Khẩn trương khắc phục thiệt hại do bão số 9 gây ra

.

Với sự chủ động vào cuộc của cả hệ thống chính trị trong công tác phòng chống, ứng phó bão số 9, các địa phương miền Trung từ Đà Nẵng đến Phú Yên đã tận dụng “thời gian vàng” để triển khai các nhiệm vụ đề ra. Công tác phòng, chống bão số 9 đã được thực hiện quyết liệt, đã sơ tán 1,3 triệu dân. Vào gần bờ, cường độ bão có giảm nhưng vẫn ở mức rất nguy hiểm. Tuy vậy, các địa phương đã triển khai mạnh mẽ các biện pháp bảo vệ tính mạng người dân, nên thiệt hại về người đã giảm hẳn so với các cơn bão mạnh trước đây.

Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng (giữa), Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường (thứ hai, trái sang), Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Quảng (thứ ba, phải sang) kiểm tra thực tế tại đê biển dọc đường Nguyễn Tất Thành thuộc quận Liên Chiểu sáng 28-10. Ảnh: PV
Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng (giữa), Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường (thứ hai, trái sang), Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Quảng (thứ ba, phải sang) kiểm tra thực tế tại đê biển dọc đường Nguyễn Tất Thành thuộc quận Liên Chiểu sáng 28-10. Ảnh: PV

Tận dụng “thời gian vàng” chống bão hiệu quả
Sáng sớm 28-10, tại cuộc họp Ban chỉ đạo tiền phương về phòng, chống bão số 9 đặt ở Đà Nẵng, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đề nghị các địa phương phải tận dụng tối đa “thời gian vàng” để bảo vệ tính mạng, tài sản của người dân, tiếp tục kiểm tra, rà soát các tàu thuyền trên biển, đặc biệt là 42 tàu còn đang ở khu vực nguy hiểm, các khu vực neo đậu; “cưỡng chế di dời tất cả những người còn ở trên tàu thuyền tại khu neo đậu, trên các lồng bè nuôi trồng thủy sản”. Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu kiểm tra lại một lần nữa tình hình sơ tán, không để bất kỳ người dân nào ở lại khu vực nguy hiểm, nước ngập sâu, gió giật mạnh. Tất cả những nơi tránh trú bão, đón người dân sơ tán phải được kiểm tra, gia cố lại chắc chắn.

Ngay sau cuộc họp, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường, Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Quảng kiểm tra thực tế công tác phòng, chống bão số 9 ở một số địa điểm tại quận Liên Chiểu. Tại điểm sơ tán tập trung đông người dân và sinh viên, công nhân ở Trung tâm Giới thiệu việc làm khu công nghiệp (đường Âu Cơ, quận Liên Chiểu), Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng và Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Quảng lưu ý chính quyền địa phương bảo đảm an toàn tại các điểm sơ tán dân và bảo đảm lương thực, thực phẩm, điều kiện sinh hoạt cho người dân.

Lực lượng Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy Công an TP. Đà Nẵng xử lý cây ngã đổ tại khu vực cầu Rồng. Ảnh: XUÂN SƠN
Lực lượng Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy Công an TP. Đà Nẵng xử lý cây ngã đổ tại khu vực cầu Rồng. Ảnh: XUÂN SƠN

Trưa 28-10, chủ trì cuộc họp khẩn của Ban Chỉ đạo tiền phương, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đánh giá cao Ban Chỉ đạo tiền phương cùng các địa phương đã quyết liệt ứng phó với bão số 9, tập trung sơ tán dân, giảm thiểu thiệt hại. Nhận định tình hình rất khẩn cấp, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã yêu cầu Ban Chỉ đạo thường xuyên liên lạc với các địa phương để nắm tình hình. Bản thân ông từ sáng cũng liên tục gọi điện cho lãnh đạo các địa phương để cập nhật thông tin và có chỉ đạo kịp thời. Trong khi đó, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thường xuyên gọi điện cho Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cũng như các thành viên Ban Chỉ đạo tiền phương để chỉ đạo kịp thời công tác ứng phó bão số 9.
Tại thành phố Đà Nẵng, để chủ động ứng phó với bão, các quận, huyện đã sơ tán 101.830 người (trong đó có 21.804 hộ dân) đến nơi an toàn, gần gấp đôi so với kế hoạch ban đầu. Đặc biệt, chính quyền địa phương không chủ quan với bão và bảo đảm tối đa tính mạng của nhân dân. Nhờ vậy, thiệt hại về tính mạng đã được hạn chế tối đa.

