Giải pháp khôi phục và phát triển du lịch sau Covid-19

.

Tìm các giải pháp khôi phục hoạt động du lịch sau ảnh hưởng của Covid-19 là nội dung chính tại cuộc họp sáng 12-5 do Sở Du lịch thành phố tổ chức. Tại buổi làm việc, các doanh nghiệp lữ hành, lưu trú, dịch vụ… trao đổi, đánh giá xu hướng, hình thức du lịch, đưa ra giải pháp tái khôi phục các thị trường khách, sớm thúc đẩy hoạt động du lịch phát triển trở lại sau dịch bệnh.

Các khu, điểm du lịch sẽ có các chương trình kích cầu, thu hút khách trong thời gian tới.  TRONG ẢNH: Du khách tham quan Khu du lịch Sun World Bà Nà Hills ngày 30-4. (Ảnh: Khu du lịch Sun World Bà Nà Hills cung cấp)
Các khu, điểm du lịch sẽ có các chương trình kích cầu, thu hút khách trong thời gian tới. TRONG ẢNH: Du khách tham quan Khu du lịch Sun World Bà Nà Hills ngày 30-4. (Ảnh: Khu du lịch Sun World Bà Nà Hills cung cấp)

Trước tác động của Covid-19, ngành du lịch thành phố đã xây dựng các kịch bản, giải pháp kích cầu du lịch, truyền thông và định hướng thị trường phù hợp với tình hình mới để thu hút khách du lịch đến Đà Nẵng. Theo ông Huỳnh Đức Trung, Trưởng phòng Quản lý lữ hành, Sở Du lịch thành phố, trong định hướng tái khôi phục các thị trường khách từ nay đến cuối năm 2020 và đầu năm 2021 cần tập trung ưu tiên thị trường khách nội địa trong 6 tháng cuối năm.

Giải pháp trước mắt là chú trọng thu hút nguồn khách từ các địa phương lân cận, thuận tiện di chuyển thuộc các tỉnh miền Trung - Tây Nguyên và các khách đi theo nhóm, gia đình, đi du lịch ngắn ngày, sử dụng các phương tiện cá nhân di chuyển, sau đó là các địa phương xa hơn.

Các đơn vị liên quan cần xây dựng và nâng cao chất lượng các sản phẩm du lịch ngắn ngày, sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng biển, du lịch giải trí, sinh thái, chăm sóc sức khỏe và giá cả phù hợp…; các khách sạn, khu điểm cũng cần có các chính sách ưu đãi về giá đối với khách nội địa tự đi du lịch; chú trọng liên kết vùng để trao đổi khách; tập trung quảng bá vào nhóm khách trẻ.

Do dịch bệnh trên thế giới vẫn đang diễn biến phức tạp nên sau khi dịch bệnh tại các nước được kiểm soát và chính phủ cho phép hoạt động các đường bay quốc tế và cấp thị thực nhập cảnh, các đơn vị sẽ khôi phục các thị trường quốc tế tiềm năng, ưu tiên khách chất lượng cao và thực hiện các biện pháp đa dạng hóa thị trường…

Cần tăng cường truyền thông online

Đó là giải pháp được nhiều doanh nghiệp lữ hành, cơ sở lưu trú quan tâm và đề xuất tại cuộc họp. Ông Nguyễn Đức Quỳnh, Phó Chủ tịch Hội khách sạn Đà Nẵng, Phó Tổng Giám đốc điều hành Furama Resort Đà Nẵng cho rằng, trong tình hình hiện nay có thể tổ chức các chương trình quảng bá online, các triển lãm ảo tới các thị trường khách mà ngành du lịch thành phố đang hướng đến.

