Thời sự và bàn luận

Để du lịch thực sự là mũi nhọn

08:11, 19/10/2015 (GMT+7)

  Được Đại hội lần thứ XXI Đảng bộ thành phố chọn là một trong 3 đột phá phát triển kinh tế-xã hội của Đà Nẵng trong 5 năm đến, ngành du lịch thành phố đặt ra mục tiêu thu hút 8 triệu lượt du khách vào năm 2020, trong đó 2 triệu lượt khách quốc tế.

So với thời điểm ước tính cuối 2015, số lượng du khách thu hút sẽ tăng xấp xỉ 2 lần. Đây là một nỗ lực rất lớn bởi xu thế lựa chọn phát triển du lịch được nhiều địa phương, đặc biệt là các tỉnh, thành phố duyên hải miền Trung đang xác định là ngành kinh tế chiến lược chứ không riêng gì Đà Nẵng. Do vậy, áp lực cạnh tranh thị phần du khách đòi hỏi ngành du lịch thành phố phải tiếp tục phát triển năng động hơn thông qua những hoạch định mới mang lại hiệu quả rõ nét trong thời gian đến.

Ngay tại Đại hội lần thứ XXI Đảng bộ thành phố nhiệm kỳ 2015-2020, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Ngô Quang Vinh nêu những giải pháp mang tính khả thi hơn nhằm đạt mục tiêu đề ra. Tuy vậy, đây mới chỉ là giải pháp ban đầu, để có thể trở thành hiện thực cần phải có những quyết tâm và nỗ lực mạnh mẽ hơn nữa.

Nếu nói về tiềm năng phát triển du lịch, Đà Nẵng có nhiều lợi thế vượt trội. Đó là những danh lam thắng cảnh quyến rũ gắn với biển, sông, núi, đồng quê. Đó còn là hạ tầng giao thông và hạ tầng đô thị hiện đại như sân bay, cảng biển và nhất là trung tâm của 3 di sản thế giới.

Trong hơn 5 năm qua, thành phố hình thành những sản phẩm du lịch độc đáo của Đà Nẵng như: Cuộc thi trình diễn pháo hoa quốc tế, lễ hội du lịch biển, hệ thống các khách sạn, khu du lịch ven biển tầm cỡ, khu du lịch Bà Nà-Suối Mơ, các khu vui chơi giải trí lớn; các hội nghị, hội thảo du lịch công vụ, các sự kiện văn hóa, thể thao đặc sắc mang tầm khu vực và quốc tế được tổ chức thành công đã thực sự có sức thu hút du khách.

Tuy vậy, nếu chỉ bằng lòng với hiện tại mà không đẩy mạnh phát triển thương hiệu du lịch Đà Nẵng thông qua việc tập trung hình thành các sản phẩm du lịch chủ lực, đáp ứng thị hiếu du khách và có sức cạnh tranh cao thì chắc chắn sẽ khó đạt mục tiêu đề ra. Ngoài việc triển khai những dự án du lịch mới tầm cỡ thì cần coi trọng và xem đầu tư phát triển các dịch vụ vui chơi giải trí, phố chuyên doanh, khu ẩm thực, gian hàng lưu niệm… như là một định hướng chính để kích cầu phát triển du lịch.

Du lịch Đà Nẵng muốn hấp dẫn thì yếu tố mới lạ để cuốn hút du khách khám phá phải đặt lên hàng đầu. Về mặt hoạch định, việc triển khai mới các dự án lớn về du lịch sinh thái ở quận Ngũ Hành Sơn, Sơn Trà, Liên Chiểu, Hòa Vang và khu trung tâm quận Hải Châu… trong đầu nhiệm kỳ 2015-2020 gắn với xây dựng mới và sửa chữa, nâng cấp các bảo tàng, công viên chuyên đề, phát triển làng nghề truyền thống cũng sẽ tạo sức hấp dẫn thu hút du khách. Đặc biệt, lựa chọn du ngoạn trên sông Hàn và những chiếc cầu được trang trí đẹp về ánh sáng, âm thanh cũng sẽ là món ăn lạ khiến du khách phải tìm cơ hội để thưởng thức về đêm.

Thời cơ mà ngành du lịch thành phố đang nắm bắt đó là hàng loạt các sự kiện lớn được tổ chức tại Đà Nẵng như: Đại hội thể thao biển châu Á (ABG 5) vào năm 2016, Cuộc đua thuyền buồm quốc tế Clipper năm 2015-2016, đặc biệt Hội nghị cấp cao APEC diễn ra vào năm 2017… là cơ hội ngàn vàng của Đà Nẵng. Đây là dịp để góp phần nâng cao vị thế đất nước, cải thiện chất lượng dịch vụ, hiện đại hóa cơ sở vật chất ngành du lịch thành phố, đẩy mạnh giao lưu kinh tế, văn hóa… với thế giới.

Những giải pháp mang tính bền vững và lâu dài như mở thêm đường bay trực tiếp, tăng cường xúc tiến ở những thị trường mới, đẩy mạnh liên kết vùng… cần được triển khai thực hiện đồng bộ. Thách thức đặt ra đòi hòi ngành du lịch phải có sự bứt phá trong thời gian ngắn sắp đến đó là cải thiện chất lượng nhân lực ngành du lịch. Làm thế nào đó để đào tạo đội ngũ hướng dẫn viên thông thạo nhiều ngoại ngữ, có phong cách làm việc chuyên nghiệp hơn...

Nhiệm vụ trước mắt mà ngành du lịch phải tập trung xử lý rốt ráo là những biểu hiện chèo kéo, đeo bám du khách, thậm chí ép buộc khách phải mua hàng lưu niệm và tình trạng ô nhiễm môi trường ở các điểm du lịch. Đã qua rồi cái thời làm du lịch theo kiểu “ăn xổi, ở thì” thiếu tính bền vững.

Bởi lẽ du khách chắc chắn sẽ tự đánh giá được nơi nào có chất lượng dịch vụ tốt, an toàn, thân thiện nhất để có thể quay lại thêm nhiều lần nữa. Ngược lại, cho dù là những trường hợp cá biệt nhưng nếu để tái diễn tình trạng nâng giá bắt chẹt du khách hay tài sản du khách bị mất trộm do lỗi của đơn vị lữ hành, cơ sở lưu trú… thì hình ảnh du lịch nơi đó chắc chắn sẽ bị mất điểm.

Những thách thức đó là một trong những bài toán nan giải đòi hỏi ngành du lịch thành phố có sự phối hợp với các đơn vị liên quan hạn chế thấp nhất để có thể đi đến triệt tiêu. Có như vậy, du lịch Đà Nẵng mới thực sự là ngành kinh tế mũi nhọn như tinh thần Nghị quyết Đại hội lần thứ XXI Đảng bộ thành phố đề ra.

DIỆU MINH

.