Báo Đà Nẵng Xuân 2020

Chuyện kể bên nồi bánh

08:19, 24/01/2020 (GMT+7)

Mới chỉ vừa thi xong học kỳ 1 mà mấy đứa cháu trong nhà ngày nào cũng đếm ngược thời gian: “Chỉ còn hơn tháng nữa là đến Tết”. Tâm trạng háo hức chờ đợi Tết của trẻ con thời nào cũng giống nhau. Riêng trẻ con thành phố có đứa trải qua “mười mấy mùa bánh chưng” nhưng không biết đến niềm vui giản dị như được ngồi quanh nồi bánh chưng, bánh tét, hơ đôi tay lạnh buốt trên ngọn lửa hồng và nghe ông bà cha mẹ kể chuyện “hồi xưa” trong khi chờ bánh chín. Có những câu chuyện cũ năm nào cũng kể đến nỗi con cháu thuộc lòng nhưng vẫn thích nghe. Bởi đó là kỷ niệm của một thời thơ dại của mỗi thành viên trong gia đình.

Giờ hiếm có bạn trẻ học cách gói bánh chưng để lưu giữ hương vị Tết quê. Ảnh: VĂN THÀNH LÊ
Giờ hiếm có bạn trẻ học cách gói bánh chưng để lưu giữ hương vị Tết quê. Ảnh: VĂN THÀNH LÊ

Bây giờ may ra trong toàn thành phố Đà Nẵng chỉ còn nhiều nhà ở Hòa Vang là vẫn còn thói quen nấu bánh chưng, bánh tét đón Tết.

Thường thì từ 27 tháng Chạp, mọi nhà trong làng bắt đầu rục rịch cắt lá chuối, chẻ lạt gói bánh. Dân quê Hòa Vang thường gói bánh tét, bánh rò chứ ít gói bánh chưng. Sau này những cô dâu, chàng rể từ Bắc vào lập nghiệp ở Hòa Vang đem theo cách gói bánh chưng vào như là của hồi môn, là quà tặng cho quê mới. Ngày trước còn nghèo khó, mỗi nhà gói cả mấy chục đòn bánh tét để ăn Tết. Bởi đó là món chủ đạo không chỉ ba ngày xuân mà có khi cả hết tháng Giêng.

Dù ở các chợ quê đều có bán bánh chưng, bánh tét nhưng các gia đình ở nông thôn vẫn giữ nếp cũ. Nhiều người già cứ bảo: “Chi không có cũng được, chớ Tết phải có nấu nồi bánh tét mới ra hương vị Tết. Trước cúng ông bà, sau con cháu hưởng…”. Chính vì vậy, đến những ngày cận Tết, khi mọi việc chuẩn bị xong xuôi, gia đình nào cũng mang nồi ra cọ rửa, củi lửa chuẩn bị sẵn sàng, chờ các mẹ, các chị gói bánh xong là bỏ vô nồi nhen lửa nấu.

Cái lạnh của tháng Chạp vừa đủ cho bọn trẻ ở phố về thấy ngọn lửa trở nên ấp áp và huyền ảo hơn bao giờ hết. Ảnh: VĂN THÀNH LÊ
Cái lạnh của tháng Chạp vừa đủ cho bọn trẻ ở phố về thấy ngọn lửa trở nên ấp áp và huyền ảo hơn bao giờ hết. Ảnh: VĂN THÀNH LÊ

Nhà ông Lê Danh ở thôn Quang Châu, xã Hòa Châu, năm nào vào chiều 27 Tết khi con cháu tề tựu đông đủ, ông mới bắc nồi bánh giữa sân nấu. Cái lạnh của tháng Chạp vừa đủ cho bọn trẻ ở phố về thấy ngọn lửa trở nên ấm áp và huyền ảo hơn bao giờ hết. Dưới bóng lửa bập bùng, gương mặt ai cũng hồng lên lấp lánh. Gương mặt cha như bớt gầy, khuôn mặt mẹ như bớt khắc khổ. Ông ngồi kể chuyện thời nghịch dại của các bác, các chú ngày xưa. Như chuyện mấy bác lượm pháo xì về bỏ bếp lửa nấu bánh chưng đốt. Báo hại, nồi bánh nổ tanh banh, chảy nước lênh láng…