Giảm thiểu thiệt hại, khẩn trương tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ

Theo Ban Chỉ đạo tiền phương ứng phó với bão số 9, đến 17 giờ ngày 28-10, theo ghi nhận thiệt hại ban đầu tại các tỉnh, thành phố miền Trung, đã có 1 người chết (tại tỉnh Gia Lai do trú mưa tại lán bị sập), 2 người bị thương (ở tỉnh Bình Định). Tỉnh Quảng Ngãi có 9 nhà bị sập, 53.390 nhà bị tốc mái; tỉnh Bình Định có 23 nhà bị sập, 2.588 nhà bị tốc mái; tỉnh Phú Yên có 1 nhà bị sập, 44 nhà bị tốc mái; tỉnh Gia Lai có 1 nhà bị sập, 109 nhà bị tốc mái. Tỉnh Kon Tum có 32 nhà bị tốc mái và 1 cầu treo ở huyện Kon Rẫy bị cuốn trôi, gây chia cắt 115 hộ dân và có nhiều điểm sạt lở gây ách tắc giao thông. Có 1 tàu cá của ngư dân tỉnh Bình Định bị sự cố, mất liên lạc trên biển. Trong sáng 28-10, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã thống nhất với Bộ trưởng Bộ Quốc phòng điều 2 tàu hải quân và 2 tàu kiểm ngư từ Cam Ranh đi tìm kiếm cứu nạn. Ngoài ra, cũng đã có thêm 2 tàu cá nhỏ của tỉnh Phú Yên bị chìm.
Về giao thông, các địa phương đã chỉ đạo lực lượng công an phối hợp với ngành giao thông tổ chức phân luồng, bảo đảm an toàn giao thông. Các tỉnh, thành phố từ Thừa Thiên Huế đến Bình Định đã cấm các phương tiện lưu thông từ tối 27-10. Các công sở, nhà máy, xí nghiệp đã cho người lao động nghỉ việc ngày 28-10, trừ các lực lượng thực thi nhiệm vụ phòng, chống thiên tai. Có 360 xã, phường đang bị mất điện, chủ yếu tại Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định và Phú Yên, chiếm hơn 10% tổng phụ tải của miền Trung.

Ban Chỉ đạo tiền phương về ứng phó bão số 9 yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tiếp tục triển khai ứng phó, khắc phục hậu quả của bão và mưa lũ lớn. Theo đó, tổng hợp thiệt hại và triển khai khắc phục hậu quả (đặc biệt là Quảng Ngãi); triển khai lực lượng tìm kiếm cứu nạn thuyền viên trên 2 tàu cá Bình Định và sẵn sàng lực lượng cứu hộ, cứu nạn khi có yêu cầu; kiểm soát, bảo đảm an toàn giao thông; vận hành hồ chứa phù hợp, giảm lũ cho hạ du và bảo đảm an toàn công trình; chỉ đạo ứng phó mưa lũ khu vực thấp trũng và khu vực Tây Nguyên...

Ngày 28-10, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn thành phố Đà Nẵng chưa ghi nhận thông tin về người chết do bão gây ra trên địa bàn thành phố, chỉ có 1 người ở quận Sơn Trà bị thương nhẹ đã được sơ cứu, chăm sóc y tế kịp thời. Đặc biệt, với sức gió cấp 8, giật cấp 10 “càn quét” trong thời gian dài nhưng chỉ có một số nhà dân, nhà thờ tộc bị tốc mái, bay tôn. Về điện, có hơn 241.350 hộ khách hàng bị mất điện do tôn bay vào đường dây 110kV, đứt dây 4 xuất tuyến trung thế 22kV, hỏng 1 máy cắt trung thế 22kV, 3 cột điện bê-tông ly tâm hạ thế. Ngành điện đã tập trung khắc phục sự cố, khôi phục cấp điện cho 45.967 khách hàng...

