Thời sự và bàn luận

Bội thực họp

08:09, 09/11/2015 (GMT+7)

Họp ngập đầu! Cuối giờ chiều về phòng làm thêm đến 7, 8 giờ tối mà tôi vẫn chưa đọc, xử lý hết tài liệu, phải ôm cả xấp tài liệu về nhà làm tiếp mới kịp cho công tác chỉ đạo, điều hành ngày hôm sau. Tại hội nghị sơ kết công tác cải cách hành chính (CCHC) thành phố giai đoạn 2011-2015, Phó Chủ tịch thường trực UBND thành phố Võ Duy Khương nêu thực trạng “bội thực họp” là một vấn đề đang cản trở xây dựng nền hành chính hiện đại, chuyên nghiệp.

Lãnh đạo các cơ quan hành chính “bội thực họp” không phải là vấn đề mới. Những hội nghị CCHC có đưa ra bàn để giảm họp, thậm chí UBND thành phố đã từng có văn bản yêu cầu các cấp giảm họp từ cách đây cả chục năm. Thế nhưng, họp vẫn không giảm. Họp nhiều đến nỗi, các cấp chính quyền cơ sở không dám lên lịch làm việc cho lãnh đạo cấp mình ngay từ sáng thứ hai hằng tuần. Họ phải đợi thành phố có lịch họp trước để chủ động công việc ở địa phương. Nhiều lãnh đạo ở cơ sở ước chi có thể “phân thân” như các nhân vật trong truyền thuyết mới có thể dự hết các cuộc họp, hội nghị do cấp trên triệu tập. Họp nhiều nên nảy sinh tình trạng cử người đi họp thay, không đúng đối tượng và bị mời về.

Lãnh đạo đi họp, nhiều công việc của địa phương, ngành phải tạm dừng xử lý. Dân đến phường, xã làm thủ tục hành chính phải quay về vì không có người ký. Có vài nơi linh động hơn, vẫn tiếp nhận hồ sơ để lãnh đạo họp xong về ký và cho người đem trả kết quả. Rõ ràng, họp nhiều sẽ làm giảm hiệu quả công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành quản lý Nhà nước của các cơ quan hành chính.

Họp nhiều thì tất yếu “đẻ” ra văn bản nhiều. Văn bản từ Trung ương, tỉnh, thành phố, quận, huyện dồn về phường, xã, về tổ dân phố, thôn. Mục tiêu CCHC là đến năm 2015, thành phố phải có 70% văn bản trao đổi giữa các cơ quan hành chính được số hóa vẫn chưa hoàn thành, văn bản điện tử và chữ ký số (của các cấp hành chính) chưa được công nhận. Phó Chủ tịch thường trực UBND thành phố Võ Duy Khương nêu: Làm việc trong cùng tòa nhà Trung tâm Hành chính mà có trường hợp văn bản của UBND thành phố gửi cho sở, ngành phải mất đúng 5 ngày mới đến nơi. Với thực trạng này khó mà có nền hành chính hiện đại, chuyên nghiệp.

CCHC của Đà Nẵng được đánh giá có tác động tích cực đến phát triển kinh tế - xã hội, góp phần đưa thành phố có thứ hạng cao ở nhiều chỉ số. Nhiều bộ, ngành Trung ương, địa phương bạn đánh giá cao và tìm hiểu, học hỏi kinh nghiệm. Nhưng như Phó Chủ tịch thường trực UBND thành phố Võ Duy Khương kết luận: Chưa đáp ứng được mục tiêu mong đợi của lãnh đạo và nhân dân thành phố về xây dựng bộ máy Nhà nước trong sạch và chuyên nghiệp.

Thành phố cần phải nỗ lực nhiều hơn nữa trong công tác CCHC giai đoạn 2016-2020, trong đó có vấn đề trọng tâm là cải cách giảm họp. Giảm họp bằng cách xác định nội dung cần thiết phải họp nếu không có thể gửi nội dung thông báo đến những người có trách nhiệm liên quan. Giảm họp bằng cách kết hợp nhiều nội dung có liên quan với nhau vào một cuộc họp, họp trực tuyến qua mạng Internet. Họp không nhất thiết cứ phải hết buổi, hết ngày mà khi nào xong nội dung thì kết thúc để dành thời gian cho công việc. Cơ chế phân cấp, phân quyền và quy trách nhiệm tập thể, trách nhiệm cá nhân của người đứng đầu cơ quan hành chính và cấp phó trên từng lĩnh vực công việc được rõ ràng, minh bạch cũng có tác dụng giảm họp. Như vậy mới tiếp cận được một nền hành chính “nói ít, làm nhiều” để phục vụ nhân dân làm cơ sở tiến đến nền hành chính chuyên nghiệp, hiện đại.

HOÀNG ANH

.