Giảm nghèo đa chiều

.

Những năm qua, huyện Hòa Vang luôn đẩy mạnh thực hiện các chính sách, dự án giảm nghèo theo hướng tiếp cận đa chiều. Huyện đặt mục tiêu phấn đấu hằng năm giảm hộ nghèo tiếp cận đa chiều 2-2,5%/năm.

Với số tiền lãi kiếm được từ việc bán trứng cút, gia đình bà Phan Thị Ba (thôn Hòa Khương Tây) mua thêm gà giống về nuôi. Nhờ đó, gia đình bà thoát nghèo, đời sống được cải thiện về nhiều mặt.  Ảnh: MAI HIỀN
Với số tiền lãi kiếm được từ việc bán trứng cút, gia đình bà Phan Thị Ba (thôn Hòa Khương Tây) mua thêm gà giống về nuôi. Nhờ đó, gia đình bà thoát nghèo, đời sống được cải thiện về nhiều mặt. Ảnh: MAI HIỀN

Bà Phan Thị Ba (SN 1974, trú thôn Hòa Khương Tây, xã Hòa Nhơn), một trong những hộ thoát nghèo vào cuối năm 2018, chia sẻ: “Vợ chồng tôi kết hôn vào năm 1993 trong hoàn cảnh hai bên gia đình đều nghèo, khó khăn.

Vợ chồng tôi bám ruộng vườn làm nông nhưng chồng tôi sức khỏe yếu, thường xuyên đau ốm, thu nhập bấp bênh. Khoảng năm 2004, chúng tôi có 2 con nhỏ đều trong độ tuổi ăn học, thêm phần nuôi mẹ già mà thu nhập vẫn không cải thiện, khó khăn chồng khó khăn, rồi gia đình tôi được xét duyệt nằm trong danh sách hộ nghèo của địa phương”.

Kể từ khi được xét duyệt hộ nghèo, gia đình bà Ba nhận được sự quan tâm, giúp đỡ của chính quyền địa phương như: hỗ trợ cấp thẻ bảo hiểm y tế, miễn giảm học phí cho 2 cháu nhỏ… Sự hỗ trợ mang tính bước ngoặt, giúp gia đình bà Ba vươn lên ổn định kinh tế là năm 2014, gia đình bà được Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) xã Hòa Nhơn tạo điều kiện vay 20 triệu đồng nguồn vốn xóa đói giảm nghèo từ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện.

Với số tiền vay được, sẵn nhà có vườn rộng, nằm trên gò cao, thoáng mát, vợ chồng bà Ba bàn bạc rồi mua chim cút về nuôi lấy trứng bán. Ban đầu, vợ chồng bà Ba chỉ mua khoảng 500 con chim cút giống về nuôi thử nhưng do chưa biết cách chăm sóc nên chim cút chết khá nhiều, chậm lớn và tỷ lệ đẻ trứng thấp. Được sự quan tâm, tư vấn của các hội, đoàn thể địa phương, vợ chồng bà quyết tâm đầu tư nuôi lại. Đến nay, việc bán trứng cút trở thành thu nhập chính của gia đình bà.

Chim cút đẻ trứng quanh năm, với gần 2.000 con trong thời kỳ đẻ trứng, bình quân mỗi ngày bà Ba bán ra thị trường hơn 1.700 quả trứng. Bên cạnh đó, tận dụng diện tích vườn rộng, vợ chồng bà còn trồng thêm rau, hoa quả để phục vụ gia đình và bán ra thị trường. Ngoài ra, vợ chồng bà Ba còn tranh thủ làm thuê để kiếm thêm thu nhập. Bà Ba chia sẻ: “Nhờ chính sách giảm nghèo của Đảng và Nhà nước mà gia đình tôi và các hộ nghèo khác có điều kiện làm ăn, vươn lên thoát nghèo”.

Ông Ngô Văn Đạt, Phó Chủ tịch UBND xã Hòa Nhơn cho hay: “Trên cơ sở các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của Ban Chỉ đạo giảm nghèo thành phố, Ban Chỉ đạo giảm nghèo huyện, UBND xã đã kịp thời xây dựng các kế hoạch, văn bản triển khai thực hiện.

Bên cạnh đó, hằng năm, Đảng ủy xã triển khai quán triệt các văn bản chỉ đạo của các cấp, ban hành nghị quyết hướng dẫn chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm; trong đó xác định nhiệm vụ lãnh đạo, chỉ đạo phong trào “Cả nước chung tay vì người nghèo - không để ai bỏ lại phía sau” và phong trào “Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020” là nhiệm vụ trọng tâm thường xuyên của địa phương”. Không những thế, UBND xã Hòa Nhơn còn xây dựng mô hình kinh tế gắn với giải quyết việc làm cho người lao động như: mô hình trồng nấm do Hội Nông dân phụ trách, trồng rau sạch do Hội LHPN xã phụ trách, mô hình kiệu hương và nuôi gà thả vườn do Hội Cựu Chiến binh xã phụ trách.

Ông Ngô Minh Nhàn, Phó Chủ tịch UBND xã Hòa Sơn cho biết: “UBND xã vừa sơ kết mô hình nuôi heo đất giai đoạn 2019-2020, thu về hơn 46 triệu đồng và số tiền này dùng để xây mới nhà ở cho hộ nghèo. Cùng với đó, 114 địa chỉ nhân đạo tiếp tục được giúp đỡ với số tiền từ 200.000 - 300.000 đồng/tháng”.

Đại diện Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội huyện Hòa Vang cho hay, hằng năm, các hoạt động hỗ trợ phương tiện sinh kế, giúp hộ nghèo trồng vườn cây cao sản, sản xuất nấm, trồng hoa, làm kinh tế trang trại… được duy trì thường xuyên tại 11 xã. Huyện Hòa Vang còn cùng với 11 xã kêu gọi, vận động những người con quê hương đang làm ăn, sinh sống ở các nơi giúp đỡ hộ nghèo tại địa phương này.

MAI HIỀN

;
;
.
.
.
.
.