QUYẾT LIỆT PHÒNG, CHỐNG COVID-19

Đổi mới phương thức bán hàng, bình ổn thị trường

.

Nhiều doanh nghiệp, người kinh doanh đang đổi mới phương thức bán hàng, góp phần bình ổn thị trường, không để xảy ra tình trạng khan hiếm hàng hóa, gây ảnh hưởng đến nhiệm vụ quan trọng hàng đầu hiện nay là phòng, chống Covid-19.

Các siêu thị lớn trên địa bàn thành phố chuẩn bị chu đáo nguồn hàng dự trữ bảo đảm cung cấp cho thị trường. (Ảnh chụp tại siêu thị Co.opmart Đà Nẵng).  Ảnh: KHÁNH HÒA
Các siêu thị lớn trên địa bàn thành phố chuẩn bị chu đáo nguồn hàng dự trữ bảo đảm cung cấp cho thị trường. (Ảnh chụp tại siêu thị Co.opmart Đà Nẵng). Ảnh: KHÁNH HÒA

Đẩy mạnh khuyến mãi, mua bán trực tuyến

Trước tâm lý người dân lo ngại đến các điểm nơi đông người để mua sắm, nhằm kích cầu và tạo sự tiện lợi, hầu hết các siêu thị, trung tâm thương mại trên địa bàn thành phố như: Lotte Mart, Big C, Co.opmart, Mega Market, Vincom… đều đẩy mạnh mua bán trực tuyến hoặc đặt hàng qua điện thoại.

Bên cạnh đó, các siêu thị tăng cường đội ngũ nhân viên giao hàng tận nhà và kết hợp tung ra nhiều chương trình khuyến mãi hấp dẫn trong khi mức giá bán ra không tăng.

Tại các chợ, siêu thị, trung tâm thương mại hàng hóa về đầy ắp, nhưng tuyệt nhiên không còn cảnh người dân chen chúc, xô lấn nhau để đi thu gom, tích trữ với số lượng lớn như cuối tuần qua. Ông Nguyễn Quang Dũng, Giám đốc Công ty TNHH Lotte Việt Nam - Chi nhánh Đà Nẵng cho biết, đơn vị đã tăng cường trên 20% nguồn hàng hóa về siêu thị từ đầu tuần.

Trong thời điểm xảy ra Covid-19, khi thói quen mua sắm của người dân bắt đầu thay đổi, đơn vị đã kịp thời tăng cường các nguồn lực, vật lực thúc đẩy sản lượng mua sắm online qua kênh speedl.vn bằng các chương trình truyền thông, quảng bá.

Cùng với đó, nhiều chương trình hỗ trợ người tiêu dùng trước tình hình dịch bệnh như: gói khuyến mãi 10% cho các đơn hàng đầu tiên, tặng khẩu trang y tế cho người mua hàng; đồng thời giảm giá sốc hằng ngày, đẩy mạnh bán hàng online...

“Hiện tại, bên cạnh nguồn dự trữ hàng hóa luôn sẵn sàng trong ngắn hạn, chúng tôi luôn phối hợp chặt chẽ với nhà cung cấp bảo đảm hàng hóa luôn đầy đủ, dồi dào, nhanh chóng kịp thời đến tay người tiêu dùng cả trung và dài hạn.

Đặc biệt là các nhu yếu phẩm hằng ngày và sản phẩm bảo vệ sức khỏe như: gạo, mì gói, thịt, cá, trứng, sữa, rau củ quả, gia vị, nước rửa tay, khăn giấy... Chúng tôi cam kết đáp ứng đủ nhu cầu của thị trường”, ông Dũng khẳng định.

Tương tự, siêu thị Co.opmart Đà Nẵng tiếp tục kéo dài thời gian chương trình khuyến mãi (dự kiến đến khi nào tình hình Covid-19 được khống chế) nhằm hỗ trợ người tiêu dùng, nhất là những đối tượng bị ảnh hưởng lớn như: công nhân bị thất nghiệp, các gia đình bị giảm sút nguồn thu do công việc khó khăn hơn...

Đến nay, Co.opmart Đà Nẵng đã nhập về hơn 20 tỷ đồng hàng hóa, dự kiến đủ để không làm gián đoạn nguồn cung trong một vài tháng liên tục. Đồng thời, siêu thị cũng tăng cường thêm đội ngũ nhân viên trực tổng đài điện thoại 24/24 giờ để tiếp nhận các đơn mua hàng từ người dân thông qua số điện thoại 0236 3771888.

Siêu thị Big C cũng triển khai gói đặt hàng, giao hàng qua điện thoại cho các đơn hàng có trị giá hơn 200.000 đồng và trong bán kính 10km thông qua các số thuê bao 0236 3666085 và di động 0919194555.

Trong khi đó, mặc dù mới chính thức khai trương vào tháng 1-2020, nhưng Trung tâm thương mại Hòa Thọ (đường Ông Ích Đường, quận Cẩm Lệ) thuộc Tổng Công ty CP Dệt may Hòa Thọ đã nhanh chóng bắt kịp trào lưu mua bán trực tuyến, nhất là khi Covid-19 diễn biến phức tạp.

Trước sự vào cuộc nhanh chóng của các đơn vị kinh doanh bán lẻ lớn trong vài ngày qua, nhiều người dân bày tỏ sự an tâm và chủ động sẽ không đổ xô đi thu gom, tích trữ một lượng hàng hóa lớn để phòng dịch bệnh như hiện tượng xảy ra vào cuối tuần trước.

