Đề xuất giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp do tác động của Covid-19

.

Làm gì để hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn bởi Covid-19 là nội dung Báo Đà Nẵng trao đổi với ông Nguyễn Tiến Quang (ảnh), Giám đốc Chi nhánh Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tại Đà Nẵng.

* VCCI Đà Nẵng có đề xuất, kiến nghị gì để cơ quan quản lý Nhà nước và các ngành liên quan hỗ trợ doanh nghiệp (DN) ổn định sản xuất, kinh doanh hiện tại và thời gian đến?

- Thông qua khảo sát, nắm bắt tình hình và lấy ý kiến DN, VCCI Đà Nẵng có một số đề xuất, kiến nghị nhằm góp phần hỗ trợ DN vượt qua khó khăn và chuẩn bị cho giai đoạn phục hồi, phát triển hậu Covid-19.

Cụ thể, về giải pháp vốn, lãi suất, ngày 4-2-2020, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành Văn bản số 541/NHNN-TD về việc triển khai các giải pháp hỗ trợ khắc phục thiệt hại do ảnh hưởng của Covid-19, cơ cấu lại thời hạn trả nợ, xem xét miễn giảm lãi vay…

Đây không chỉ được xem là sự đồng hành, chia sẻ khó khăn của các ngân hàng thương mại với khách hàng của mình mà còn là giải pháp để ngân hàng tự bảo vệ, vì hỗ trợ giúp DN vượt qua khó khăn là giúp giảm thiểu số DN phải rút lui, phá sản, giảm thiểu nguy cơ nợ xấu, mất vốn của ngân hàng.

Đối với giải pháp về thuế xuất nhập khẩu giảm chi phí cho DN, cần nghiên cứu giảm, giãn thời hạn đóng thuế với một số đối tượng, lĩnh vực chịu nhiều tác động bởi Covid 19.

Cục Thuế các địa phương giải quyết nhanh chóng thủ tục hoàn thuế cho các DN xuất khẩu. Hoàn thuế nhanh chóng sẽ giúp bổ sung dòng tiền, tài chính nhanh cho DN trong lúc khó khăn này. Đề nghị ngành Hải quan tạo điều kiện, đẩy nhanh hơn nữa thủ tục thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu để đẩy nhanh việc luân chuyển nguyên nhiên vật liệu, hàng hóa trong sản xuất, kinh doanh.

Đối với thuế nhập khẩu, xem xét việc cho áp dụng thông quan trước rồi nộp thuế sau đối với một số mặt hàng phục vụ cho sản xuất, tiêu dùng thiết yếu chịu tác động của dịch bệnh nhằm giảm áp lực tài chính đối với các DN có hoạt động xuất nhập khẩu.

Các khu, cụm công nghiệp nên có chính sách giảm tiền thuê mặt bằng, nhà xưởng để giúp DN giảm chi phí đầu vào trong lúc khó khăn. Sử dụng các quỹ bình ổn giá một số mặt hàng thiết yếu để giảm chi phí nguyên nhiên liệu, hàng hóa thiết yếu cho sản xuất, tiêu dùng góp phần kiềm chế lạm phát giảm chi phí đầu vào cho DN và chi phí sống thiết yếu của người lao động trong lúc khó khăn.

Về giải pháp lao động, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, đề nghị Sở Lao động, Thương binh và Xã hội và Bảo hiểm Xã hội địa phương xem xét và thực hiện nhanh chóng các thủ tục liên quan đến hỗ trợ người lao động nhận các chế độ, chính sách liên quan đến bảo hiểm thất nghiệp, qua đây giúp DN tái cơ cấu lao động, cắt giảm chi phí do quy mô sản xuất, kinh doanh bị thu hẹp do dịch bệnh.

Do ảnh hưởng của Covid-19, một số DN đã và đang cắt giảm lao động. Do vậy, ngoài việc giải quyết các chế độ cho người lao động mất việc theo quy định bảo hiểm thất nghiệp thì đây là lúc thích hợp nhất để cơ quan quản lý Nhà nước về lao động chuẩn bị và triển khai các hoạt động đào tạo, đào tạo lại cho các lao động mất việc nhằm nâng cao tay nghề, chuyên môn để chuẩn bị nguồn nhân lực chất lượng cao hơn cho giai đoạn phục hồi, “hậu” khó khăn của dịch bệnh.

Tiếp đó, các giải pháp về tái cơ cấu nguồn cung, đa dạng hóa thị trường, xúc tiến thương mại đầu tư, kích cầu cần triển khai chương trình phổ biến các hiệp định thương mại tự do (FTAs) và tư vấn cho các DN tái cấu trúc nguồn cung, chuỗi cung ứng theo hướng tập trung vào các quốc gia, vùng lãnh thổ trong nội khối các FTAs mà nước ta đã ký kết.

* Ông có thể nói rõ hơn đề xuất về chính sách hỗ trợ cần cho chương trình xúc tiến du lịch, đẩy nhanh dự án đầu tư công và cải thiện môi trường kinh doanh?

