Báo Đà Nẵng Xuân 2020

Sự ngẳng của người Quảng Nam

07:51, 25/01/2020 (GMT+7)

Thế nào là ngẳng? Có lẽ nhiều cũng người ngắc ngứ khi tìm câu trả lời chăng?

Từ năm 1935, nhà văn hóa Phan Khôi viết: “Vua mà chơi ngẳng, đến vua Thành Thái thuở trước là cùng. Sử sách truyền lại, như vua Ngoại Triều róc mía trên đầu thầy tu cũng chưa thấm vào đâu so với các cách chơi ngẳng của vua Thành Thái” (Phan Khôi - Tác phẩm đăng báo 1935, NXB Trí Thức - 2013, tr.276).

Khi làm công tác văn học về toàn bộ tác phẩm của “cha đẻ” Tình già, mở đầu cho phong trào Thơ mới Việt Nam, nhà nghiên cứu Lại Nguyên Ân chú thích: “Ngẳng: chưa rõ về nghĩa này; Huỳnh Tịnh Của (Đại Nam quấc âm tự vị) có ghi “ngang”, “ngáng”, “ngảng” (tức “ngảnh/ nghểnh”), “ngẩng”… nhưng không có ngẳng”.

Ông Ân ngắc ngứ là phải. Sở dĩ không tìm ra từ ngẳng, đơn giản đây là thổ âm, thổ ngữ của người Quảng Nam, chỉ có tính cách vùng miền.

Thế nào là ngẳng? Trước hết, ta hãy nói về từ nghịch. Nghịch có nhiều cấp độ nhưng đứng “đầu bảng” vẫn là nghịch trổ trời. Từ điển của Huỳnh Tịnh Của có ghi nhận “chơi trổ trời: chơi thấu trời, chơi dữ quá”, thì nghịch cũng có ý nghĩa na ná. Trong chuyên luận Người Quảng Nam (NXB Trẻ - 2018), của tôi, có đoạn: “Ở đây, chữ “trổ trời” có thể hiểu là tính từ chỉ một hành động nào đó vượt ra ngoài khuôn phép - chẳng hạn, đứa con trong nhà không ngoan, hư đốn quá lắm, người mẹ mắng: “Cái thằng hư trổ trời!” là vậy. Nhưng cũng để diễn đạt ý nghĩa tương tự, ở cấp độ thấp hơn, người ta còn dùng từ “hoang”, như: “Cái thằng ni hoang quá”. Người ta gọi là “ngẳng” để chỉ sự nghịch ngợm, như: “Cái thằng chơi ngẳng ghê, ai đời hắn lấy kéo cắt râu mèo” (tr.124).

Nói cách khác trong ngẳng đã có nghịch mà không hẳn là nghịch/ nghịch ngợm vì ngẳng chỉ mức độ cao hơn, ít ai ngờ tới, ít ai lường trước.

Có lẽ do tính cách hay cãi, thích phản biện nên cái sự ngẳng của người Quảng Nam thường gắn liền với chuyện chính trị, văn hóa, xã hội hơn là có mục đích cá nhân nhằm bông lơn, vui đùa chăng? Suy luận như thế, vì một khi nhìn nhận về Duy Tân ở Quảng Nam rồi lan rộng ra cả nước, mở đầu cho phong trào này, sử sách đều nhắc lại chuyến đi về Bình Thuận của các bậc ái quốc Phan Châu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng và Trần Quý Cáp, vào năm 1905. Đại khái, khi vào đến Bình Định, gặp lúc đang diễn ra một kỳ thi khảo hạch do quan tỉnh tổ chức, cả ba cụ cùng viết bài thơ Chí thành thông thánh, bài phú Danh sơn lương ngọc để nộp quyển dự thi, ký tên Đào Mộng Giác.

Sự việc này đã gây chấn động dư luận một thời, là tiếng chuông cảnh tỉnh đám sĩ phu đang miệt mài với lối học kỳ quặc lỗi thời - nói như nhà nghiên cứu Phan Kế Bính: “Cách học của ta trái phép sư phạm. Tự lúc nhỏ cho đến lúc lớn chẳng qua chỉ học hai khoa luân lý với văn chương. Mà luân lý thì lại theo nghĩa hẹp hòi, bó mình vào trong lễ phép, làm cho người ta không thể theo được.

Văn chương cũng phù phiếm, người nước Nam mà bàn việc Nguyên, Minh, Đường, Tống, ngồi xó nhà mà tả những cảnh Hoàng Hà, Thái Sơn, thực là ngồi Cầu Đơ mà nói chuyện quán Mọc”. Do đó, với hai bài “dự thi” trên rất táo bạo, lời “nói thẳng nói thật” đanh thép ấy chẳng khác gì tiếng sấm sét nổ ra giữa trời quang đãng. Rõ ràng, ý thức chính trị là có nhưng hành động này, theo tôi, đúng là lối chơi “ngẳng” theo kiểu Quảng Nam, nói không ngoa là một sự độc đáo.

Về tướng quân Ông Ích Khiêm thời trẻ, ông cũng đã từng chơi “ngẳng” mà sau đó, mọi việc… “ngon cơm ngọt canh”. Rằng, lúc chỉ mới 16 xuân, nhưng chàng đã thi đậu Cử nhân tại trường thi Thừa Thiên. Tin vui này lan về làng Phong Lệ khiến nhiều nhà phú hộ muốn gả con gái “nâng khăn sửa túi” cho chàng tuổi trẻ tài cao. Trong số này, ông Tú Quyết, ở làng Châu Lâu, huyện Điện Bàn, có cô con gái đang tuổi trăng tròn xinh đẹp. Nghe tin này, chàng cũng ưng bụng lắm, nhưng ngặt nỗi chưa biết mặt người sẽ đầu ấp tay gối với mình sau này. Thế là chàng nghĩ ra cái mẹo độc đáo.