Bây giờ đời sống no đủ, người ta không gói nhiều bánh như ngày trước nữa. Có khi ba, bốn nhà chung nhau nấu một nồi bánh vài chục cái. Mỗi nhà cỡ trên dưới mươi đòn, vừa để chưng bàn thờ, vừa để ăn. Còn một ít cho mấy đứa con, cháu ở phố. Tháng vừa rồi về quê Túy Loan ăn giỗ, gặp mấy người bà con ở quê, nghe mọi người rủ nhau Tết nấu bánh tét chung mà thèm. Bởi phố phường chật hẹp, biết lấy đâu ra một khoảng sân nho nhỏ vừa đủ để bắc nồi bánh lên nấu. Mà nếu có chăng đi nữa thì khói, lửa sẽ làm nhà hàng xóm bất an về cháy nổ.

Chị Nguyễn Thị Hải Phước, ở đường Nguyễn Thị Ba, quận Sơn Trà muốn các con cảm nhận hương vị Tết nên năm nào cũng lục đục để nấu bánh tét. Nhưng nhà ở giữa phố, khổ nhất là chỗ nấu bánh, vì khói bếp cũng phần nào ảnh hưởng đến mọi người xung quanh. Do đó, trước khi nấu bánh vài ngày chồng chị phải lo đi làm “công tác tư tưởng” với các bác hàng xóm, chứ không bị phàn nàn. Ai cũng háo hức bên nồi bánh tét, nhất là các cụ già cứ nhất quyết đi qua đi lại vài lần để cảm nhận cái mùi đặc trưng của Tết. Vậy nhưng cũng có những người không hài lòng đi lui đi tới buông những câu nói phá tan cả bầu ko khí đang vui như Tết. “Giờ chỉ ước ở thành phố có mảnh vườn rộng để được thoải mái nấu bánh tét vào mỗi dịp Tết”, chị Hải Phước ước ao.

Ông Lê Danh kể chuyện Tết xưa bên  nồi bánh.  Ảnh: PHAN NGUYỆT
Ông Lê Danh kể chuyện Tết xưa bên nồi bánh. Ảnh: PHAN NGUYỆT

Thật lòng mà nói, Tết ở phố, mọi thứ thật đơn giản nhẹ nhàng. Chỉ cần ngày cận Tết, chạy ra cửa hàng mua dăm ba ký thịt, một ít bánh mứt hạt dưa, vài cặp bánh chưng. Thế là đủ. Chẳng phải còng lưng ngồi rửa lá dong, mắt xè cay vì bóc tỏi, bóc hành và đêm thì ngủ gục để canh nồi bánh. Nhưng chắc rằng, mỗi khi cầm cặp bánh chưng trên tay ai cũng thẫn thờ vì nhớ nhà, nhớ cha, nhớ mẹ. Nhớ đêm ba mươi cuối năm trời tối, đom đóm lập lòe ngoài bờ tre lạnh ngắt. Cả nhà ngồi chuyện trò quanh nồi bánh sôi sùng sục trên bếp lửa giữa sân. Con chó vàng nằm ngủ khoèo bên cạnh… Mới hay rằng đó là những khoảnh khắc quý giá nhất mà mỗi người khi lớn lên, rời xa gia đình không bao giờ tìm lại được.

Năm nay, bà Ông Thị Sa ở Túy Loan không nấu bánh Tét tại nhà mà hùn chung với hàng xóm. Bà nói: “Mấy đứa con gái lấy chồng xa không về. Mấy đứa cháu làm việc ở Sài Gòn vài ba năm mới về một lần. Nấu nhiều không ai ăn hết…”. Những ngày cuối tháng Chạp, nhiều gia đình có con làm ăn xa không về nên thiếu vắng nồi bánh Tết trước sân, đành qua nhà hàng xóm lặng lẽ ngồi rửa lá, ngâm nếp, đãi đậu… Và, câu chuyện quanh bếp lửa vẫn quẩn quanh về những đứa con tha hương, trễ hẹn với mùa xuân quê nhà…

Hạnh Như
 

.