Ngành du lịch thành phố cần chuẩn bị sẵn những kịch bản và nguồn lực về tài chính để có thể quảng bá kịp thời hình ảnh điểm đến Đà Nẵng hấp dẫn và là một trong những lựa chọn đầu tiên của du khách. Nếu không có những chiến lược quảng bá, tạo ra những hình ảnh, sản phẩm du lịch mới mẻ cho điểm đến cũng như tranh thủ thời gian thích hợp thì rất dễ để vuột mất cơ hội quan trọng sau dịch bệnh, đánh mất đi những thị trường vốn đã mang lại thành công cho Đà Nẵng như Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản…

Chi bộ Quang Thành 3B1, phường Hòa Khánh Bắc trao hỗ trợ cho hộ nghèo. Ảnh: TRỌNG HÙNG
Các chương trình kích cầu để thu hút khách được xây dựng theo tiêu chí giảm giá nhưng không giảm chất lượng dịch vụ. TRONG ẢNH: Du khách nội địa vui chơi tại bán đảo Sơn Trà trong kỳ nghỉ lễ 30-4 và 1-5. Ảnh: THU HÀ

Đồng quan điểm, ông Đoàn Hải Đăng, Giám đốc Vietravel - Chi nhánh Đà Nẵng cho rằng, sau khi dịch bệnh qua đi thì nhu cầu du lịch của gia đình, của các nhóm nhỏ sẽ lên ngôi và điều quan trọng là doanh nghiệp lữ hành cần làm gì để thu hút những khách này.

Các doanh nghiệp cần chủ động xây dựng sản phẩm, chủ động tìm kiếm, chuyển hướng thị trường, tiếp cận quảng bá sản phẩm của doanh nghiệp qua các kênh facebook, zalo, website của công ty… để chào bán, giới thiệu sản phẩm tới khách hàng.

Ông Đăng phân tích: với các thị trường khách quốc tế sẽ gặp nhiều khó khăn vì các đường bay chưa có kế hoạch mở trở lại, các đơn vị lữ hành quốc tế cũng thường có kế hoạch dài hơi (lên kế hoạch từng năm), chưa kể tình hình dịch bệnh trong nước hết, nhưng quốc tế chưa hết thì cũng sẽ khó có khách. Với tình hình hiện nay thì phải tới đầu năm 2021, ngành du lịch mới khởi sắc và để phục hồi nhanh nhất phải tới giữa năm 2022.

Đại diện các doanh nghiệp cũng cho rằng việc truyền thông, quảng bá sản phẩm, điểm đến tới du khách là rất quan trọng và cần thiết. Có nhiều kênh để truyền thông, đưa thông tin tới các thị trường khách lớn.

Bà Nguyễn Thị Hoài An, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Xúc tiến Du lịch Đà Nẵng cho hay, Trung tâm cũng đã có kế hoạch truyền thông điểm đến 2020 với từng thị trường khách cụ thể. Trước mắt, Trung tâm đã xây dựng 3 kịch bản truyền thông, quảng bá du lịch, từ đó tùy vào tình hình cụ thể để có các giải pháp truyền thông cho phù hợp.

Sớm công bố chương trình kích cầu  du lịch

Theo ông Đoàn Hải Đăng, các doanh nghiệp lữ hành cần liên kết, hợp tác với nhau. Sở Du lịch chủ động chủ trì các chuyến đi xúc tiến mà không cần bám sát vào chương trình xúc tiến của Hiệp hội Du lịch Việt Nam.

Đà Nẵng có thể tổ chức các đoàn đi khảo sát nhỏ từ 10-15 người gồm có lữ hành, khách sạn, khu điểm du lịch, nhà xe… đến các địa phương để gặp gỡ, hợp tác, hình thành các sản phẩm cụ thể để chào bán sản phẩm, trao đổi khách từ địa phương họ đến Đà Nẵng và ngược lại.

Theo ông Cao Trí Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng, Sở Du lịch nên sớm công bố chương trình kích cầu du lịch, nếu được thì công bố luôn quỹ xúc tiến du lịch sẽ tạo được hiệu ứng rất tốt. Thông qua các kênh của Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng hiện có khoảng 78 doanh nghiệp đăng ký tham gia chương trình kích cầu.

