Thời sự và bàn luận
Phấn đấu hoàn thành sứ mệnh Trung tâm tài chính khu vực
Thêm một tin vui lớn đến với thành phố Đà Nẵng chúng ta trong những ngày cuối năm: ngày 15-11-2024, Bộ Chính trị ban hành Thông báo số 47-TB/TW kết luận về việc xây dựng Trung tâm tài chính khu vực và quốc tế tại Việt Nam. Theo đó, đồng ý chủ trương thành lập Trung tâm tài chính quốc tế toàn diện tại Thành phố Hồ Chí Minh và Trung tâm tài chính khu vực tại thành phố Đà Nẵng.
Bộ Chính trị giao nhiệm vụ cho Ban cán sự đảng Chính phủ, Ban Thường vụ Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh và Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng lãnh đạo, chỉ đạo nghiên cứu ban hành các văn bản cụ thể theo thẩm quyền, đầu tư nguồn lực tương xứng để triển khai thực hiện các nội dung của đề án; bảo đảm sự phối hợp chặt chẽ và phân công trách nhiệm rõ ràng, rành mạch giữa Trung ương và địa phương, trên cơ sở phân cấp, phân quyền, phát huy vai trò chủ động, sáng tạo của Thành phố Hồ Chí Minh và thành phố Đà Nẵng trong triển khai thực hiện đề án.
Thông báo số 47-TB/TW của Bộ Chính trị một lần nữa khẳng định sự quan tâm của Trung ương đối với những đô thị tiềm năng, tạo điều kiện để một số địa phương bứt phá phát triển vượt trội, từ đó rút kinh nghiệm và tạo tiền đề để cả dân tộc cùng vươn tầm trong kỷ nguyên hội nhập toàn diện với các quốc gia trong khu vực và thế giới.
Riêng với thành phố Đà Nẵng, thông báo một lần nữa chứng tỏ những phương hướng, nhiệm vụ, mục tiêu được nêu trong Nghị quyết số 43-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa XII về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 ban hành cách đây 5 năm, đến nay vẫn thực sự đang từng ngày từng giờ thể hiện sức sống và sự lan tỏa mạnh mẽ trong đời sống chính trị, kinh tế, xã hội thành phố Đà Nẵng, và cũng có thể nói, trên địa bàn khu vực miền Trung và cả nước.
Những phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp của nghị quyết luôn được đảng bộ chính quyền và nhân dân thành phố thường xuyên bám sát để đề ra chương trình hành động thực hiện phù hợp qua mỗi chặng đường. Điều quan trọng cần khẳng định, đó là sự nhất quán, xuyên suốt trong công tác chỉ đạo, hỗ trợ về chủ trương và chính sách cụ thể từ phía các bộ, ngành Trung ương, nhất là của Ban Chấp hành Trung ương và Bộ Chính trị các khóa nhằm tạo điều kiện cho Đà Nẵng thực hiện tốt Nghị quyết số 43-NQ/TW.
Nhìn lại chỉ riêng năm 2024, đã có hàng loạt những văn bản chỉ đạo quan trọng như Kết luận số 79-KL/TW của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 43-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa XII), trong đó, nổi bật là việc xây dựng thí điểm khu thương mại tự do; trung tâm tài chính quốc tế quy mô khu vực; phát triển Đà Nẵng thành trung tâm đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp, trung tâm công nghệ cao của cả nước; trung tâm vùng về logistics, du lịch - dịch vụ, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực bán dẫn, trí tuệ nhân tạo; Nghị quyết số 136/2024/QH15 của Quốc hội về tổ chức chính quyền đô thị và thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng thay thế cho Nghị quyết số 119/2020/QH14 của Quốc hội khóa XIV; Nghị quyết số 169/NQ-CP của Chính phủ về chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Kết luận số 79-KL/TW.
Đây là các văn kiện quan trọng có vị trí và ý nghĩa đặc biệt trong tiến trình phát triển thành phố Đà Nẵng hiện tại và tương lai; là cơ sở chính trị, cơ sở pháp lý quan trọng, là nền tảng vững chắc để mở ra nhiều cơ hội, động lực mới và các chính sách đặc thù để thu hút nguồn lực và phát huy hiệu quả tiềm năng, lợi thế của thành phố, tạo ra các đột phá để thành phố phát triển nhanh và bền vững đồng thời đóng góp đáng kể vào sự phát triển nhanh chóng của nền kinh tế đất nước.
Cùng với các văn kiện quan trọng nói trên, thông báo lần này của Bộ Chính trị hoàn chỉnh diện mạo của một Đà Nẵng phát triển tầm cỡ trong tương lai gần theo tinh thần Nghị quyết số 43-NQ/TW, đó là trở thành một trong những trung tâm kinh tế - xã hội lớn của cả nước và Đông Nam Á, trong đó, có thể nói nhiệm vụ “gai góc” nhất, thách thức to lớn nhất, đó là vai trò Trung tâm tài chính khu vực.
