Hiệu quả từ thí điểm xây dựng mô hình khu công nghiệp sinh thái

.

Qua gần 4 năm thực hiện dự án Triển khai sáng kiến khu công nghiệp (KCN) sinh thái hướng tới mô hình KCN bền vững tại Việt Nam ở KCN Hòa Khánh (quận Liên Chiểu), 29 đơn vị tham gia đã đề xuất trên 300 giải pháp sản xuất sạch hơn cho các doanh nghiệp (DN); trong đó có 228 giải pháp được áp dụng với tổng mức đầu tư gần 47 tỷ đồng, giúp các DN tiết kiệm trên 15 tỷ đồng/năm về chi phí nguyên vật liệu, chất thải rắn, tiền điện nước; tăng năng suất lao động, cải thiện môi trường...

Việc áp dụng các giải pháp đổi mới công nghệ theo hướng sản xuất xanh - sạch giúp hoạt động sản xuất, kinh doanh tại các doanh nghiệp ở Khu công nghiệp Hòa Khánh đạt hiệu quả cao và góp phần bảo vệ môi trường. TRONG ẢNH: Công nhân đang làm việc tại Công ty TNHH Kiến trúc và Thương mại Á Châu. 		          Ảnh: KHÁNH HÒA
Việc áp dụng các giải pháp đổi mới công nghệ theo hướng sản xuất xanh - sạch giúp hoạt động sản xuất, kinh doanh tại các doanh nghiệp ở Khu công nghiệp Hòa Khánh đạt hiệu quả cao và góp phần bảo vệ môi trường. TRONG ẢNH: Công nhân đang làm việc tại Công ty TNHH Kiến trúc và Thương mại Á Châu. Ảnh: KHÁNH HÒA

Tham gia dự án ngay từ những ngày đầu (tháng 1 đến tháng 8-2016), Công ty TNHH Kiến trúc và Thương mại Á Châu đã triển khai áp dụng 21 giải pháp, sáng kiến nhằm góp phần thực hiện mục tiêu sản xuất sạch hơn, tiết kiệm điện, nước, hóa chất, chất thải rắn, khí và nước thải...

Đặc biệt, công ty đã đầu tư 2 giải pháp đổi mới công nghệ với nguồn kinh phí hơn 3 tỷ đồng gồm: “Tăng năng lực xử lý cho hệ thống xử lý nước thải” và “Thiết bị ép và băng chuyền vận chuyển nguyên liệu”. Sau gần 1 năm, DN đã tiết kiệm được hơn 1 tỷ đồng chi phí về giấy, phế liệu các loại cũng như hơn 1,5 tỷ đồng chi phí tiền điện; đồng thời góp phần bảo vệ môi trường.

Là đơn vị tích cực tham gia vào dự án trong 4 năm qua, Công ty CP Hifill đã đầu tư 12 giải pháp, trong đó có giải pháp quan trọng như: đầu tư dây chuyền sản xuất lưới gân xoắn với số tiền hơn 450 triệu đồng. Tính đến nay, đơn vị tiết kiệm khoảng 800 triệu đồng/năm đối với chi phí về nguyên vật liệu (thép, giấy), giảm thời gian thu hồi vốn xuống còn 7 tháng/năm (trước đó là gần 1 năm).

Đặc biệt, tăng năng suất lao động lên 300% lần (trước khi áp dụng dây chuyền mới, cứ 3 công nhân làm được 60 sản phẩm/giờ, nay chỉ cần 1 công nhân làm được 600 sản phẩm/giờ), tiết kiệm 60 triệu đồng tiền điện/năm…

Ông Nguyễn Anh Vũ, Tổng Giám đốc Công ty CP Hifll đánh giá cao những hiệu quả mà dự án thí điểm xây dựng KCN sinh thái đã mang lại cho đơn vị trong thời gian qua. Không chỉ giúp DN mạnh dạn đổi mới công nghệ, tăng năng suất và cải thiện môi trường mà thời gian tham gia thí điểm dự án, DN nhận được những hướng dẫn nhiệt tình với những kinh nghiệm quý về áp dụng mô hình sản xuất xanh - sạch từ đội ngũ các chuyên gia trong và ngoài nước.

Các doanh nghiệp đầu tư đổi mới công nghệ, tiết kiệm chi phí, góp phần cải thiện môi trường. TRONG ẢNH: Công nhân đang làm việc tại Công ty CP  Hifll, một trong số 29 doanh nghiệp tham gia dự án tại Khu công nghiệp Hòa Khánh.Ảnh: KHÁNH HÒA
Các doanh nghiệp đầu tư đổi mới công nghệ, tiết kiệm chi phí, góp phần cải thiện môi trường. TRONG ẢNH: Công nhân đang làm việc tại Công ty CP Hifll, một trong số 29 doanh nghiệp tham gia dự án tại Khu công nghiệp Hòa Khánh. Ảnh: KHÁNH HÒA

Đây là 2 trong số 29 DN được “hưởng lợi” từ việc tham gia vào dự án thí điểm xây dựng KCN sinh thái tại KCN Hòa Khánh. Hầu hết các DN khi tham gia đều mạnh dạn đầu tư, đổi mới công nghệ, từng bước thực hiện mục tiêu sản xuất xanh - sạch hơn trong quá trình sản xuất, kinh doanh, qua đó góp phần tiết kiệm chi phí cũng như cải thiện tốt hơn môi trường sống tại KCN Hòa Khánh.