- Về chương trình xúc tiến du lịch cần có chính sách hỗ trợ giúp DN khai phá thị trường mới, nguồn khách mới thông qua việc Nhà nước có thể hỗ trợ một phần kinh phí cho các chương trình xúc tiến du lịch căn cứ trên đầu khách du lịch thực tế đến từ các thị trường mới mà DN đưa đến Đà Nẵng.

Song song với việc đẩy mạnh hoạt động quảng bá, marketing, xúc tiến du lịch, thành phố Đà Nẵng cần tích cực chuẩn bị việc đẩy mạnh hợp tác, truyền thông thông điệp “Đà Nẵng là điểm đến an toàn, điểm đầu tư hấp dẫn” thông qua các kênh sứ quán, tham tán thương mại Việt Nam ở nước ngoài và nước ngoài tại Việt Nam.

Đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công cũng góp phần giữ ổn định tăng trưởng, thúc đẩy kinh tế phát triển. Trong ảnh: Thi công dự án Khu phố chợ Hòa Thọ Tây, quận Cẩm Lệ. Ảnh: TRIỆU TÙNG
Đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công cũng góp phần giữ ổn định tăng trưởng, thúc đẩy kinh tế phát triển. Trong ảnh: Thi công dự án Khu phố chợ Hòa Thọ Tây, quận Cẩm Lệ. Ảnh: TRIỆU TÙNG

Thành phố cũng đẩy nhanh việc triển khai các dự án đầu tư công để tạo cầu, tạo việc làm cho DN trong lúc khó khăn; đồng thời giúp giảm thiểu suy giảm kinh tế do sự sụt giảm đầu tư từ khu vực tư nhân, DN dưới tác động của dịch bệnh; cần đẩy mạnh việc công khai, minh bạch, dự án đầu tư công, thực hiện nhanh các thủ tục đấu thầu, thủ tục hành chính nhằm tạo điều kiện cho DN tiếp cận và chọn được nhà đầu tư, nhà thầu dựa trên năng lực và chất lượng, hiệu quả của dự án. Thành phố cần tiếp tục giải ngân, thanh toán nhanh các khoản công nợ các công trình đầu tư công cho DN để DN có thêm dòng tiền phục vụ sản xuất, kinh doanh.

Giải pháp về cải cách tục hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh, hỗ trợ DN là nhiệm vụ cốt lõi với việc rút ngắn thời gian thực hiện các thủ tục hành chính của DN. Đó là tiếp tục đẩy mạnh triển khai dịch vụ công trực tuyến để nâng cao tính minh bạch, hiệu năng, hiệu quả trong thực hiện thủ tục hành chính, giảm chi phí không chính thức, chống tham nhũng vặt, tạo niềm tin cho nhà đầu tư, DN.

Ngoài ra, triển khai chương trình hỗ trợ các DN mới thành lập am hiểu, tuân thủ pháp luật và tiếp cận các chính sách hỗ trợ DN, nâng cao năng lực quản trị… nhằm giảm tỷ lệ DN rút lui khỏi thị trường, gia tăng tỷ lệ tồn tại, phát triển của nhóm đối tượng DN này.

* Cộng đồng DN cũng cần chủ động cơ cấu lại sản xuất theo tinh thần “tự chủ, tự cứu” mình?

- Đúng vậy, trong tình hình dịch bệnh như hiện nay, DN nên tìm giải pháp cắt giảm tối đa chi phí, cơ cấu lại các khoản đầu tư, tập trung vào ngành nghề kinh doanh cốt lõi, tránh dàn trải. DN xem xét các giải pháp huy động thêm nguồn tài chính; cơ cấu lại lực lượng lao động phù hợp với bối cảnh kinh doanh gặp nhiều khó khăn nhưng cần phải có chính sách giữ lao động giỏi, lao động có chuyên môn cao trong lúc khó khăn và chuẩn bị các yếu tố cần thiết để phục hồi, phát triển hậu tác động của dịch bệnh.

DN cần vận dụng tốt nhất các quy định trong Luật Lao động, các chế độ, chính sách về bảo hiểm thất nghiệp trong trường hợp DN gặp khó khăn, phải dừng/thu hẹp sản xuất để giải quyết  quyền lợi của người lao động đúng pháp luật và phù hợp với tình hình của DN; chủ động tìm kiếm các thông tin về khách hàng mới, thị trường mới, nguồn cung cấp mới để đa dạng hóa thị trường, khách hàng, tránh phụ thuộc quá nhiều vào một thị trường.

DN có thể tìm khách hàng, thị trường, nguồn cung mới ngay tại thị trường trong nước hoặc chủ động, mạnh dạn đề xuất và tham gia tích cực các chính sách hỗ trợ của Nhà nước, các tổ chức trong hỗ trợ DN vượt qua giai đoạn khó khăn do dịch bệnh; chủ động trong liên kết hợp tác với các DN cùng ngành nghề, khác ngành nghề nhưng có mối quan hệ tương hỗ để thực hiện các chính sách kích cầu, giảm chi phí, chia sẻ các yếu tố đầu vào cho sản xuất trong điều kiện gặp khó khăn về chuỗi cung ứng, liên kết xây dựng chuỗi cung ứng và giữ liên hệ, hợp tác với các cơ quan, tổ chức có chức năng hỗ trợ, tư vấn cho DN khi có nhu cầu. DN cũng cần chủ động tìm hiểu các FTAs để định hướng sản xuất kinh doanh nhằm khai thác các lợi thế do các FTAs mang lại.

