Quốc tế

Mỹ duy trì các chuyến bay trên Biển Đông

08:24, 09/03/2016 (GMT+7)

Mỹ sẽ tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ bay thường nhật trên bầu trời Biển Đông, đồng thời kêu gọi các nước khác sử dụng quyền tự do đi lại trên vùng trời và vùng biển quốc tế mà Trung Quốc tuyên bố chủ quyền một cách vô lý.

Ảnh vệ tinh cho thấy hoạt động bồi đắp trái phép của Trung Quốc tại đảo Bắc thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. 				 Ảnh: The Diplomat
Ảnh vệ tinh cho thấy hoạt động bồi đắp trái phép của Trung Quốc tại đảo Bắc thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Ảnh: The Diplomat

Ngày 8-3, Tư lệnh lực lượng Không quân Mỹ ở Thái Bình Dương, tướng Lori Robinson, tuyên bố lực lượng ​không quân nước ông sẽ tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ bay thường nhật trên bầu trời Biển Đông, bất chấp việc Trung Quốc bố trí hệ thống tên lửa đất đối không và các máy bay tiêm kích tại khu vực tranh chấp này.

Bên cạnh đó, Tướng Robinson cũng kêu gọi các nước khác sử dụng quyền tự do đi lại trên vùng trời và vùng biển quốc tế mà Trung Quốc tuyên bố chủ quyền trên Biển Đông, bởi “nếu không sẽ có nguy cơ làm mất đi quyền này ở khắp khu vực”.

Song, tướng Robinson từ chối thông báo với các phóng viên ở thủ đô Canberra (Úc), nơi bà dự kiến tham dự hội nghị Không lực của Không quân Hoàng gia Úc, về cách thức Mỹ sẽ đáp trả nếu máy bay nước này bị Trung Quốc bắn hạ. Bà cũng cho biết, quân đội của Mỹ và Trung Quốc đang thảo luận để tránh những “tính toán sai lầm” có thể dẫn đến xung đột trên Biển Đông.

Trước đó, ngày 7-3, phát biểu trên tàu USS Blue Ridge đang ở Philippines, Tư lệnh Hạm đội 7 của Hải quân Mỹ - Phó đô đốc Joseph Aucoin cho rằng, Trung Quốc nên nói rõ ý đồ của các công trình xây đắp đảo nhân tạo và việc triển khai tên lửa trái phép tại các vùng có tranh chấp ở Biển Đông để giúp tình hình ổn định hơn.

Phó đô đốc Aucoin đã kêu gọi Bắc Kinh chấm dứt các hoạt động làm tăng thêm những quan ngại trong khu vực, khiến leo thang căng thẳng và cần phải minh bạch hơn những mục tiêu đề ra. Ông Aucoin nhấn mạnh tất cả các nước có tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông cần cùng nỗ lực nhằm thay đổi nguyên trạng các khu vực có tranh chấp.

Ngoài ra, vị Phó đô đốc cũng cho biết thêm, từ nay đến cuối năm 2016, Hải quân Mỹ sẽ mở cuộc đối thoại với phía Trung Quốc nhằm giải tỏa căng thẳng trong khi các tàu chiến Mỹ vẫn sẽ thực hiện các cuộc tuần tra vì tự do hàng hải, an ninh và ổn định khu vực.

Nhóm tàu tác chiến thuộc tàu sân bay Mỹ John C. Stennis đang thực hiện tuần tra ở Biển Đông từ hôm 1-3 được cho là đã bị tàu Trung Quốc bám sát, dù mới chỉ hoạt động ở khu vực phía Đông của Biển Đông.

Tiểu hạm đội tác chiến này bao gồm: tàu sân bay Stennis, các khu trục hạm có trang bị tên lửa dẫn đường Chung-Hoon, Stockdale, tuần dương hạm có tên lửa dẫn đường Mobile Bay và tàu tiếp liệu Rainier.

Chỉ huy nhóm tàu tác chiến, Phó Đô đốc Ron Boxall tuyên bố rằng, đơn vị của ông chỉ thực thi quyền hoạt động trong vùng hải phận quốc tế. Theo đó, sự hiện diện của Hải quân Mỹ trong khu vực “phát huy hòa bình và ổn định trong khu vực” vì lợi ích của Mỹ, cũng là để bảo đảm tự do cho các tuyến hàng hải.

Theo dự kiến, nhóm tác chiến của tàu sân bay John C. Stennis sẽ tiến ngược lên Đông Bắc Á, ghé cảng Pusan của Hàn Quốc vào ngày 13-3 để tham gia cuộc tập trận quân sự quy mô lớn giữa Mỹ và Hàn. Trong khi chờ đợi, tiểu hạm đội này thực hiện công việc tuần tra bình thường ở Biển Đông.

Trong những tháng gần đây, Trung Quốc bị chỉ trích nặng nề do các hoạt động bồi đắp đảo nhân tạo trên Biển Đông. Mỹ cáo buộc Trung Quốc quân sự hóa Biển Đông khi đưa các tên lửa tiên tiến, máy bay chiến đấu và thiết bị radar đến khu vực này.

Song, ngày 8-3, tại một cuộc họp báo bên lề kỳ họp Quốc hội ở thủ đô Bắc Kinh, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị ngang ngược tuyên bố, việc nước ông kiểm soát Biển Đông là hợp lý. Ông Vương Nghị cho rằng, “tự do hàng hải không đồng nghĩa với tự do chạy lung tung”, ám chỉ việc Mỹ đưa đội tàu hải quân “khủng” đi qua các rặng san hô mà Trung Quốc bồi đắp trái phép.

“Thực tế, dựa trên những nỗ lực chung của Trung Quốc và các quốc gia khu vực, Biển Đông là một trong những tuyến đường biển tự do và an toàn nhất thế giới”, ông Vương Nghị nói. Thậm chí, Ngoại trưởng Trung Quốc còn trắng trợn tuyên bố: “Trung Quốc là bên đầu tiên phát hiện, đặt tên, phát triển và quản lý các đảo ở Biển Đông” (!?).

Trong khi đó, theo tờ The Diplomat ngày 7-3, hình ảnh vệ tinh chụp ngày 2-3 cho thấy Trung Quốc đang nạo vét, bồi đắp trái phép đảo Bắc (thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam), cách đảo Phú Lâm khoảng 12km về phía bắc. The Diplomat cho rằng, hiện chưa thể xác định mục đích của Trung Quốc trong hoạt động bồi đắp mới.

PHÚC NGUYÊN tổng hợp

.