Theo báo cáo của Ban Quản lý khu công nghệ cao và các KCN Đà Nẵng, qua gần 4 năm, các hoạt động của dự án thí điểm nhằm chuyển đổi KCN Hòa Khánh sang mô hình KCN sinh thái được UBND thành phố đặc biệt quan tâm và phù hợp với chủ trương phát triển thành phố môi trường.

Việc triển khai dự án này đã hỗ trợ đánh giá hiệu quả tài nguyên và sản xuất sạch hơn (RECP) tại 29 DN hoạt động tại KCN Hòa Khánh. Các chuyên gia của dự án đã đề xuất trên 300 giải pháp sản xuất sạch hơn cho các DN; trong đó 228 giải pháp đã được thực hiện với tổng mức đầu tư gần 47 tỷ đồng; giúp cắt giảm mỗi năm trên 2.628.774kWh điện, 51.531m3 nước thải, 2.180 tấn than, trên 5.000 tấn CO2 và 2.793 tấn chất thải rắn; tiết kiệm trên 15 tỷ đồng chi phí/năm.

Dự án đã góp phần cung cấp các kiến thức về đánh giá hiệu quả tài nguyên và sản xuất sạch hơn cho các DN tại KCN Hòa Khánh; tăng nhận thức trong việc thực hiện các giải pháp sản xuất sạch, bảo vệ môi trường; qua đó nâng cao lợi nhuận, hiệu quả đầu tư. Kết quả rà soát của đơn vị đánh giá độc lập cũng cho thấy tại DN đăng ký tham gia dự án, cán bộ, công nhân kỹ thuật nắm vững phương pháp đánh giá RECP.

Tuy nhiên, tính đến thời điểm này, khi dự án cơ bản hoàn thành giai đoạn đầu cũng có những hạn chế. Đó là việc tiếp cận vốn vay để DN đầu tư chuyển đổi công nghệ xanh, thân thiện với môi trường còn khó khăn, đòi hỏi nhiều thủ tục, thời gian.

Đến nay, chưa có DN nào chính thức nhận được hỗ trợ tài chính từ các quỹ đã cam kết hỗ trợ dự án. Việc áp dụng các giải pháp sản xuất sạch hơn đều do DN tự bỏ vốn đầu tư. Hầu hết DN vừa và nhỏ tại KCN không có cán bộ chuyên trách môi trường, vẫn thiếu năng lực kiểm toán năng lượng và chất thải.

Do đó, việc thực hiện và duy trì các giải pháp sản xuất sạch hơn do các chuyên gia đề xuất gặp nhiều khó khăn; đồng thời tạo ra thách thức đối với việc giám sát tổng nguồn năng lượng, tài nguyên tiêu hao và chất thải phát sinh đối với toàn KCN.

Theo ông Phạm Trường Sơn, Trưởng ban Quản lý khu công nghệ cao và các KCN thành phố, việc triển khai xây dựng mô hình KCN sinh thái là một ý tưởng tốt, góp phần hạn chế tác động của các KCN đến môi trường. Song, việc chuyển đổi đòi hỏi nhiều thời gian, sự vào cuộc quyết liệt từ cấp Trung ương đến địa phương để nhân rộng mô hình KCN sinh thái trên cả nước.

Để nâng cao hiệu quả triển khai dự án trong giai đoạn tiếp theo cần xây dựng mạng lưới chuyên gia tại các cơ quan quản lý Nhà nước nhằm quy hoạch, quản lý KCN sinh thái, có năng lực hỗ trợ DN lâu dài trong việc thực hiện và duy trì các giải pháp sản xuất sạch hơn.

Trong quá trình thu hút nhà đầu tư, thành phố cần lưu ý tới việc bảo đảm quy hoạch phân khu, bố trí các DN theo hướng kích thích tuần hoàn năng lượng và chất thải để giảm tác động đến môi trường xung quanh; đẩy mạnh thu hút và phổ biến một số nguồn vốn ưu đãi hỗ trợ DN đổi mới dây chuyền sản xuất theo hướng thân thiện với môi trường.

Các DN đã tham gia vào dự án tại KCN Hòa Khánh cũng cho rằng, nên triển khai tiếp các hoạt động của dự án xây dựng KCN sinh thái vì nó thực sự mang lại hiệu quả lâu dài, nhất là giúp DN tiếp cận được đội ngũ chuyên gia, nhà tư vấn chất lượng để hỗ trợ trong việc hoạch định chiến lược phát triển về lâu dài. Bên cạnh đó, góp phần cải thiện hiệu quả vấn đề ô nhiễm môi trường, vốn là bài toán nan giải tại các KCN lâu nay.

KHÁNH HÒA

;
;
.
.
.
.
.
Liên kết hữu ích