Để trở thành một Trung tâm tài chính khu vực, Đà Nẵng phải tạo được môi trường kinh doanh thuận lợi, mang tính kết nối con người, cơ sở hạ tầng tài chính và luật pháp. Đây là vấn đề rất mới và chưa có tiền lệ, đòi hỏi phải nghiên cứu kỹ lưỡng, tiếp cận nhiều chiều, tận dụng triệt để quỹ thời gian, tranh thủ khai thác tối đa kinh nghiệm những địa phương, quốc gia đi trước, vừa làm vừa rút kinh nghiệm để kịp thời đáp ứng yêu cầu đề ra.
Trước mắt là giải quyết bài toán thành phố đang đối diện với thách thức có liên quan đến quy mô kinh tế còn nhỏ, thị trường tài chính còn hạn chế, cơ sở hạ tầng nhiều mặt tuy đã cải thiện rất nhiều, nhất là hạ tầng số, nhưng cũng vẫn chưa đồng bộ và thực sự hiện đại. Bài toán nhân lực đáp ứng yêu cầu của một Trung tâm tài chính tầm cỡ khu vực cũng đang đặt ra không hề nhỏ.
Tuy nhiên, khi được trao cơ hội xây dựng Trung tâm tài chính khu vực, Đà Nẵng cũng đồng thời có thêm nhiều thuận lợi lớn. Với tiềm năng sẵn có, Đà Nẵng có những lợi thế riêng phù hợp với nhu cầu đầu tư của cộng đồng quốc tế.
Bên cạnh vị trí địa chính trị, kinh tế quan trọng, có tính kết nối cao, môi trường sống, hạ tầng đô thị đảm bảo, Đà Nẵng còn được các nhà đầu tư tài chính quốc tế nhìn nhận là nơi có điều kiện phát triển hạ tầng và xây dựng trung tâm tài chính và giải trí tương tự một số mô hình đã thành công trên thế giới. Trên lộ trình trở thành Trung tâm tài chính khu vực, thương hiệu Đà Nẵng cũng sẽ có tên trên bản đồ tài chính quốc tế, nghĩa là chúng ta có được sự quan tâm của các trung tâm tài chính đã hoạt động lâu đời, qua đó Đà Nẵng có điều kiện thu hút các tập đoàn, tổ chức tài chính và nhà đầu tư toàn cầu, góp phần nâng cao vị thế của một thành phố phát triển.
Một khi tham gia vào “cuộc chơi” với tư cách là một “người chơi” có vai trò nhất định trong hệ thống tài chính toàn cầu, Đà Nẵng sẽ có mối tương tác, nhận được những hỗ trợ nhất định từ các đối tác, bổ sung vào kho tàng kinh nghiệm, góp phần làm cho chúng ta lớn mạnh thêm.
Trong Thông báo số 47-TB/TW, Bộ Chính trị cũng nhấn mạnh yêu cầu các cơ quan phải xác định quyết tâm chính trị cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt trong tổ chức thực hiện đề án quan trọng này. Một sự động viên rất lớn đối với Đà Nẵng chúng ta, đó là khẳng định của Bộ Chính trị: Đây không phải chỉ là việc riêng, thành quả của Thành phố Hồ Chí Minh và thành phố Đà Nẵng mà là trách nhiệm và thành quả của cả nước; vì vậy hệ thống chính trị cùng tham gia thực hiện.
Các nội dung của đề án cần được triển khai quyết liệt, đồng bộ, nhất quán, trên tinh thần đổi mới mạnh mẽ để bứt phá; các cơ quan từ Trung ương đến địa phương phải phối hợp đồng bộ, chặt chẽ, triển khai đúng tiến độ, lộ trình các công việc đề ra!
Cả hệ thống chính trị đã quyết tâm cao, dọc ngang thông suốt, trên dưới đồng lòng, nhất định Đà Nẵng sẽ hoàn thành sứ mệnh quan trọng của mình, góp vào thành công chung của đất nước trong thời kỳ hội nhập phát triển mới. Gần đây, các địa phương, đơn vị, các doanh nghiệp trong cả nước gần như cùng chung một phương châm hành động: đã nói là phải làm, đã làm là phải đem lại hiệu quả; không bàn lùi, chỉ bàn làm! Đó cũng chính là phương châm của toàn đảng bộ, chính quyền và nhân dân Đà Nẵng khi tiến hành thực hiện chủ trương của Bộ Chính trị đã đề ra trong Thông báo số 47-TB/TW!
NẠI HIÊN