Trong thời gian bão đổ bộ, đáng lo nhất là tình trạng mất an toàn các cần trục tháp, nhưng nhờ sự chỉ đạo và yêu cầu giằng chống, neo giữ quyết liệt, đến chiều 28-10, các cần trục tháp vẫn bảo đảm an toàn tại vị trí giằng chống trước khi bão vào, chưa có hiện tượng mất an toàn, chỉ bung, gió cuốn một số vị trí hàng rào tôn của các công trình xây dựng. Ngoài ra, giàn cổng chào biểu diễn ngoài trời tại Công viên Biển Đông bị sập; tường rào của Trường Mầm non Sơn Ca (quận Sơn Trà) sập, ngã đỗ; nhà làm việc Trung tâm tìm kiếm cứu nạn hàng hải khu vực II... bị tốc mái. Một số phòng học của các trường: Trần Thị Lý, Dạ Lan Hương, Ngọc Lan, Trường Trần Hưng Đạo... bị rớt la-phông, bay mái tôn. Có hơn 550 cây xanh trên các tuyến đường bị ngã đổ. Về tàu thuyền, vào trưa 28-10, tại âu thuyền Thọ Quang có một trong số 32 phao neo bị đứt xích trôi dạt. Tại phao neo bị đứt có trên 20 tàu đang neo đậu trú bão. Ngay sau đó, các tàu đã bám được neo và bảo đảm an toàn...

Nhà dân ở tỉnh Quảng Ngãi bị hư hại do bão. Ảnh: Báo Kinh tế&Đô thị
Nhà dân ở tỉnh Quảng Ngãi bị hư hại do bão. Ảnh: Báo Kinh tế&Đô thị

Triển khai nhiều phương án khắc phục thiệt hại sau bão  

Trước, trong và sau khi bão, các cơ quan và lực lượng chức năng triển khai công tác ứng phó và khắc phục hậu quả, thu dọn các cành cây ngã đổ, chốt chặn một số đoạn đường có gió hút mạnh... Các đơn vị chức năng cũng tổ chức ứng trực, chuẩn bị sẵn sàng các phương tiện, thiết bị để kịp thời xử lý tại những vị trí xung yếu về thoát nước, có nguy cơ xảy ra ngập úng tại khu vực đô thị và vận hành các trạm bơm chống ngập úng, chuẩn bị sẵn sàng các máy bơm công suất lớn để kịp thời xử lý ngập úng tại các khu vực dân cư có địa hình thấp trũng...

Gió quật đổ khung sân khấu tại Công viên Biển Đông. Ảnh: Phường Nại Hiên Đông
Gió quật đổ khung sân khấu tại Công viên Biển Đông. Ảnh: Phường Nại Hiên Đông

Tại cuộc họp chiều 28-10, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hồ Kỳ Minh yêu cầu Chủ tịch UBND các quận, huyện chỉ huy trực tiếp và huy động nguồn lực theo thẩm quyền để ứng phó thiên tai. Đặc biệt, chỉ cho phép cho người dân trở về từ nơi sơ tán khi có chỉ đạo; phối hợp với các lực lượng vũ trang, sở, ban, ngành tiếp tục công tác ứng cứu, tìm kiếm cứu nạn, cấp cứu người bị nạn. Bên cạnh đó, nhanh chóng thống kê thiệt hại, xác định nhu cầu cứu trợ; tổ chức cứu trợ khẩn cấp: hỗ trợ lương thực, thực phẩm, nước uống, thuốc chữa bệnh, nhu yếu phẩm cần thiết cho các khu sơ tán tập trung và các hộ bị thiệt hại về nhà cửa, sản xuất. Nghiêm cấm, ngăn chặn người dân, phương tiện đi lại tại  các khu vực, tuyến đường ngập sâu, nguy hiểm để đánh bắt cá… Thông báo cho UBND các xã, phường tuyên truyền hướng dẫn người dân không được chủ quan, hạn chế trường hợp bị tai nạn trong lúc dọn dẹp sau bão. Tổ chức vệ sinh môi trường không để xảy ra dịch bệnh do môi trường thiếu vệ sinh sau thiên tai; thống kê thiệt hại ban đầu để tổ chức khắc phục. Các đơn vị, địa phương nhanh chóng khắc phục, dựng lại cây xanh ngã đổ theo phân cấp quản lý, lưu ý huy động nhân dân thu dọn cây xanh ngã đổ và dọn vệ sinh môi trường. Công ty TNHH MTV Điện lực tiếp tục theo dõi tình hình thời tiết, khẩn trương khắc phục, xử lý các sự cố điện...