* Về phía VCCI có những hoạt động gì để hỗ trợ hội viên và doanh nghiệp?

- Tình hình Covid-19 trên thực tế đã ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của các DN, đặc biệt là các DN xuất khẩu mà nguyên liệu sản xuất phụ thuộc nhiều vào nguồn cung từ thị trường Trung Quốc. Điều này có thể làm ảnh hưởng đến tiến độ giao hàng cho khách hàng dẫn đến vi phạm các hợp đồng đã ký.

VCCI có nhiệm vụ “Cấp giấy chứng nhận xuất xứ cho hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam theo ủy quyền của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền; xác nhận các trường hợp bất khả kháng và chứng nhận, xác nhận các giấy tờ cần thiết khác trong hoạt động thương mại theo yêu cầu tự nguyện của các bên trong giao dịch hoặc theo yêu cầu, ủy quyền của các cơ quan, tổ chức có thẩm quyền ở trong và ngoài nước”, nên nếu trong trường hợp các DN có nhu cầu xác nhận tình hình Covid-19 đã ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh để cung cấp hoặc trao đổi, thương lượng với đối tác, có thể liên hệ với VCCI để được tư vấn, hướng dẫn các thủ tục.

VCCI hỗ trợ, tư vấn cho DN về các thị trường, mặt hàng, quy tắc xuất xứ từ các FTAs giữa Việt Nam và các nước, giúp DN trong việc nghiên cứu tìm hiểu thị trường mới, khách hàng mới tái cơ cấu đầu vào, đa dạng hóa. Qua đó, thực hiện nhanh nhất thủ tục cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O) và các chứng từ thương mại khác do VCCI cấp.

Triển khai chương trình phổ biến các FTAs và tư vấn cho các DN tái cấu trúc nguồn cung, chuỗi cung ứng theo hướng tập trung vào các quốc gia, vùng lãnh thổ trong nội khối các FTAs mà nước ta đã ký kết, có hiệu lực và sắp có hiệu lực để đáp ứng các quy tắc xuất xứ...

Chúng tôi cũng phối hợp với các cơ quan của thành phố triển khai chương trình hỗ trợ các DN mới thành lập trong am hiểu, tuân thủ pháp luật và tiếp cận các chính sách hỗ trợ DN, nâng cao năng lực quản trị… VCCI còn phối hợp với Tổng Lãnh sự quán Trung Quốc tại Đà Nẵng nhằm nắm tình hình hoạt động của DN tại Trung Quốc để cung cấp cho các DN khi có nhu cầu; phối hợp với Tổng Lãnh sự quán Trung Quốc trong việc tìm kiếm khách hàng mới, nguồn cung mới thay thế tại Trung Quốc khi có yêu cầu của DN.

VCCI cũng làm việc với các cơ quan ngoại giao, xúc tiến thương mại đầu tư các nước tại Đà Nẵng như: Tổng Lãnh sự quán Nga, Tổng Lãnh sự quán Lào, Tổng Lãnh sự quán Hàn Quốc, Văn phòng Xúc tiến thương mại và đầu tư Hàn Quốc (KOTRA) tại Đà Nẵng để triển khai các hoạt động xúc tiến, hỗ trợ kết nối thị trường cho DN; làm cầu nối giữa DN với tham tán thương mại Việt Nam tại các nước, tham tán thương mại các nước tại Việt Nam để các nước để tìm kiếm thông tin về thị trường và nguồn nguyên liệu, kết nối kinh doanh cho các DN.

Thời gian đến, VCCI triển khai chương trình kết nối kinh doanh như hợp tác với các hiệp hội doanh nghiệp, với các chi nhánh của VCCI trên toàn quốc nhằm thúc đẩy liên kết, hợp tác giữa các DN Việt Nam trong lúc khó khăn. Hợp tác với các hiệp hội DN nước ngoài tại Việt Nam, đặc biệt là các thị trường trọng điểm để đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối kinh doanh.

VCCI cũng phối hợp chặt chẽ với các cơ quan Nhà nước, các tổ chức hỗ trợ DN trong triển khai các hoạt động hỗ trợ DN, cải thiện môi trường kinh doanh. Đồng thời chúng tôi tiếp tục tiến hành thu thập, khảo sát, tổng hợp, ghi nhận ý kiến từ phía các DN, hiệp hội DN để hỗ trợ và phối hợp với các cơ quan hữu quan để giải quyết các đề xuất, kiến nghị của DN.

* Xin cảm ơn ông !

TRIỆU TÙNG (thực hiện)

;
;
.
.
.
.
.