Nước sông Cẩm Lệ và nước giếng khoan ven sông Cẩm Lệ, Cầu Đỏ thuộc quận Cẩm Lệ và huyện Hòa Vang bị nhiễm mặn nặng làm nhiều diện tích trồng rau, đậu… bị thiệt hại. Theo đánh giá của ngành chức năng, tình trạng nhiễm mặn diễn ra sớm hơn so với năm 2019 đến 2 tháng.
Giàn mướp đang ra hoa bị khô héo, cháy lá vì tưới nước bị nhiễm mặn. Ảnh: HOÀNG HIỆP |
Theo ghi nhận của phóng viên, một số diện tích trồng rau ở ven sông Cẩm Lệ thuộc phường Khuê Trung (quận Cẩm Lệ) bị cháy lá, héo úa, chết do tưới nước sông hoặc nước giếng khoan bị nhiễm mặn nặng. Ông Lê Văn Ngọc (trú phường Khuê Trung) cho hay: “Do tôi không để ý đến việc nước sông bị nhiễm mặn nên bơm nước sông lên tưới thì rau bị chết”.
Tại khu vực ven sông Cầu Đỏ thuộc thôn Tây An, xã Hòa Châu (huyện Hòa Vang), do thời tiết hạn hán nên năng suất đậu phụng bị giảm hơn 50% so với năm 2019. Một số diện tích vì quá khô hạn nên người dân múc nước sông lên tưới đã làm chết cây. Nhiều người trồng đậu phụng đang thu hoạch và cuốc bỏ diện tích đậu phụng bị chết, cằn cỗi để chuyển sang trồng mè.
Bà Ngô Thị Lục, một hộ dân ở đây, cho biết: “Mặc dù ở ven sông nhưng do sông bị nhiễm mặn nên đất cằn cỗi và khó trồng cây. Chúng tôi chỉ trồng được đậu phụng và mè, nhưng vụ đậu phụng năm nay chỉ thu được hơn 2 bao/sào, thấp hơn năm ngoái 3 bao/sào.
Bây giờ chúng tôi bỏ những vồng đậu bị cằn cỗi, chết vì hạn hán và nước nhiễm mặn để chuyển sang trồng mè nhưng do trời quá khô hạn nên dự kiến phải đặt máy bơm nước và lắp đặt ống dẫn nước tưới ở kênh dẫn nước từ Bích Bắc (Điện Hòa, Điện Bàn, Quảng Nam) về cho ướt bề mặt chứ không thể múc nước sông lên tưới được, còn lại phải trông nhờ trời mưa “tưới” giúp cho mới có hy vọng thu hoạch được nhiều mè”.
Tại vùng rau ven sông Yên ở thôn Cẩm Nê, xã Hòa Tiến (huyện Hòa Vang), nhiều hộ trồng rau đã khoan giếng và bơm nước giếng khoan lên tưới rau, không bơm nước từ dưới sông lên tưới vì lo ngại tưới nhầm nước mặn gây chết rau, nhất là cây ớt.
Tại vùng rau La Hường, ông Phan Ngọc Nhớ (trú phường Hòa Thọ Đông, quận Cẩm Lệ) đang nhổ bỏ các cây cà tím đã đậu trái nhỏ bị chết héo do nước nhiễm mặn để trồng cà chua thay thế; nhổ bỏ rau tần ô bị cháy lá để gieo lại vì tưới phải nước bị nhiễm mặn.
Trước đó, ông Nhớ cũng đã nhổ bỏ dần các cây rau dền đỏ, mồng tơi… bị héo, chết cũng vì nước tưới bị nhiễm mặn. “Tuần trước, tôi quên nếm thử nước bơm từ sông Cẩm Lệ lên nên có gần 50% diện tích trồng các loại rau bị héo, cháy lá, chết do tưới phải nước bị nhiễm mặn nặng. Nước giếng khoan tại thửa đất trồng rau của tôi cũng bị phèn và nhiễm mặn nặng nên cũng không thể tưới được.
