Báo Đà Nẵng Xuân 2020

Làng Quảng, cái nôi văn hóa Quảng

15:49, 23/01/2020 (GMT+7)

Đến năm 1888, Đà Nẵng mới bắt đầu là đô thị khi làm nhượng địa của Pháp. Cảng thị Hội An, theo nghiên cứu của Nguyễn Bội Liên, “Hải phố có từ trước đời Gia Long, buôn bán sầm uất nhưng ngoại kiều Tàu, Nhật, Bồ Đào Nha rất đông…”. Điều đó cho thấy, người Việt Quảng Nam vốn sống trong các làng nông thôn. Sau những tiếp cận, dung hóa với văn minh Chămpa, làng Quảng và các sinh hoạt của nó chính là nơi tạo ra văn hóa Quảng…

Ảnh: KHẢ THỊNH
Ảnh: KHẢ THỊNH

Quan hệ thân tộc chi phối đời sống

Trong bản đồ Hồng Đức (1409), triều Lê, Điện Bàn và Quảng Nam ngày nay nằm ở miền “biên viễn” thuộc châu Hóa. Nguyễn Trãi trong Địa dư chí viết rằng: “Đây là một phên giậu thứ tư ở miền Nam nước ta vậy!”.

Các tài liệu sử học cho rằng từ thời nhà Trần, cư dân Việt đã có mặt ở châu Hóa nhưng khá ít và chủ yếu quần cư dọc hai con sông lớn Vu Gia, Thu Bồn. Tác giả Lê Hữu Quýnh (trong Chế độ ruộng đất ở Việt Nam thế kỷ 17-18) nhận định: “Ở các xứ phía nam như Tân Bình, Thuận Hóa, Quảng Nam cư dân hãy còn thưa thớt, nhu cầu di dân khai phá đất đai xây dựng xóm làng để củng cố vững chắc lãnh thổ và tăng thêm nguồn thu nhập của Nhà nước cũng trở thành cần thiết”.

Tuy vậy, theo Phan Khoang (trong Xứ Đàng Trong), đến khi Nguyễn Hoàng vào trấn thủ Thuận Hóa; trong đó có Triệu Phong ở phía nam bao gồm đất Điện Bàn ngày nay, thì: “Nhân dân bấy giờ gồm những thành phần rất phức tạp. Ngoài những người chăm lo cày cấy làm ăn, còn có những người còn theo nhà Mạc, hoặc khuấy động cho nhà Mạc; những người tù đày, những du đảng, phiêu lưu từ các miền Nghệ, Thanh hoặc xa hơn nữa xâm nhập qua các thời đại, đi tìm may mắn ở miền đất mới, những quan quân bất mãn họ Trịnh hoặc bị lầm lỗi bỏ chạy vào Nam, những thổ hào thổ tù cường ngạnh nhũng nhiễu lương dân, những người Chàm còn ở lại…”.

Để ổn định được trật tự, xây dựng xứ Đàng Trong phồn thịnh, một hệ thống chính quyền và luật pháp bên cạnh chế độ cai trị mềm mỏng chắc chắn đã được áp dụng từ đó, trong đó có các làng xã…
Từ những cải cách chính quyền cơ sở từ thời chúa Nguyễn Phúc Lan (1638) đến chúa Nguyễn Phúc Chu (1691-1725), cấp xã đã dần được hình thành song song với các cấp tương đương khác. Theo Phủ biên tạp lục, xã có 999 người (có lẽ là dân đinh) có đến 18 xã trưởng và tướng thần; xã dưới 400 dân được 8 xã trưởng và tướng thần; 70 dân thì chỉ có 1 xã trưởng và 1 tướng thần… Đến thời vua Gia Long trở đi cho đến 1944, phủ, huyện, tổng, xã là các cấp hành chính địa phương dưới tỉnh…

Năm 1908 (Thành Thái thứ 18), Đại Nam nhất thống chí cho biết dân đinh ở Quảng Nam là 55.751 người. Cứ tính theo hệ số 5, thì dân số Quảng Nam vào lúc đó khoảng trên 250.000 người. Hình thức cư trú ban đầu bị chi phối bởi hai yếu tố đường giao thông và nguồn nước (nông nghiệp lúa nước). Trong đó, đường giao thông chủ yếu vẫn là các thủy lộ. Câu nói “nhất cận thị nhị cận giang” đã thể hiện thứ tự ưu tiên chọn đất định cư. Nhưng “thị” cũng gắn liền với các bến sông, nên có thể nói các làng mạc đầu tiên của xứ Quảng gắn liền với các con sông, cả Thu Bồn, Vu Gia và các sông lớn nhỏ khác ở vùng Quảng Ngãi…

