Thời sự và bàn luận

Tốc độ già hóa nhanh nhất thế giới

07:24, 01/10/2015 (GMT+7)

Thời gian chuyển từ già hóa dân số (hiện tượng tỷ lệ người cao tuổi trên tổng số dân liên tục tăng - PV) sang dân số già của Việt Nam ở mức nhanh nhất thế giới.

Trong khi các nước phát triển có hàng thập kỷ hoặc thế kỷ chứng kiến tình trạng chuyển đổi đến dân số già, như Pháp có 115 năm, Thụy Điển có 85 năm, Úc có 73 năm, Mỹ có 69 năm, hay khá nhanh như Trung Quốc, Nhật Bản cũng có 26 năm, thì Việt Nam chỉ mất khoảng 17 năm để chứng kiến toàn bộ quá trình chuyển đổi dân số từ già hóa sang già thiệt!

Tốc độ nhất bảng này quả thật đáng lưu tâm. Điều này đồng nghĩa Việt Nam bị đặt vào thế gấp rút chuẩn bị cho một xã hội với lực lượng dân số già.

Tốc độ già hóa nhanh chóng còn đặt nước ta vào nghịch cảnh “chưa qua tuổi trẻ đã lo đến già”. Hiện nay, cơ cấu dân số Việt Nam đang được gọi là “vàng” khi người trẻ và người trong độ tuổi lao động vẫn chiếm đa số. Cụ thể, thống kê của Tổng cục Dân số cho thấy trẻ em từ 0-14 tuổi chiếm 23,5%; người từ 15-64 tuổi chiếm 69,4% và người trên 65 tuổi chỉ chiếm 7,1% dân số. Đối với mỗi quốc gia, đây được đánh giá là thời kỳ vàng son và lịch sử khó lặp lại cơ cấu dân số vàng lần thứ hai. Thế nhưng, giai đoạn “vàng” chưa qua, mà nhìn trước mắt mười mấy năm nữa đã thấy đến giai đoạn “già”, thì đúng là không thể cứ hãnh diện mãi với “lực lượng lao động trẻ và dồi dào”, mà cần những tính toán cho phù hợp thực tế một xã hội có nhiều người cao tuổi.

Tuổi thọ của người Việt Nam ngày càng tăng và mức tăng cao hơn trung bình chung của thế giới. Nếu tính trung bình, trong nửa thế kỷ, nhân loại đã tăng 21 tuổi, trong khi người Việt Nam tăng thêm 33 tuổi thọ. Tuổi thọ chung của người Việt hiện 73 tuổi, còn mức chung của thế giới là 69 tuổi. Dự báo tuổi thọ của người Việt tiếp tục tăng trong những năm tới. Điều này phản ánh thành tựu phát triển nhiều mặt của xã hội.

Vấn đề là khi tuổi thọ con người tăng liên tục, người già ngày càng đông, nhưng xã hội chưa có sự chuẩn bị tốt nhất để thích ứng với tốc độ thay đổi cơ cấu dân số thì điều gì sẽ xảy ra?

Các số liệu của Tổng cục Dân số mới đây cho thấy, đời sống vật chất của người già còn nhiều khó khăn. 70% không có tích lũy vật chất, 18% nghèo. Chỉ có 30% người già có lương hưu hoặc trợ cấp từ ngân sách Nhà nước. Một vấn đề khác rất liên quan đến đời sống của người già, đó là hệ thống cung ứng việc làm cho người cao tuổi tại Việt Nam hiện nay gần như là khoảng trống. Bên cạnh đó, dù tuổi thọ của người Việt tăng liên tục, nhưng tuổi sức khỏe lại kém. Trung bình một người mất 13 năm cho đau ốm, 95% người cao tuổi mắc các loại bệnh và phần lớn trong số họ cần có người trợ giúp sinh hoạt hằng ngày. Trong khi đó, cả nước chỉ có duy nhất một Viện lão khoa!

Thay vì xem người già là những đối tượng cần được “bảo trợ” hoặc “nương tựa”, thiết nghĩ, từ trong cách nhìn đến chính sách, cơ sở hạ tầng, phân bố lao động, v.v... cần xác định “tiềm lực to lớn” từ người cao tuổi. Nhật Bản là quốc gia có tỷ lệ dân số già cao nhất thế giới. Thế nhưng, người già ở đây vẫn dễ dàng tìm được việc làm phù hợp mang lại cuộc sống vui vẻ, khỏe mạnh và tự chủ kinh tế.

Điều gì sẽ xảy ra khi người già đông đảo nhưng họ khó tìm việc làm, thường xuyên đau ốm và kinh tế bấp bênh?

TOÀN VÂN

.