Hơn 200ha lúa bị chuột, sâu bệnh gây hại

.

ĐNO - Sáng 9-8, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết), có đến hơn 200ha lúa đang bị chuột, sâu bệnh gây hại nhẹ và trung bình nên cần sự chăm sóc; đồng thời diệt trừ các loại sâu bệnh hại trong thời gian giãn cách xã hội để bảo đảm được mùa lúa trong vụ hè thu này.

Cần thăm đồng thường xuyên để kịp thời chăm sóc, diệt trừ chuột, sâu bệnh hại lúa, bảo đảm sản xuất được mùa lúa vụ hè thu này. Trong ảnh: Một nông dân ra đồng trong thời gian giãn cách xã hội để theo dõi sâu bệnh hại lúa. Ảnh: HOÀNG HIỆP
Cần diệt trừ chuột, sâu bệnh hại lúa để bảo đảm sản xuất được mùa lúa vụ hè thu này. Trong ảnh: Một nông dân ra đồng trong thời gian giãn cách xã hội để theo dõi sâu bệnh hại lúa. Ảnh: HOÀNG HIỆP

Theo đó, trong vụ hè thu năm nay, nông dân toàn thành phố gieo sạ 2.243ha lúa, trong đó, nông dân huyện Hòa Vang gieo sạ 2.108ha, quận Ngũ Hành Sơn 102ha; Cẩm Lệ 31ha... Hiện đã có hơn 1.300ha lúa vụ hè thu đã trổ bông.

Tuy nhiên, chuột đã gây hại rải rác trên các trà lúa, cục bộ gây hại mạnh trên lúa với diện tích đến 39,5ha. Bọ xít dài gây hại rải rác trên lúa trà sớm và chính vụ, cục bộ gây hại một số diện tích ở xã Hòa Phong (huyện Hòa Vang) với 55ha lúa nhiễm nhiễm nhẹ với mật độ từ 3-6 con/m2 và 5ha nhiễm trung bình với mật độ từ 6-12 con/m2. Bệnh khô vằn gây hại rải rác trên các trà lúa, cục bộ có 103ha bị phá hại nhẹ và trung bình.

Ngoài ra, rầy nâu và rầy lưng trắng phát sinh gây hại trên một số diện tích lúa với mật độ phổ biến từ 34-200 con/m2, cục bộ một số diện tích mật độ cao 500-650 con/m2; bệnh đen lép hạt gây hại rải rác trên lúa trà sớm và chính vụ với tỷ lệ từ 1-4%; sâu đục thân, sâu cuốn lá nhỏ, bệnh đốm nâu… gây hại rải rác với tỉ lệ thấp.

Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật dự báo, trong thời gian đến, chuột, sâu cuốn lá nhỏ, sâu đục thân, rầy nâu, rầy lưng trắng, bọ xít dài, bệnh khô vằn, bệnh đốm nâu, bệnh đen lép hạt... gây hại trên các trà lúa và có khả năng phát sinh gây hại mạnh trong điều kiện thời tiết phức tạp như hiện nay.

Do đó, đơn vị đã chỉ đạo các cán bộ kỹ thuật tăng cường công tác điều tra sinh vật hại trên các loại cây trồng vụ hè thu; theo dõi côn trùng vào đèn để dự tính dự báo tình hình sinh vật hại cây trồng và hướng dẫn các biện pháp phòng trừ kịp thời. Cạnh đó, phối hợp với các địa phương hướng dẫn nông dân phòng trừ các đối tượng sinh vật gây hại cây trồng, nhất là chuột, rầy nâu, rầy lưng trắng, bệnh khô vằn, bọ xít dài, bệnh đen lép hạt gây hại trên cây lúa.

Đơn vị cũng đề nghị các địa phương hướng dẫn nông dân khoanh vùng xử lý các diện tích lúa bị sinh vật, sâu bệnh gây hại, không để lây lan ra diện rộng. Ngoài ra, hướng dẫn nông dân phun thuốc phòng trừ bệnh đen lép hạt trước và sau khi trổ để hạn chế ảnh hưởng do điều kiện thời tiết bất lợi; vận động và hướng dẫn nông dân sản xuất lúa, rau theo hướng hữu cơ, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật và phân bón an toàn, khuyến khích sử dụng phân bón hữu cơ, thuốc sinh học và thảo mộc để phòng trừ sinh vật gây hại...

HOÀNG HIỆP

 

;
;
.
.
.
.
.