Cư trú theo quan hệ thân tộc là một đặc điểm khác của các làng Quảng Nam… Dòng tộc và làng xã là hai yếu tố gắn liền trong nhiều thế kỷ ở cả Quảng Nam và nhiều tỉnh xứ Đàng Trong. Cho dù các tộc “tiền hiền” ban đầu chỉ là một, hai người đến khai khẩn ruộng đất, nhưng hầu hết khi đã an cư, thường về lại quê cũ đưa phần mộ của cha mẹ và dẫn dắt bà con anh em cùng đến.

Ở Đại Lộc chẳng hạn, “việc thành lập làng thường trải qua việc khai khẩn từng vùng nhỏ, tùy tính chất từng vùng mà có tên gọi khác nhau như thôn, trang, trại, sở, phường, động, sách, ngày nay vẫn còn ở các địa danh…” (trong Địa dư chí Đại Lộc). Cũng có hiện tượng sáp nhập các cụm dân cư nhỏ như xóm, trại ghép vào nhau để thành làng xã (như An Tự và Thanh Tú ở Điện Bàn, là hai điểm dân cư mới ghép lại thành làng An Thanh). Nhiều làng có đến 5-7 tộc tiền hiền ngày nay đều cho thấy làng đó xưa có nhiều xóm, nhiều vùng đất canh tác khác nhưng lân cận nhau đã được các vị đến khai phá. Sau khi cộng cư nhiều đời, sui gia lẫn nhau, dân số phát triển… bằng hợp lại thành làng, xây dựng chùa làng, đình làng… Nhưng tộc họ là một đặc điểm xã hội học nông thôn trong mối quan hệ đa chiều từ lâu.

Các nhà dân tộc học nhấn mạnh rằng chính tộc họ là một hiện tượng đặc biệt vẫn còn tồn tại cho đến ngày nay trong các thiết chế kinh tế, văn hóa cơ sở như nhà thờ tộc, đất hương hỏa, phổ hệ, gia phả, vai trò trưởng nam, giỗ chạp… Các triều đại phong kiến Việt Nam và Đàng Trong nói riêng vẫn đề cao vai trò tộc họ, thậm chí là vai trò các tộc tiền hiền, các đại tộc ở làng xã. Luật Gia Long chẳng hạn đã thể chế hóa các quan hệ tộc họ, gia đình về mặt hình sự. Đọc Quảng Nam xã chí (1944), các làng, ngoài cổ chỉ, kiến trúc, sản vật... thì vấn đề tộc tiền hiền luôn được coi trọng!

Làng mang tính tự trị

Trong mối quan hệ đó, làng xã ở Quảng Nam vẫn là đơn vị cơ sở trong tổ chức xã hội ban đầu. Dần dần trở thành đơn vị hành chính nhưng mang tính tự trị, chỉ gắn bó với chính phủ cấp trên trong việc sưu thuế, binh lính, phu dịch… Vì vậy, vai trò của lý trưởng cũng đơn giản là đại diện của vương quyền ở cơ sở, còn vai trò của Hội đồng Hương mục, đại diện các tộc Tiền hiền và Thân hào nhân sĩ, quan viên hưu trí, lại sâu sát hơn với đời sống người dân.

Quốc triều chánh biên Toát yếu (Cao Xuân Dục-1908) nêu nhiều chỉ dụ của vua Gia Long về việc chấn hưng văn hóa làng, dạy dỗ người dân bỏ mê tín hủ tục để tạo đời sống thiện lương: “Lâu nay việc dạy trễ nãi, việc chánh suy đồi, cho nên trong làng không có tục tốt, theo thói đã lâu, lại càng bại hoại lắm… Bây giờ, phải châm chước sửa lại, bớt những điều thái quá, cho hiệp đạo trung bằng, để làm lệ thường trong hương đảng…”. Còn Paul Mus - học giả Pháp, đầu thế kỷ XX thì có cái nhìn khái quát hơn: “Làng Việt Nam là cái chìa khóa để giải mã bí mật Việt Nam”. Trong hồi ký của mình, ông Vũ Đình Hòe viết: “Muốn tìm hiểu lịch sử hình thành dân tộc Việt Nam thì phải tìm hiểu cộng đồng làng xã và muốn xây dựng lại đất nước Việt Nam thì cũng phải bắt đầu từ việc xây dựng lại cộng đồng làng xã. Vì không có làng, xã Việt Nam thì không có quốc gia Việt Nam”…

