Báo Đà Nẵng Xuân 2020

Trong chút tết xưa...

08:18, 24/01/2020 (GMT+7)

Nhiều tuổi, không khí Tết bớt đi rạo rực, bồn chồn? Ngày trước “lo” Tết là chính, nay xem ra “ăn” Tết rõ ràng hơn. Tôi “may mắn” có những năm tuổi thơ lòng rào theo tiếng pháo. Ngày ấy, ngoài hai mươi tháng Chạp, pháo các kiểu bắt đầu đì đoàng khắp phố.

 

Tiếng pháo như gọi mời mùa xuân đến, nhưng cũng là lời nhắc cho nhân gian biết bao lo toan, bận rộn theo Tết tràn về. Trong các thứ phải chuẩn bị của mỗi nhà những ngày cận Tết ấy, nhất thiết phải có mấy phong pháo Nam Ô, và độ dài của dây pháo trước hiên nhà trong đêm giao thừa, cũng là thước đo lòng tự hào trong im lặng của những đứa con. Mọi người hối hả, chộn rộn hẳn, tất cả những lo toan, mua sắm dồn lại cho mấy ngày xuân. Bữa tất niên không chỉ là mâm cơm cúng tạ ơn trời đất một năm mưa thuận gió hòa, mà còn là dịp mừng nhau kết thúc năm cũ, đón mừng năm mới.

Chuyện Tết ngày xưa thì nhiều lắm, nhưng chẳng hiểu vì sao, cứ mỗi dịp xuân về, tôi không thể nào quên cảnh theo mẹ đi làm cái thứ bánh mà bây giờ trở thành hoài niệm: bánh quy gai. Cũng phải xếp hàng mua nguyên liệu, cũng lăn vào nhào bột, trứng, đường… mỗi nhà một cái thau đựng cái hỗn hợp khát khao, ngồi chờ từ chiều cho đến nửa đêm, bên cái lò lửa bừng bừng khí thế, không kém sự rạo rực pha chút hồi hộp của hai mẹ con tôi. Từng dây bánh vừa ra lò, vàng mơ, nóng hổi, thơm lựng cái mùi hể hả, hai bên có những chấm li ti, như cố trườn ra làm cho xong chức phần trang trí khiêm nhường giữa cái thời lẫy lừng bao cấp. Mẹ ngồi chờ bánh nguội, bỏ vào cái túi nylon. Trong chộn rộn của người vừa hoàn thành một công việc trọng đại, hai mẹ con tôi tíu tít bao chuyện quy gai, kể cả chuyện nhắc đi trả những đồ dùng mượn của hàng xóm…

 

Rồi cảnh cơ quan ba mẹ chia thịt heo, nghe đâu phải qua mấy lần chữ nghĩa thân quen, những con heo từ các hợp tác xã xa xôi mới có cái vinh dự về làm cái nhiệm vụ quan trọng nhất: Công đoàn làm heo chia Tết! Gần trưa trên cái ghi-đông chiếc xe đạp già nua của mẹ, là nỗi mong chờ thèm ăn của anh em chúng tôi. Tôi không thể nào quên ánh mắt tự hào, viên mãn của ba mẹ khi thấy đàn con ngồi nghiêm trang quanh mâm cơm, trong đó tô thịt heo xào với củ hành tươi chẻ đôi, nghi ngút khói như hút hết mọi ánh nhìn trẻ thơ. Sao ngày đó, mỡ heo nó quý đến vậy, không nói ra chứ phần thịt nào được chia nhiều mỡ là một ân huệ. Mẹ tôi trân trọng để tợ thịt lên thớt, cắt từng vuông mỡ đều tắp như những ngón tay hoa, rán xong chờ cho vừa nguội, đổ vào cái thố sành La Tháp. Nhìn mẹ đậy thật khẽ cái nắp lên thố mỡ nước đầy, tôi đồ rằng cái nước béo màu nhiệm ấy là thứ quan trọng nhất trong nhà.

Cuối những năm 80, mỗi ước mơ, mỗi nụ cười hình như cũng được sắp đặt theo một kế hoạch nào đó, rất mơ hồ nhưng sát sạt theo từng ánh mắt quyền uy của cô mậu dịch. Lạng thịt, cân đường, khổ vải theo từng ô tem phiếu nhỏ nhắn nhưng tác động vô biên. Những nhu yếu phẩm như thịt, rượu, nếp và cả… củi nữa, tất cả trào lên lay động bao nghĩ suy tính toán cho Tết. Hình như bản chất con người thích sự bằng nhau, không bằng nhau được niềm vui thì hãy bằng nhau những nỗi lo… Tết. Cả một thế gian ướp mình trong chạo rạo để dồn cho chuyện Tết.

 

Dĩ nhiên cũng không thiếu những chuyện vui. Hồi đó, có anh phóng viên, sau khi hú họa theo những lá thăm là những ô giấy nhỏ ghi số ứng với phần thịt được chia, trong niềm vui lớn cuối năm, anh treo hai xâu thịt lên ghi-đông. Nhưng thay vì về nhà đưa cho vợ, anh ấy theo lời mời về tất niên trưa nhà bạn. Có miếng ngon kèm theo chén rượu, anh ấy thù tạc đến xế chiều. Sau biết bao câu thơ viết dở của anh, và nhất là những lo lắng và mong đợi của người vợ tảo tần ở nhà, trong ngây ngất men say anh ấy cũng kịp dắt xe về đến khu tập thể, nhưng chao ơi, trên ghi-đông của chiếc xe đạp nhọc nhằn kia, chỉ còn lại ơ hờ hai khoanh lạt tre quấn tròn như hai nỗi niềm với rất nhiều cay đắng.

Cuộc sống bây giờ thong dong hơn, chuyện ăn và chơi “Tết” cũng khác trước nhiều. Việc cả nhà, mỗi năm chọn một miền xa để rong ruổi, kể cũng chẳng phải là khao khát vượt quá tầm. Một tri âm, một máy ảnh và cảnh sắc mùa xuân, cây trái căng tràn mời gọi. Trong rất nhiều cảm xúc của thời phát triển, hình như cái thú chơi Tết cũng dần mất đi cái thanh nhã thấm đượm tâm hồn. Còn mấy ai sau Tết Trung thu bắt đầu gầy mấy chậu thủy tiên, để giao thừa trân trọng bày giữa tờ hồng điều trên bàn đợi Tết, hay cảnh sau rằm tháng mười một bắt đầu tuốt lá để cho cuối chạp những nụ mai no tròn hứa hẹn cho búp vàng bung cánh…

Trời đã sang mùa, Tết này thêm lộc cho đầy đặn lòng ai. Xin được cùng vui với trong tha thiết “Mùa xuân đầu tiên” (Văn Cao), bởi mỗi lần Tết đến xin được, “từ đây người biết yêu người”…

TRẦN THU THỦY



 

.