Du lịch

Cực như... đi famtrip

10:18, 14/06/2010 (GMT+7)

Đã đi famtrip, ai cũng xác định là chịu cực. Bởi đây là loại hình du lịch dành riêng cho các hãng lữ hành đi khảo sát dịch vụ và tour tuyến mới, còn các hãng thông tấn viết bài quảng bá điểm đến, những người tham gia đều phải đi gấp rưỡi khách du lịch thuần túy. Sau mỗi chuyến đi, nhiều thành viên trong đoàn thừa nhận phải nghỉ dưỡng mấy ngày mới lấy lại sức.

Điệp khúc “5 phút”

Niềm vui được giao lưu, gặp gỡ xua tan mệt nhọc của các thành viên đoàn famtrip.

Mục đích của các chuyến fam là khảo sát càng nhiều tuyến điểm càng tốt, nên lịch thường dày đặc từ lúc mới khởi hành đến khi kết thúc. Trong một chuyến đi khảo sát vùng Đông Bắc và Bắc Thái Lan, do quãng đường đi quá dài, điểm này cách điểm kia từ 200-700km, hầu hết thời gian chúng tôi đều ngồi trên xe. Sợ “cháy” chương trình, dừng ở điểm nào, hướng dẫn viên cũng hò hét: “Anh chị có 3 phút (hoặc 5 phút)”.

Dù khá mệt vì trời nắng nóng, mồ hôi nhễ nhại, chúng tôi vẫn phải chạy thục mạng để tranh thủ chụp hình và trở lại xe. Đối với các hãng lữ hành, chỉ cần chụp hình, ghi thông tin nền và đưa lên mạng chào bán tour là xong, nhưng cánh phóng viên lại không tài nào viết được bài hay với khoảng thời gian cực ngắn và vài lời thuyết minh của hướng dẫn viên. Chúng tôi đành chia tay những điểm đến rất giá trị như Cố đô Sukhothai và những tàn tích của Vương quốc cổ Lanna trong niềm tiếc nuối ngậm ngùi.

Tình hình diễn ra tương tự ở nhiều chuyến fam khác. Chúng tôi luôn đi trong áp lực về thời gian và điệp khúc “5 phút”, chưa kể các trục trặc nhớ đời khác. Cũng trong chuyến fam trên, vì đây là tuyến đường bộ đầu tiên từ Việt Nam qua Savannakhet (Lào) để đến các tỉnh miền Bắc Thái Lan, các dịch vụ đều chưa đi vào nền nếp. Trong 7 ngày, chúng tôi gặp phải vô số trục trặc với hai chiếc xe 2 tầng của Thái. Một lần, tất cả đàn ông trong đoàn phải xuống... đẩy xe. Lần khác, một xe bị hư ngay trên đường đèo, hơn nửa số người từ xe này dồn hết qua xe kia. Kết cục là cả hai xe đều hư, tài xế phải cố đưa xe vào một trạm dừng nghỉ để sửa chữa.

Ăn trễ là “đặc sản”

Đẩy xe trên đường famtrip. 

Gần 12 giờ khuya. Dừng trên đèo giữa đêm sương núi xuống lạnh ngắt, nhiều phụ nữ phải quấn mền vào siêu thị mini mua mì gói pha sẵn ăn cho ấm bụng và đỡ đói. Nhưng chúng tôi cực một, thì đoàn điều hành của công ty đứng ra tổ chức chuyến đi cực tới mười. Chạy đôn chạy đáo, a lô liên tục để “xin quyền trợ giúp”, tới lui coi xe sửa tới đâu, rồi còn phải hỏi han sức khỏe và tìm kiếm sự thông cảm của khách. Cũng như chúng tôi, họ không thể ngờ trục trặc lại ngoài sức tưởng tượng như vậy. Lần đó, gần 4 giờ sáng chúng tôi mới về tới khách sạn, và 8 giờ đã phải tiếp tục lên đường.

Trong chuyến fam khác, gần 8 giờ tối, chúng tôi mới từ độ cao trên nghìn mét xuống tới chân núi Yên Tử (Quảng Ninh) giữa làn sương dày đặc khiến người này không thấy mặt người kia. Đường núi ít đèn, lại trơn tuột, vài anh thanh niên bật đèn pin điện thoại và đỡ đám phụ nữ từng bước nối nhau đi. Lẽ ra, nếu lên núi sớm hơn, chúng tôi có thể xuống lúc 6 giờ chiều. Nhưng chương trình quá dày, khi đoàn đến nơi đã gần 3 giờ chiều.

Nhiều anh em hay đi fam thường đùa với nhau: “Đặc sản của fam là... ăn cơm trễ”. Chúng tôi phải đi nhiều gấp rưỡi khách du lịch thuần túy, kéo theo việc ăn uống bị lệch pha so với lịch khoảng 2-3 tiếng là bình thường. Những người đi fam kinh nghiệm đều gói theo chút bánh, snack, đậu phụng... để chống đói cho mình và cả xe.

Nhưng dù cực, mỗi khi nhận được giấy mời tham gia famtrip, rất hiếm hãng lữ hành hay báo chí từ chối, bởi chúng tôi hy vọng sẽ gặp lại những người quen trong các chuyến đi trước, khám phá những vùng đất mới, “thấm” cái cực cũng như niềm vui được giao lưu, sẻ chia, gặp gỡ...

Bài và ảnh: Hằng Vang

.