Chính trị - Xã hội

40 năm Công ty CP Dệt may 29-3 phát triển cùng thành phố

Doanh nghiệp mang tên Ngày giải phóng Đà Nẵng

09:21, 29/03/2016 (GMT+7)

Hơn 40 năm phấn đấu đầy gian lao của những người sáng lập với cả tập thể cán bộ, công nhân xây dựng nên một doanh nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng trong ngành dệt - may có quy mô khá lớn và hiện đại của ngành dệt may Việt Nam. Giờ đây, có thể tự tin Công ty CP Dệt may 29-3 hoàn toàn đáp ứng các yêu cầu để hội nhập với kinh tế khu vực và thị trường thế giới.

Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Trường Chinh thăm công ty ngày 12-1-1985.
Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Trường Chinh thăm công ty ngày 12-1-1985.

Từ những ngày đầu tháng 4 năm 1975, khác với Công ty Dệt may Hòa Thọ - tiền thân là Nhà máy Dệt Sicovina được Ủy ban quân quản Đà Nẵng tiếp quản từ chính quyền ngụy Sài Gòn cùng với một số cơ sở công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp khác như : điện Liên Trì, Trạm xăng dầu Liên Chiểu, các điểm cơ khí nhỏ, nhôm, nhựa..., Công ty Dệt may 29-3 ban đầu được hình thành từ một tổ hợp dệt khăn bông với sự góp công góp vốn của 38 cổ đông là những bà con trong giới công thương yêu nước theo lời kêu gọi của các lãnh đạo Đặc khu ủy Quảng Đà, Ủy ban quân quản Đà Nẵng lúc bấy giờ  khi Đà Nẵng vừa giải phóng.

Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh thăm hỏi công nhân quay suốt tại xưởng dệt Nhà máy dệt 29-3 ngày 18-2-1989.
Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh thăm hỏi công nhân quay suốt tại xưởng dệt Nhà máy dệt 29-3 ngày 18-2-1989.

Với 12 khung dệt khăn cũ kỹ và những máy đánh ống hồ sợi, nhuộm thủ công do các cổ đông đầu tiên như ông Huỳnh Văn Chính, ông Hà Ngọc Thông lặn lội mua từ thành phố Hồ Chí Minh, họ kiên trì vừa học vừa làm và không bao lâu sau, ngày 29-3-1976, Tổ hợp chính thức đi vào hoạt động - những lô khăn mặt đầu tiên bắt đầu trình làng và được giới thiệu rộng rãi đến người tiêu dùng tại các cửa hàng mậu dịch quốc doanh.

Hơn 40 năm phấn đấu đầy gian lao của những người sáng lập với cả tập thể cán bộ, công nhân xây dựng nên một doanh nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng trong ngành dệt - may có quy mô khá lớn và hiện đại của ngành dệt may Việt Nam. Giờ đây, có thể tự tin Công ty CP Dệt may 29-3 hoàn toàn đáp ứng các yêu cầu để hội nhập với kinh tế khu vực và thị trường thế giới.

Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Võ Chí Công thăm xí nghiệp dệt khăn bông ngày 3-11-1989.
Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Võ Chí Công thăm xí nghiệp dệt khăn bông ngày 3-11-1989.

Kiên định và sáng tạo trong quản lý doanh nghiệp

Từ một tổ hợp dệt khăn nhỏ bé như nói ở trên, đến năm 1978, đơn vị được chuyển thành Xí nghiệp Công tư hợp doanh Dệt 29-3, sản xuất hàng triệu sản phẩm khăn bông, không những đáp ứng 100% cho nhu cầu các khách sạn du lịch và người tiêu dùng trên địa bàn Đà Nẵng mà còn góp một phần không nhỏ mặt hàng này cho miền Trung. Năm 1984, theo đề xuất của xí nghiệp, lãnh đạo tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng nhất trí chuyển xí nghiệp thành doanh nghiệp Nhà nước; theo đó, các tổ chức Đảng, Công đoàn cơ sở cùng các đoàn thể thanh niên, phụ nữ... được kiện toàn thêm một bước.

Những năm hoạt động theo tiêu chí doanh nghiệp quốc doanh, Công ty Dệt may 29-3 đã nhanh chóng tiếp thu nội dung yêu cầu cải tiến xí nghiệp quốc doanh theo tinh thần Quyết định số 217/CP của Chính phủ mà nội dung chủ yếu là “Phát huy tinh thần năng động, sáng tạo, tự chủ của doanh nghiệp”.

Thời gian đó, Công ty Dệt may 29-3 là một trong số ít doanh nghiệp trưởng thành nhanh chóng, góp phần đưa Quảng Nam-Đà Nẵng thành một trong những địa phương có ngành công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp phát triển nhanh và hiệu quả trong cả nước. Công ty cũng được chuyển từ xuất khẩu theo ngành hàng thành doanh nghiệp được phép xuất khẩu trực tiếp.

