Thời sự và bàn luận

TPP: Chấp nhận "đặt cược"

07:34, 07/10/2015 (GMT+7)

Sau 5 năm liên tục đàm phán, vượt qua nhiều vướng mắc và tranh cãi kéo dài, Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) đã được các Bộ trưởng Thương mại 12 nước (Mỹ, Úc, Brunei, Canada, Chile, Peru, Malaysia, Mexixo, Nhật Bản, New Zealand, Singapore và Việt Nam) chính thức “chốt hạ” vào tối ngày 5-10-2015.

Có thể khẳng định, kể từ hôm nay, không gian hội nhập kinh tế toàn cầu của Việt Nam đã bắt đầu lật sang một trang mới, khác với những “sân chơi” trước đây. Bởi vì, TPP thực chất là hiệp định của thế kỷ 21, với các tiêu chuẩn ở đẳng cấp cao, đầy tham vọng, toàn diện và cân bằng, vừa thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tạo mới và duy trì công ăn việc làm, vừa hỗ trợ quá trình đổi mới, nâng cao năng suất và năng lực cạnh tranh ở mỗi quốc gia. Mặt khác, TPP còn là nơi hội tụ những “anh tài hào kiệt” chủ chốt của thế giới phát triển như Mỹ, Nhật Bản, Úc, Cananda, Singapore, với tầm vóc là khu vực thương mại tự do lớn nhất thế giới, 800 triệu dân, chi phối đến 40% giao dịch thương mại toàn cầu.

Theo như nhận định của Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng, Việt Nam là nền kinh tế kém phát triển nhất trong TPP, tuy nhiên chúng ta vẫn phải cam kết thực hiện đầy đủ nghĩa vụ và quyền của mình đối với hiệp định. Mặc dù có thể được các đối tác tham gia “ân hạn” trên một số lĩnh vực do đặc thù trình độ phát triển còn nhiều chênh lệch, tuy nhiên, khi đã quyết định bước vào sân chơi này, Việt Nam đã chấp nhận “đặt cược” toàn bộ năng lực và uy tín của đất nước, hay nói khác đi, chúng ta không còn được phép bàn lùi.

Nếu nhìn lại lịch sử hội nhập quốc tế của Việt Nam kể từ thời kỳ đổi mới đến nay, trong đó có hai cột mốc quan trọng chứng kiến sự trưởng thành vượt bậc của nền kinh tế ngày nay, đó là thời điểm ký Hiệp định Thương mại Việt - Mỹ năm 2000 và tham gia vào Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) năm 2006.

Với việc gia nhập hai sân chơi lớn này, trên thực tế nước ta đã thực sự “đặt cược” số phận của mình và thực tiễn đã cho thấy đây là lựa chọn thành công mang tầm chiến lược. Quy mô nền kinh tế, đặc biệt là quy mô xuất nhập khẩu, gia tăng gấp hàng chục lần so với thời kỳ những năm 90. Quan trọng hơn, một khi chấp nhận chung sống với dòng chảy hội nhập toàn cầu, chấp nhận vượt qua thách thức, khó khăn thì “bản lĩnh Việt Nam” mới thể hiện một cách rõ nét nhất.

TPP đan xen rất nhiều cơ hội và thách thức. Tuy nhiên, đó chính là lựa chọn tất yếu để nền kinh tế nước ta bước vào giai đoạn tăng tốc theo định hướng bền vững. Đây đồng thời là thử thách lớn lao dành cho toàn bộ thể chế chính trị, kinh tế và lực lượng doanh nghiệp Việt Nam nếu không muốn nói là mang tính sống còn. Mọi phép màu tăng trưởng từ TPP trong tương lai hoàn toàn phụ thuộc vào sự chuẩn bị kỹ lưỡng ngay từ ngày hôm nay. Quá khứ đã cho thấy Việt Nam đang đi đúng hướng. Vậy không có lý do gì không tin rằng với TPP chúng ta đã chấp nhận “đặt cược” với tâm thế người thắng cuộc?

Phúc Vinh

.