Vì thế, hằng ngày, tôi phải nếm thử nước sông Cẩm Lệ, nếu có cảm giác ngòn ngọt thì mới tưới, còn cảm thấy mặn chát thì phải nối ống để lấy nước từ giếng khoan cách thửa đất hơn 100m để tưới”, ông Nhớ nói.
Đa số các hộ trồng rau ở vùng rau La Hường đều khoan giếng ngầm để tưới rau trong các tháng mùa hè và mùa thu khi nguồn nước sông Cẩm Lệ bị nhiễm mặn nặng. Theo phản ánh của người trồng rau, hiện chỉ còn một giếng khoan ở khu vực có địa hình cao là chưa bị nhiễm mặn nên nhiều người phải nối ống dẫn nước từ giếng này về thửa đất của mình để tưới cho rau. Ông Trần Trọng Luận (trú phường Hòa Thọ Đông) cho hay: “Xung quanh thửa đất của tôi có 4 giếng khoan đều đã bị nhiễm mặn nặng, không thể tưới rau được.
Ngay cả giếng nước ngầm khoan từ cách đây 15 năm ở khu vực đất cao này cũng bị nhiễm mặn. Gia đình tôi canh tác khoảng 2.400m2 rau, nhưng đã bị thiệt hại hơn 50% diện tích vì nước tưới bị nhiễm mặn. Nguồn nước bị nhiễm mặn sớm hơn so với mọi năm 2 tháng là do việc thi công đập tạm ngăn mặn trên sông Cẩm Lệ chưa triệt để vì vẫn còn một nhánh sông chưa thi công đập nên nước mặn vẫn xâm nhập lên và khi có nước ngọt từ thượng nguồn xuống thì nước mặn bị “mắc kẹt” tại đập ngăn mặn chính, không đẩy xuống hạ lưu đập được. Vì thế, thành phố cần sớm chỉ đạo thi công tiếp đập tạm ở nhánh còn lại của sông Cẩm Lệ để ngăn mặn kín”.
Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, ông Lê Văn Hoàng, Giám đốc Hợp tác xã Rau an toàn La Hường cho biết: “Hiện có nhiều diện tích rau đã bị thiệt hại nhẹ do nguồn nước tưới từ sông Cẩm Lệ và giếng khoan đều đã bị nhiễm mặn. Chúng tôi đã động viên các hộ trồng rau nối ống dẫn nước từ giếng khoan ở khu vực chưa bị nhiễm mặn về tưới cho rau; đồng thời, đề nghị Phòng Kinh tế (UBND quận Cẩm Lệ) hỗ trợ khảo sát, khoan thêm một số giếng nước để phục vụ tưới cho vùng rau”.
Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), đơn vị đã có báo cáo về việc vùng rau La Hường bị nhiễm mặn, gây chết rải rác một số diện tích rau đến các đơn vị chức năng và chính quyền địa phương để sớm có giải pháp ứng phó.
Ông Phạm Hồng Vân, Chi cục trưởng Chi cục này cho biết: “Việc xâm nhập mặn đang ảnh hưởng diện tích trồng rau, màu ven sông Cẩm Lệ. Hiện có 4ha trồng rau (trong tổng số 9ha đang gieo trồng) ở vùng rau La Hường và khoảng 30 giếng khoan nước ngầm để lấy nước tưới tại đây bị nhiễm mặn. Với tình hình như vậy và chưa giải quyết được tình hình xâm nhập mặn sâu vào sông Cẩm Lệ thì người dân nên ít trồng các loại rau cần nhiều nước tưới tại khu vực tưới của 30 giếng khoan này để hạn chế thiệt hại”.
TS. Lê Hùng, Trường Đại học Bách khoa (Đại học Đà Nẵng) cho rằng, do còn một nhánh sông Cẩm Lệ tại khu vực hạ lưu cầu Nguyễn Tri Phương chưa được đắp đập ngăn mặn nên nước mặn còn xâm nhập sâu; đề nghị thành phố cần sớm triển khai thi công phần đập ngăn mặn còn lại ở hạ lưu cầu Nguyễn Tri Phương để bảo đảm cấp nước sản xuất và sinh hoạt cho thành phố Đà Nẵng trong mùa khô năm nay.
HOÀNG HIỆP