Trình độ lãnh đạo và quản lý được nâng lên, uy tín với khách hàng được củng cố, cũng từ đó công ty được ngành Dệt Việt Nam và Bộ Công nghiệp nhẹ đưa vào diện trực tiếp hợp tác sản xuất - xuất khẩu hàng khăn bông với Liên Xô và các nước Đông Âu.

Với sự năng động, sáng tạo của cán bộ điều hành, quản lý công ty, tập thể người lao động đồng tâm hợp lực, họ đã đưa công ty phát triển vượt bậc: diện tích sản xuất, lực lượng lao động... tăng gấp 3 - 4 lần so với những năm trước đó, sản lượng và kim ngạch xuất khẩu tăng liên tục bình quân 15 - 20% năm suốt từ những năm 1984 đến năm 1991.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng ghi sổ truyền thống nhân dịp đến thăm và làm việc tại công ty ngày 8-3-2009.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng ghi sổ truyền thống nhân dịp đến thăm và làm việc tại công ty ngày 8-3-2009.

Tuy nhiên, từ giữa cuối năm 1991 đầu 1992, một khó khăn đột biến đã đến với  công ty do sự kiện Liên Xô cùng các nước XHCN ở Đông Âu tan rã, thị trường xuất khẩu ngưng trệ hoàn toàn, hàng vạn mét vuông nhà xưởng có nguy cơ không được sử dụng, hơn 1.000 lao động phải thay phiên nhau nghỉ việc...

Công ty đứng trước thử thách cực kỳ khắc nghiệt. Chính ở thời điểm khó khăn bức bách này đã bộc lộ phẩm chất kiên định của tập thể lãnh đạo và sự đoàn kết gắn bó của tập thể lao động. Họ tự động viên nhau bằng khẩu hiệu “Chúng ta hãy tự cứu mình trước khi trời cứu”. Họ đã nghe lời kêu gọi của lãnh đạo cho công ty mượn vốn người 500.000 đồng, người 1.000.000 đồng, “đông tay vỗ nên kêu”, công ty đã có nguồn kinh phí trên nửa tỷ đồng (thời điểm 1992) đầu tư xí nghiệp may, đào tạo lại gần 200 lao động dôi dư.

Có xí nghiệp, có lao động, nhưng việc làm bấp bênh; lãnh đạo công ty đã tìm gặp một doanh nghiệp của Đài Loan muốn đầu tư vào miền Trung (Công ty Valley View Đài Loan), cho công ty này tạm thuê nhà xưởng để lập một xí nghiệp may 100% vốn nước ngoài và cho họ sử dụng hàng trăm lao động đang dôi dư để sản xuất và xuất khẩu.

Cách làm sáng tạo này được lãnh đạo ngành công nghiệp và UBND tỉnh ủng hộ bởi nó vừa giữ chân được nhà đầu tư nước ngoài vừa có nguồn vốn mới từ cho thuê mặt bằng, người lao động đang mất việc có công ăn việc làm.

Sau khi thay thế hàng loạt máy dệt kiếm, công ty đầu tư bổ sung nhiều máy dệt thổi khí có xuất xứ từ châu Âu và đồng bộ hóa dây chuyền may với nhiều thiết bị hiện đại như máy giác mẫu bằng vi tính, máy trải vải, máy cắt tự động, các dây chuyền may veston hiện đại nhập từ châu Âu…

Với thiết bị hiện đại, tổ chức lao động khoa học, môi trường làm việc thân thiện và chữ tín trong kinh doanh... thương hiệu 29-3 đã có sức thuyết phục giữ chân khách hàng. Gần đây nhất, được biết công ty sẽ đầu tư thêm một nhà máy veston số 2 - một tập đoàn nhập hàng may từ Israel đã tình nguyện tham gia vào công trình này 1,5 triệu USD không nhận lãi trong vòng 5 năm để họ được độc quyền mua sản phẩm do xí nghiệp mới này sản xuất.

Giám đốc Huỳnh Văn Chính giới thiệu sổ truyền thống với Thủ tướng Phan Văn Khải  và Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Phan Diễn ngày 18-1-2000.
Giám đốc Huỳnh Văn Chính giới thiệu sổ truyền thống với Thủ tướng Phan Văn Khải và Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Phan Diễn ngày 18-1-2000.