Chiều 28-10, bão suy yếu thành áp thấp nhiệt đới. Hồi 16 giờ ngày 28-10, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới trên khu vực biên giới Việt Nam-Lào, tuy nhiên, theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, sau bão số 9, Quảng Nam - Đà Nẵng nguy cơ ngập diện rộng, các địa phương cần có biện pháp chủ động ứng phó ngập lụt sâu, diện rộng vùng trũng thấp và sạt lở tại các huyện: Nam Giang, Đại Lộc, Duy Xuyên, thị xã Điện Bàn, thành phố Hội An (Quảng Nam), thành phố Đà Nẵng. Cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai do lũ, ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất ở cấp 4.

Học sinh, sinh viên nghỉ học trong ngày 29-10

Chiều 28-10, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) có công văn gửi các phòng GD&ĐT, các trường, trung tâm trực thuộc sở, các trường đại học tư thục về việc khắc phục hậu quả của bão số 9. Sở GD&ĐT yêu cầu thủ trưởng các đơn vị, trường học thông báo cho học sinh, học viên, sinh viên nghỉ học ngày 29-10 (thứ Năm) để các đơn vị, trường học tập trung khắc phục hậu quả của bão; đi học trở lại từ ngày 30-10 (thứ Sáu). Đối với các cơ sở vẫn còn ngập úng hoặc chưa khắc phục xong ảnh hưởng do bão gây ra thì căn cứ vào tình hình thực tế, hiệu trưởng các trường, giám đốc các trung tâm đề xuất tiếp tục cho học sinh nghỉ học ngày 30-10 để bảo đảm an toàn. (NGỌC PHÚ)

Mất điện trên diện rộng

Ngày 28-10, Tổng Công ty Điện lực miền Trung (EVNCPC) cho biết do ảnh hưởng của bão số 9, các tỉnh Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi… đã có mưa to và gió mạnh gây mất điện 616 xã/phường. Cụ thể, tại tỉnh Quảng Trị hiện có 10 xã bị mất điện, tỉnh Thừa Thiên Huế có một phần của 4 phường, 23 xã đang bị mất điện, thành phố Đà Nẵng có 11 phường, xã mất điện, tỉnh Quảng Nam có 192 xã bị mất điện, tỉnh Quảng Ngãi có 173 xã bị mất điện… Hiện, lưới điện 110kV đã bị sự cố 14 đường dây và 10 trạm biến áp. Lưới điện trung áp mất điện 15.701 trạm, đã khôi phục được 2.138 trạm, còn 13.563 trạm chưa khôi phục được; gây mất điện cho trên 1,7 triệu khách hàng.
Tại Đà Nẵng, theo Công ty TNHH MTV Điện lực Đà Nẵng (PC Đà Nẵng), tính đến 10 giờ ngày 28-10, một số khu vực đã mất điện như đường Nguyễn Hữu Thọ, Lê Đình Lý, Nguyễn Hoàng, Thanh Thủy (Điện lực Hải Châu); các phường Hòa Khánh Nam, Hòa Khánh Bắc, Hòa Minh, đèo Hải Vân, một số phụ tải KCN Hòa Khánh (Điện lực Liên Chiểu); các phường Mân Thái, Thọ Quang (Điện lực Sơn Trà); xã Hòa Tiến, Hòa Châu, KCN Hòa Cầm (Điện lực Cẩm Lệ); đường Hà Huy Tập, Trường Chinh (Điện lực Thanh Khê); xã Hòa Liên, Hòa Bắc, Hòa Nhơn, Hòa Phú, Hòa Khương, Hố Trầu, Bà Nà, Hòa Ninh (Điện lực Hòa Vang). PC Đà Nẵng cũng đã bố trí nhân viên ứng trực 24/24 giờ, theo dõi sát sao tình hình vận hành lưới điện, kịp thời xử lý sự cố, đồng thời tùy thuộc vào tình hình, diễn biến của bão số 9, PC Đà Nẵng sẽ tiến hành khôi phục cấp điện trở lại phục vụ người dân. (VĂN HOÀNG)

NHÓM PV THỜI SỰ

;
;
.
.
.
.
.