26 tháng chạp, khi sắp đóng cửa phòng làm việc về nhà dọn đồ để mai về quê ăn Tết thì bất ngờ nhận được cuộc gọi của một shipper. Người chuyển hàng này mang tới một cành đào phai xứ Bắc khá to do một đơn vị quen thân gửi tặng. Tôi gọi điện thoại cảm ơn và được biết cành nào này được bên tặng đưa từ vùng Nhật Tân (Tây Hồ, Hà Nội) vào bằng đường hàng không. Thế mới quý!
Thích thật, nhưng tôi không ăn Tết ở TP. Hồ Chí Minh, mà là Quảng Nam, làm sao đây? Cuối cùng, tôi quyết định: phải đưa cành đào này cùng về ăn Tết xứ Quảng. Nhờ một người bạn quen bên hãng hàng không, cành đào xứ Bắc ấy đã bay chung chuyến với tôi, tuyến TP. Hồ Chí Minh - Đà Nẵng. Ngồi trong khoang khi ấy, nhìn màn hình nhỏ thỉnh thoảng hiển thị thông tin về tốc độ bay, 850km/giờ, tôi thầm nghĩ đến cuộc chuyển đào siêu tốc của quân binh Nguyễn Huệ thuở nào. Phải chi thời đó có… máy bay thì “cành đào Quang Trung” đâu phải “đào phi theo ngựa về cung nhé” để rồi bị mang tiếng thêu dệt!
Tết năm ngoái, cành đào hồng lên tươi thắm bên nhánh mai vàng ươm ở góc nhà tôi. Bên ngoài chói chang nắng.
DƯƠNG QUANG