Coi trọng người lao động; xây dựng Đảng, đoàn thể vững mạnh

Từ đầu những năm 1980 đến nay, công ty vẫn duy trì tốt “Bữa cơm giữa ca” miễn phí, trạm y tế được tăng cường những y bác sĩ, y tá có tâm có tài, mua sắm thiết bị khám và phòng chữa bệnh ban đầu thích hợp cho công nhân, nhất là với công nhân nữ. Tổ chức đào tạo và đào tạo lại tay nghề cho công nhân cũng như kỹ năng điều hành cho cán bộ nghiệp vụ, cán bộ quản lý cấp phân xưởng, tổ sản xuất mà nhiều ý kiến thường hay ví von là những “CEO” của công ty.

Từ mấy trăm lao động của những năm 1977 – 1978, đến nay, toàn công ty có gần 4.000 người, trong đó lao động nữ chiếm 80%, với hàng trăm cán bộ quản lý, điều hành các đơn vị phụ thuộc được đào tạo tại chỗ, chế độ ốm đau, thai sản được chăm nom chu đáo, những lao động ở xa được thu xếp nơi ăn ở miễn phí, chế độ BHXH, BHYT, BHTN cho lao động được đảm bảo 100% không thiếu, không chậm, không nợ như một số doanh nghiệp thường vi phạm.

Cùng với những thành tựu trong sản xuất kinh doanh, công ty thường xuyên tự nguyện tham gia các hoạt động xã hội, từ thiện, xây dựng cho người lao động luôn có ý thức vì cộng đồng. Nhiều năm qua, công ty nhận phụng dưỡng 9 Bà mẹ Việt Nam anh hùng đến cuối đời, tặng sổ tiết kiệm cho người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, nhận trợ cấp thường xuyên cho 30 nạn nhân chất độc da cam với số tiền trích từ quỹ phúc lợi hàng tỷ đồng mỗi năm, tham gia Quỹ tấm lòng vàng do Báo Lao động tổ chức...

Đặc biệt, năm 2014, khi Trung Quốc ngang nhiên hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 trên vùng thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, công ty đã cử đoàn đại diện ra thăm và tặng quà các đơn vị Cảnh sát biển, Kiểm ngư Việt Nam để động viên lực lượng chấp pháp trong đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.

Các tổ chức Đảng, Công đoàn, Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ công ty luôn thể hiện vai trò đi đầu trong sản xuất kinh doanh và tổ chức cuộc sống cộng đồng. Với 98 đảng viên, Đảng bộ Công ty CP Dệt may 29-3 - trực thuộc Đảng ủy Khối doanh nghiệp thành phố, liên tục nhiều năm đạt danh hiệu trong sạch vững mạnh tiêu biểu. Tập thể lao động nữ nhiều năm được Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tôn vinh khen thưởng...

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ân cần thăm hỏi công nhân may tại Xí nghiệp may Veston ngày 8-3-2016.
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ân cần thăm hỏi công nhân may tại Xí nghiệp may Veston ngày 8-3-2016.

Trong 40 năm phát triển, Công ty CP Dệt may 29-3 được Chủ tịch nước phong tặng các phần thưởng cao quý: Huân chương Độc lập, Huân chương Chiến công, Huân chương Lao động các hạng, nhiều cờ, bằng khen cấp Chính phủ và của chính quyền địa phương.

Nhìn lại 40 năm qua với những bước thăng trầm của Công ty CP Dệt may 29-3 quả là “một kỳ tích” - cụm từ không ít lãnh đạo Đảng, Nhà nước, lãnh đạo địa phương và Hiệp hội Dệt may Việt Nam thường dùng ngợi khen, cổ vũ cán bộ, nhân viên công ty. Thật vậy, nếu lấy năm 2015 để so sánh với năm 2006 - năm cuối cùng của mô hình doanh nghiệp Nhà nước, chúng ta sẽ thấy một kết quả rất đáng phấn khởi: Giá trị tổng sản lượng tăng 7 lần; doanh thu tăng 6,39 lần; kim ngạch xuất khẩu tăng 6,56 lần; nộp ngân sách tăng 14 lần; thu nhập bình quân đầu người 6,8 triệu đồng/người/tháng.

Đầu tháng 3 - 2016 khi đến thăm và làm việc với công ty, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã gửi gắm lời động viên vào Sổ vàng truyền thống của công ty: “Tôi vui mừng với những thành công vượt bậc, toàn diện của Công ty CP Dệt may 29-3. Xin chúc các đồng chí trong thời kỳ mới, thời kỳ hội nhập quốc tế sâu rộng của Việt Nam, Công ty CP Dệt may 29-3 tiếp tục phát huy truyền thống đi đầu trong phát triển sản xuất kinh doanh, đạt năng suất, chất lượng, hiệu quả, đứng vào Top đầu của ngành Dệt may Việt Nam”.

NGÔ VĂN TRẤN

.