Thêm động lực để Đà Nẵng phát triển

.

Trong phiên bế mạc kỳ họp thứ 9 vào chiều 19-6 vừa qua, Quốc hội khóa XIV với 92,13% đại biểu Quốc hội tán thành đã thông qua Nghị quyết về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại thành phố Đà Nẵng và một số cơ chế, chính sách đặc thù khác. Như vậy từ ngày 1-1-2021, thành phố bên sông Hàn có thêm một động lực mới để phát triển.

​​​​​​​Nghị quyết gồm 12 điều, trong đó Điều 1 và Điều 8 được Quốc hội biểu quyết thông qua trước khi biểu quyết thông qua toàn văn nghị quyết. Trong các cơ chế, chính sách đặc thù khác nêu trong nghị quyết quan trọng này, có một nội dung được cử tri Đà Nẵng rất quan tâm là vấn đề nguồn lực tài chính, bởi đầu tiên phải là tiền đâu: Nghị quyết giao Chính phủ xem xét trình Quốc hội quyết định tỷ lệ điều tiết phù hợp cho ngân sách Đà Nẵng; đồng thời cho phép Đà Nẵng được quyết định sử dụng nguồn thực hiện cải cách tiền lương còn thừa của ngân sách để đầu tư kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội, được giữ lại 100% số thu tăng thêm từ các khoản thu do việc điều chỉnh chính sách thu để đầu tư kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội thuộc nhiệm vụ chi của ngân sách địa phương và không dùng để xác định tỷ lệ phần trăm đối với các khoản thu phân chia giữa ngân sách Trung ương và ngân sách Đà Nẵng.

Tuy nhiên nội dung chủ yếu của nghị quyết là kể từ ngày 1-7-2021, cho phép Đà Nẵng - địa phương thứ hai sau Hà Nội được thực hiện mô hình chính quyền đô thị.

Đây không phải lần đầu tiên Đà Nẵng được phép thực hiện một mô hình chính quyền địa phương phù hợp với tính chất đô thị và nhất là phù hợp với bối cảnh một thành phố đang thay mặt cả nước quản lý huyện đảo Hoàng Sa. Từ năm 2009 đến năm 2016 - trước khi Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015 có hiệu lực thi hành, Đà Nẵng đã cùng một số địa phương được Quốc hội cho phép thực hiện thí điểm không tổ chức hội đồng nhân dân quận, huyện và phường. Nếu so với lần thí điểm năm 2009 thì trong số quận, huyện thí điểm lần này không có huyện Hòa Vang, thế nhưng ý thức về mô hình một cấp chính quyền, hai cấp hành chính và nhất là ý thức về việc kiểm soát quyền lực ở các quận và phường không tổ chức hội đồng nhân dân lại được thể hiện rõ hơn. Điều duy nhất không thay đổi trong cả hai lần thí điểm mô hình chính quyền đô thị ở Đà Nẵng là Chủ tịch UBND huyện đảo Hoàng Sa được Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng trực tiếp bổ nhiệm, tiếp tục tạo điều kiện để Chủ tịch UBND huyện đảo được bổ nhiệm hợp pháp, chính danh, góp phần vào công cuộc đấu tranh đòi lại Hoàng Sa bằng các giải pháp hòa bình.

Có thể nói với Nghị quyết về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại thành phố Đà Nẵng và một số cơ chế, chính sách đặc thù của Quốc hội khóa XIV, Đà Nẵng sẽ giảm được một số công chức do không còn tổ chức HĐND ở các quận và các phường, từ đó tiết kiệm được một khoản tiền thuế mà người dân đóng góp vào ngân sách thành phố. Nhưng đó cũng chưa phải là điều chủ yếu mà Đà Nẵng được hưởng lợi từ việc thí điểm này. Điều thuận lợi chủ yếu là mô hình chính quyền đô thị sắp thí điểm cho phép chính quyền Đà Nẵng quản lý thành phố một cách “đô thị” hơn, phù hợp với đặc điểm phân cấp quản lý “hết sức đặc thù” của một đô thị - thường đòi hỏi phải tập trung và thống nhất trên cả địa bàn.