Hiệp hội sẽ tiếp tục vận động các doanh nghiệp, đơn vị tham gia đăng ký các gói kích cầu và các sản phẩm tham gia phải hết sức khác biệt, độc đáo, bên cạnh việc giảm giá thành thì có thể tăng thêm các tiện ích cho khách và nên công bố sản phẩm liên kết của 3 địa phương Thừa Thiên Huế -
Đà Nẵng - Quảng Nam để thu hút khách.

Ông Cao Trí Dũng đánh giá, thị trường nội địa có phục hồi tốt thì cũng chỉ đạt công suất khoảng 30% tổng số phòng khách sạn. Để phục hồi hệ thống lưu trú, dịch vụ thì “cứu cánh” của du lịch Đà Nẵng nằm ở thị trường quốc tế.

Do đó, bên cạnh việc kích cầu thu hút khách nội địa, Hiệp hội Du lịch đề xuất Sở Du lịch thành phố vẫn cần phải đề xuất có lộ trình mở song phương các đường bay quốc tế; miễn phí phí visa cho khách; kiến nghị miễn phí vé tham quan các khu, điểm du lịch trên địa bàn thành phố như tại Bảo tàng Điêu khắc Chăm, Khu du lịch danh thắng Ngũ Hành Sơn; có thêm một số chương trình làm sản phẩm mới… cho khách thấy Đà Nẵng đã có thêm sản phẩm, sẵn sàng để thu hút khách trở lại khi dịch bệnh được khống chế hoàn toàn.

Sở Du lịch cũng đã có kế hoạch các chương trình kích cầu du lịch 2020 với sự tham gia của các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch trên địa bàn thành phố. Chương trình này sẽ triển khai cho cả khách đi tour và đi lẻ, trong đó sẽ có các chương trình, chính sách giám giá, ưu đãi, khuyến mãi “sốc” với mức giá cụ thể; giảm giá mạnh, ưu đãi lớn nhưng vẫn bảo đảm chất lượng và uy tín; các doanh nghiệp tham gia phải cam kết bán đúng giá và cung cấp đúng sản phẩm, dịch vụ chất lượng phục vụ khách.

Giám đốc Sở Du lịch Trương Thị Hồng Hạnh cho biết, ngành du lịch thành phố đã triển khai nhiều giải pháp cụ thể trong thời gian phòng, chống dịch. Trước khó khăn chung đó, ngành du lịch thành phố đã đưa ra một số giải pháp trọng tâm khôi phục các hoạt động như: triển khai kích cầu du lịch 2020; tăng cường truyền thông và xúc tiến quảng bá du lịch; bảo đảm an toàn điểm đến Đà Nẵng; liên kết phát triển du lịch; hỗ trợ các doanh nghiệp xây dựng và nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch; sau khi dịch bệnh được kiểm soát, Chính phủ cho phép khôi phục các đường bay, ngành sẽ khởi động xúc tiến các thị trường quốc tế đặc biệt là các thị trường quốc tế gần như ASEAN và Đông Bắc Á; duy trì, nâng cao chất lượng dịch vụ tại các khu, điểm du lịch với mục đích xây dựng Đà Nẵng là điểm đến an toàn, an toàn cho cả du khách, người dân và những người làm trong ngành du lịch. Đặc biệt, tới đây sở sẽ tổ chức các đoàn để đi kiểm tra các cơ sở dịch vụ, bảo đảm mang đến cho khách những dịch vụ tốt nhất.

Khẳng định Đà Nẵng là điểm đến an toàn

“Du lịch nội địa, nội vùng đang phát triển sau dịch, ngành du lịch thành phố cần phải nhấn mạnh rõ ràng, khẳng định điểm đến Đà Nẵng an toàn. Bên cạnh kế hoạch quảng bá cũng nên viết, kể chuyện về điểm đến trong thời điểm như hiện nay. Khi kể một câu chuyện có sức lan tỏa trên mạng xã hội, truyền thông đại chúng thì sẽ dễ thu hút khách”
Ông Lê Tấn Thanh Tùng, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Du lịch Việt Nam Vitours

THU HÀ

;
;
.
.
Liên kết hữu ích
.
.
.