Đêm ấy, trăng sáng. Gió thổi lao xao qua ruộng mía. Đom đóm bay lập lòe. Rón rén như gã ăn trộm, một bóng đen lẻn vào ruộng mía của ông Tú Quyết. Lập tức, tiếng chó sủa vang... Tiếng mõ ở điếm canh khua vang. Trai tráng trong làng vội vã vác gậy gộc ra vây bắt kẻ trộm vào làng. Tất cả ngớ người, chưng hửng khi biết đó là Ông Ích Khiêm, họ dẫn chàng vào nhà ông Tú. Thì ra, đó chỉ là… cái mẹo để chàng được gặp người đẹp!

Tìm cách xem mặt người đẹp theo lối ấy, không phải chơi «ngẳng» là gì!?

Ngay cả lối “điên” của trung niên thi sĩ Bùi Giáng cũng vậy. Tôi đã từng chứng kiến cảnh kỳ quái ngay dưới dốc cầu Trương Minh Giảng - trước Trường Đại học Sư phạm thành phố Hồ Chí Minh: Giữa dòng xe đang chạy ào ào, với bộ quần áo quái dị như đại hiệp cái bang, đột nhiên, Bùi Giáng phóng ra chận ngay đầu chiếc xe xích lô đang lao xuống dốc! Xe phanh cái kít, ông liền nhảy lên như không. Thiên hạ nhìn thấy khiếp vía nhưng rồi lại cười vang, vì đã quen với cách… đón xe rất ngẳng của thi sĩ Mưa nguồn.
Nhìn lại trong trang sử Quảng Nam, ta còn thấy có khá nhiều trường hợp thú vị tương tự. Nhưng xin khoan, vì tôi đang tò mò về câu chuyện mà Phan Khôi nhận xét: “Vua mà chơi ngẳng, đến vua Thành Thái thuở trước là cùng”, vậy câu chuyện đó thế nào?

Trên báo Tràng An số 21 ra ngày 10-5-1935, Phan Khôi kể lại như sau:

“Người ta nói, hồi ngài còn trị vì, mười đêm trong Nội có hát bội đến tám đêm. Mà trong tám đêm ấy ít cũng đến ba bốn đêm có “cứng”. Mỗi đêm trong Nội có hát, vua Thành Thái sai thị vệ ra ngoài bắt thiên hạ vào coi. Những người bị bắt hầu đủ mặt: cu li xe, bọn bán hàng rong, bọn bán nước, thợ mộc, thợ mã, thầy tu, học trò,… Vả lại, người nào đi vào cũng đều phải đem theo đồ nghề của mình vào, rồi ai làm việc gì cứ làm việc ấy. Ý vua làm vậy là muốn cho rạp hát trong Nội của mình như rạp hát ở nhà quê: có đủ các đẳng nhân coi hát, lại có kẻ bán kẹo, có người bán bánh. Chính mình vua cũng xen lộn trong đám đông mà coi hát như thường. Đương hát, đương mua bán, đương vui, tự dưng không ai biết gì hết, có lệnh truyền bắt “cứng”, ấy là ai nấy cũng phải “cứng”.

Cái lệnh ấy do chính mình vua phát ra. Khi ấy vua ăn bận như người thường: cái quần trắng, cái áo the thâm, đầu bịt khăn lượt đen, chân dận giày hạ, đứng vào giữa rạp, nói lên độc một tiếng thật to mà rằng: “Cứng!” Đó là lệnh truyền.

Bấy giờ hết thảy trong rạp ngoài rạp, bất kỳ ai, đều phải tuân lệnh. Ai không tuân mà chết! Những người nào từ cha sinh mẹ đẻ chưa biết “cứng” là gì, cũng phải coi theo kẻ khác mà “cứng”. Anh kép đương múa, vừa cất cái chân lên thì phải để nguyên cái chân như thế. Ả đào vừa mở miệng hát, cũng phải mở miệng như thế luôn, không được ngậm miệng mà cũng không được hát thêm tiếng nào. Kẻ đánh trống chầu mới vừa giá roi chầu lên cũng phải để y là lúc mới vừa giá lên. Ngoài rạp, người bán chè vừa đặt đòn gánh lên vai toan gánh đi rao bán, thì phải đứng im như lúc vừa đặt đòn gánh...

Thế là “cứng”. Một cái quang cảnh của xã hội vua mới bày ra, vua cũng đặt cho cái tên mới ấy.
Ai nấy phải theo lệnh mà “cứng” mãi như thế cho đến khi nào vua hạ lệnh khác bảo “mềm” đi mới thôi. Thế nhưng vua có chịu cho “mềm” liền đâu. Mỗi lần hạ lệnh bắt “cứng” rồi, là vua đi chơi, có khi đi tuốt lên Kim Luông hay xuống tới Bao Vinh lận. Có ông hoàng bà chúa nào thấy thế, lấy làm tội nghiệp cho những người bị “cứng”, bèn đi tìm vua, nhắc và xin vua hạ lệnh “mềm”, khi ấy vua mới chịu về mà hạ lệnh cho.

“Thôi cho mềm đi”. Vua lại vào giữa rạp, nói một câu như thế, ấy là ai nấy mừng reo như được tha cho tội chết. Mà được thế, cũng đã phải ngồi hoặc đứng im, không được rục rịch, ngứa không được gãi, muỗi đốt không được đập trong ba bốn giờ đồng hồ rồi!”.

Phan Khôi kết luận: “Chơi thật là… ngẳng!”.

LÊ MINH QUỐC
 

.