“Tất nhiên tôi vẫn phải có sự phòng bị nhất định cho gia đình mình, nhưng thay vì mua sắm quá nhiều, tôi sẽ chỉ mua những gì thật sự cần thiết và đủ dùng trong vài ngày để hạn chế đi đến nơi đông người thôi”, bà Nguyễn Thị Việt Hà (ở phường An Khê, quận Thanh Khê) bày tỏ.

Tăng cường nguồn cung khẩu trang cho thị trường

Bà Hoàng Thùy Oanh, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty CP Dệt may Hòa Thọ cho biết, trong hơn 1 tháng qua, thực hiện nhiệm vụ của Chính phủ, dưới sự chỉ đạo của Tập đoàn Dệt may Việt Nam, Tổng Công ty CP Dệt may Hòa Thọ đã tổ chức sản xuất dòng khẩu trang vải kháng khuẩn 2 lớp.

Tính đến ngày 9-3, đơn vị đã bán ra thị trường hơn 1 triệu khẩu trang vải với giá bình ổn 7.000 đồng/chiếc tại tất cả các cửa hàng kinh doanh trực thuộc Tổng Công ty trên địa bàn thành phố.

Nhiều người kinh doanh chủ động truyền tải những thông điệp tích cực để chung tay bình ổn thị trường trong thời điểm thành phố đang “căng mình” chống Covid-19.  Trong ảnh: Lời khuyến nghị của một đại lý gạo trên đường Ông Ích Khiêm được chụp vào sáng 11-3.  Ảnh: KHÁNH HÒA
Nhiều người kinh doanh chủ động truyền tải những thông điệp tích cực để chung tay bình ổn thị trường trong thời điểm thành phố đang “căng mình” chống Covid-19. Trong ảnh: Lời khuyến nghị của một đại lý gạo trên đường Ông Ích Khiêm được chụp vào sáng 11-3. Ảnh: KHÁNH HÒA

Theo bà Hoàng Thùy Oanh, mỗi ngày, đơn vị sẽ cung ứng ra thị trường khoảng 100.000 khẩu trang vải có khả năng kháng khuẩn ở tất cả các loại, ở tất cả các kênh bán trực tiếp tại các cửa hàng, bán online; đồng thời, khuyến nghị người mua hàng chỉ nên mua mỗi lần 10 cái, không nên tích trữ nhiều để không ai bị bỏ lại đằng sau.

Trong khi đó, là đơn vị sản xuất khẩu trang y tế lớn nhất trên địa bàn thành phố, thời điểm này, Tổng Công ty CP Y tế Danameco Đà Nẵng tiếp tục duy trì tăng cường 3 ca sản xuất/ngày nhằm tăng số lượng khẩu trang y tế, đồ bảo hộ y tế sản xuất ra hằng ngày.

Tuy nhiên, theo ông Võ Anh Đức, Ủy viên HĐQT, Giám đốc Kinh doanh Tổng Công ty CP Y tế Danameco Đà Nẵng, hiện nay, do đơn vị đang gặp khó khăn về nguồn nguyên vật liệu đầu vào do các đối tác chậm ký hợp đồng cung ứng dẫn tới trễ hẹn giao hàng cho thành phố và nhiều đơn vị trên toàn quốc.

“Tính sơ qua, chúng tôi còn thiếu hơn 1 triệu khẩu trang cung ứng ra thị trường trong nước. Để giải quyết khó khăn này, chúng tôi đang tích cực tìm kiếm nguồn nguyên liệu đầu vào mới là vải kháng khuẩn của Nhật Bản. Dự kiến ngày 18-3 sẽ có kết quả thử nghiệm, nếu đạt tiêu chuẩn, chúng tôi sẽ tiến hành sản xuất. Đây được xem là một giải pháp để tháo gỡ khó khăn trong thời điểm này”, ông Đức cho hay. 

Cùng với các nhà sản xuất, hệ thống bán lẻ của các siêu thị lớn trên địa bàn thành phố cũng đẩy mạnh nhập nguồn hàng khẩu trang, dung dịch vệ sinh diệt khuẩn, song nguồn cung khá khan hiếm. Tại siêu thị Co.opmart Đà Nẵng, số lượng khẩu trang dự kiến về trong tuần chỉ gần 1.000 chiếc khẩu trang vải kháng khuẩn và mỗi người dân được khuyến khích chỉ mua 2 chiếc/lần, điều này cũng tương tự tại siêu thị Big C và những đơn vị khác.

Tại hệ thống các nhà thuốc trên địa bàn thành phố cũng ghi nhận sự khan hiếm của mặt hàng này. Nhiều người dân phản ánh gặp khó khăn trong việc tìm kiếm mua khẩu trang y tế để phòng, ngừa dịch bệnh.

Trong khi mua qua các kênh bán trực tuyến của những trang mạng cá nhân lại không yên tâm về nguồn gốc xuất xứ, chất lượng và thường bị đẩy giá lên quá cao. Trước những diễn biến phức tạp của Covid-19, nhất là khi thành phố đã ghi nhận những ca dương tính với SARS-CoV-2, người dân mong muốn các nhà sản xuất tăng cường cung ứng nguồn khẩu trang y tế đạt chuẩn ra thị trường để giúp họ thực hiện tốt các biện pháp phòng, ngừa dịch bệnh; đồng thời các ngành chức năng có những động thái vào cuộc để điều tiết thị trường.

KHÁNH HÒA

;
;
.
.
.
.
.