Đề tài làng xã cổ truyền hầu như không được bất cứ một cuốn sử chính thức nào ở các triều phong kiến, nhưng rải rác đã được đề cập trong Việt sử lược, Đại Việt sử ký toàn thư, Khâm định Việt sử thông giám cương mục, Đại Nam thực lục… Chúng ta cũng có thể tìm được một số thông tin liên quan đến làng xã dưới góc độ cơ cấu tổ chức, luật pháp, chính trị, quân sự, văn hóa và xã hội trong những tác phẩm ấy. Ngoài ra, các công trình khảo cứu của các tác giả Dương Văn An, Lê Quý Đôn, Phan Huy Chú, Phạm Đình Hổ, Ngô Cao Lãng, Trịnh Hoài Đức, Khiếu Năng Tĩnh, Nguyễn Văn Siêu, Ngô Giáp Đậu, Phạm Văn Thụ, Nhữ Bá Sĩ, Nguyễn Bá Trác…, hay gần đây là các bộ huyện chí, xã chí trong tỉnh Quảng Nam đã có thêm những ghi chép khá cụ thể về địa lý, lịch sử, dân cư, văn hóa và lối sống của khá nhiều làng xã.

Học giả Hoàng Xuân Hãn khi viết cuốn Lý Thường Kiệt còn đề cập đến một chi tiết khá thú vị về đặt tên làng. Quy mô làng và không gian làng có thể thay đổi theo thời gian nhưng tên làng mới bao giờ cũng giữ lại được một từ tố, nhờ đó giữ được mối liên quan về lịch sử. Ví dụ Thanh Lộc Đán ở Đà Nẵng là ghép lại từ tên của 3 làng kế cận: Thanh Khê, Phú Lộc, Xuân Đán…

Làng tạo nên văn hóa làng

Tất cả các nghiên cứu, tài liệu nêu trên cho thấy một điểm chung: Làng Quảng hay làng Việt Nam hoàn toàn không chỉ là một khu vực cư trú đơn thuần của những gia đình nông nghiệp, nó còn là một tổ chức sản xuất, tổ chức quân sự, một tổ chức xã hội. 6 giáp ở phía bắc dinh trấn Thanh Chiêm ban đầu chưa phải là làng mà là các đội sản xuất khoảng 50 đinh, chỉ có xã hiệu từ sau Bắc địa tấu từ và quy tụ thành làng sau 66 làng cũ của Điện Bàn khoảng 30 năm (theo nghiên cứu của giáo sư Hà Phụng). Quảng Nam xã chí (1944) cũng cho biết các làng Quảng Lăng, Quảng Hậu ban đầu là các trại, sau mới thành làng. Các giáp và trại này cũng được nhà sử học Li Tana ghi nhận.

Cộng đồng làng là một sự hợp thành của một hệ thống gia đình cá thể, có họ hàng, có các phường nghề thủ công và những mối liên kết vật chất và tinh thần như tộc ước, phường lệ, hương ước và tín ngưỡng tôn giáo, hội hè, đình đám…

Ở làng, con người không tồn tại với tư cách cá nhân độc lập, mà các hành vi luôn luôn bị chi phối và điều chỉnh từ đời sống của làng và các mối quan hệ khác trong làng. Do tính liên đới trong nhiều mối quan hệ, nhất là quan hệ thân tộc, nên người dân làng luôn tự điều chỉnh lối sống để không bị “mang tiếng”. Do vậy, đời sống và an ninh trật tự ở làng từ xưa là lành mạnh, nhu hòa…

Văn hóa làng Quảng nói riêng, làng Việt nói chung, từ đó mà ra!

TRƯƠNG ĐIỆN THẮNG

 

.