Đương nhiên Đà Nẵng cũng có một số khó khăn khi thực hiện thí điểm lần thứ hai mô hình chính quyền đô thị, như phải sắp xếp theo vị trí việc làm mới đối với số cán bộ, công chức công tác chuyên trách tại các cơ quan HĐND quận và phường hiện nay - một việc không phải lúc nào cũng có thể làm vừa lòng tất cả; hoặc cần phải tăng cường hơn so với trước năng lực kiểm soát quyền lực. Quyền lực không được kiểm soát hiệu quả thì mô hình nào và ở cấp chính quyền nào cũng đều có thể dẫn đến tình trạng độc quyền, lạm quyền, lộng quyền, mất dân chủ. Khi thí điểm không tổ chức HĐND ở các quận và các phường, nghĩa là không còn cơ quan giám sát quyền lực cùng cấp tại chỗ, yêu cầu kiểm soát quyền lực đối với cơ quan hành chính - vẫn mang tên ủy ban nhân dân - càng cần thiết hơn và do vậy phải được tăng cường.

Để tăng cường kiểm soát quyền lực ở các quận và phường không tổ chức HĐND, nghị quyết đã bổ sung thẩm quyền của Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng trong đình chỉ việc thi hành, bãi bỏ một phần hoặc toàn bộ văn bản trái pháp luật của UBND quận và UBND phường; đồng thời quy định cơ chế HĐND thành phố được quyền lấy phiếu tín nhiệm Chủ tịch UBND cấp quận, được chất vấn không chỉ Chủ tịch UBND, Chánh án Tòa án nhân dân, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân cả cấp thành phố và cấp quận. Và Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng không chỉ được quyền bổ nhiệm và khen thưởng mà còn được quyền cách chức và kỷ luật chủ tịch và phó chủ tịch UBND cấp quận.

Để có thể tăng cường kiểm soát quyền lực ở các quận và phường không tổ chức HĐND, HĐND thành phố Đà Nẵng còn được tạo điều kiện về chất lượng đại biểu, về số lượng đại biểu chuyên trách... để “điền vào chỗ trống” đó, để nâng cao hiệu quả thu thập dân nguyện, giám sát thực địa, đôn đốc việc trả lời ý kiến cử tri... Về vấn đề này, nghị quyết đã quy định theo hướng tạo sự linh hoạt, chủ động cho Đà Nẵng trong trường hợp cần bố trí tăng thêm số lượng đại biểu HĐND hoạt động chuyên trách tại mỗi ban: có không quá hai phó trưởng ban hoạt động chuyên trách và trưởng ban của HĐND thành phố có thể là đại biểu HĐND hoạt động chuyên trách - điều mà Đà Nẵng đã thực hiện rất tốt trong hai nhiệm kỳ qua.

Đã trải qua thực tế thí điểm thực hiện mô hình chính quyền đô thị lần thứ nhất từ năm 2009 đến năm 2016, hệ thống chính trị các cấp và người dân Đà Nẵng không quá khó để thích nghi với mô hình chính quyền đô thị lần này. Đó là chưa kể địa bàn Đà Nẵng trên đất liền tương đối nhỏ gọn rất thuận lợi trong việc quản lý của chính quyền thành phố đối với các quận và các phường. Từ đó cử tri thành phố bên sông Hàn nói riêng và cử tri cả nước nói chung có quyền kỳ vọng Đà Nẵng sẽ triển khai thực hiện thành công Nghị quyết về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại thành phố Đà Nẵng và một số cơ chế, chính sách đặc thù của Quốc hội khóa XIV.

BÙI VĂN TIẾNG

;
;
.
.
.
.
.