Quốc tế

Điểm nhấn trong gói chi tiêu khổng lồ của Mỹ

09:13, 31/12/2022 (GMT+7)

Tổng thống Mỹ Joe Biden ký dự luật chi tiêu liên bang trị giá khoảng 1.700 tỷ USD để tài trợ các kế hoạch ưu tiên năm 2023 và ngăn chặn Chính phủ đóng cửa, đồng thời khép lại một năm tiến bộ lịch sử của lưỡng đảng.

Ngày 29-12 (giờ địa phương), Tổng thống Mỹ Joe Biden ký dự luật chi tiêu trị giá 1.700 tỷ USD cho các mục tiêu ưu tiên trong năm 2023. Ảnh: Bloomberg
Ngày 29-12 (giờ địa phương), Tổng thống Mỹ Joe Biden ký dự luật chi tiêu trị giá 1.700 tỷ USD cho các mục tiêu ưu tiên trong năm 2023. Ảnh: Bloomberg

Dự luật trên không chỉ giúp Chính phủ liên bang hoạt động đến hết tháng 9-2023, thời điểm kết thúc năm tài khóa, mà còn cung cấp hàng chục tỷ USD viện trợ bổ sung cho Ukraine trong bối cảnh xung đột tiếp diễn.

Thành tựu lập pháp nổi bật

Dự luật được Quốc hội “bật đèn xanh” hồi tuần trước sau một loạt thương thảo cam go, bất chấp sự phản đối của một số nghị sĩ đảng Cộng hòa. Việc thông qua là bằng chứng cho thấy đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa có thể gạt bất đồng sang một bên để tìm tiếng nói chung. Nếu dự luật không được ông Biden ký duyệt muộn nhất vào ngày 31-12, Chính phủ sẽ phải đóng cửa trong khi chờ được phân bổ ngân sách. “Hôm nay, tôi đã ký dự luật kết thúc một năm tiến bộ lịch sử của lưỡng đảng đối với người dân Mỹ”, Tổng thống Biden tuyên bố ngày 29-12 (giờ địa phương).

Theo CNN, trong khoản chi tiêu trị giá 1.700 tỷ USD, Chính phủ sẽ chi 858 tỷ USD cho chi tiêu quốc phòng, tăng 9,7% so với năm trước; 772,5 tỷ USD cho các chương trình trong nước và phi quốc phòng. Dự luật cũng bao gồm khoản chi 40 tỷ USD cứu trợ thiên tai cho các cộng đồng đang phục hồi sau bão, cháy rừng, hạn hán và các thảm họa thiên nhiên khác, các cải cách đối với đạo luật đếm phiếu bầu đại cử tri và các vấn đề trọng tâm khác. Chính phủ cũng sẽ “rót” đầu tư vào nghiên cứu y tế, an toàn, chăm sóc sức khỏe cho cựu binh và gây quỹ cho các chương trình chống lại bạo lực nhằm vào phụ nữ.

Dự luật trên được xem là cơ hội cuối năm để ông Biden và các đảng viên đảng Dân chủ ghi dấu ấn trước khi đảng Cộng hòa tiếp quản Hạ viện vào tuần tới. Đây còn được xem là một trong những thành tựu lập pháp lưỡng đảng của chính quyền Tổng thống Biden trong 2 năm đầu nhiệm kỳ. Trước đó, Chính phủ cũng đề xuất và được quốc hội thông qua đạo luật đầu tư hạ tầng cơ sở và việc làm trị giá 1.000 tỷ USD, đạo luật ứng phó với bạo lực súng đạn, và đạo luật về chip và khoa học trị giá 280 tỷ USD nhằm tăng cường khả năng cạnh tranh công nghệ với Trung Quốc.

Tuy nhiên, dự luật dài hơn 4.000 trang đã bỏ qua một số nội dung theo mong muốn của một số nhà lập pháp, trong đó có khoản giảm thuế cá nhân và doanh nghiệp khác, cơ chế giúp những người Afghanistan tị nạn ở Mỹ có thường trú hợp pháp và khoản tài trợ bổ sung khoảng 10 tỷ USD để ứng phó với Covid-19.

Quà năm mới cho Ukraine, thông điệp gửi đến Trung Quốc

Điểm đáng chú ý của dự luật này chính là gói viện trợ bổ sung khoảng 45 tỷ USD để cho Ukraine và các đồng minh trong NATO, cao hơn 20% mức đề nghị ban đầu của Tổng thống Biden. Món quà năm mới này được xem là lời đáp lại thuận tình của ông chủ Nhà Trắng ngay sau lời kêu gọi khẩn thiết của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky trước Quốc hội Mỹ gần đây khi cho rằng các khoản viện trợ mà Washington dành cho Kiev là nguồn đầu tư cho an ninh và dân chủ toàn cầu, chứ không phải từ thiện, qua đó giúp bảo đảm tương lai cho nền tự do chung.

Theo The Hill, đây cũng sẽ là gói viện trợ thứ 4 dành cho Ukraine, qua đó nâng tổng trị giá hỗ trợ quân sự, nhân đạo và kinh tế của Washington dành cho nước châu Âu này vượt 110 tỷ USD năm nay. Việc Tổng thống Biden ký ban hành luật cũng được xem là nước cờ đi trước trong bối cảnh lãnh đạo đảng Cộng hòa tại Hạ viện Kevin McCarthy, người có khả năng trở thành Chủ tịch Hạ viện, thay bà Nancy Pelosi, tuyên bố sẽ giám sát chặt chẽ hơn sự ủng hộ của chính quyền Biden đối với Ukraine.

Bên cạnh thiện chí đối với Ukraine, luật mới cũng bao gồm cấm sử dụng ứng dụng chia sẻ video ngắn TikTok của công ty Byte Dance (có trụ sở tại Trung Quốc) trên mọi thiết bị thuộc cơ quan công quyền liên bang. Giám đốc Hành chính Hạ viện Mỹ (CAO), bà Catherine Szpindor, nhấn mạnh ứng dụng này bị coi là có mức độ rủi ro cao do một số vấn đề bảo mật. Trước đó, hàng chục tiểu bang đã cấm một phần hoặc hoàn toàn ứng dụng này trên những thiết bị thuộc quyền quản lý của nhà nước, vì lo ngại dữ liệu người dùng do TikTok thu thập có thể bị lạm dụng.

TikTok đang phải đối mặt với những lo ngại ngày càng tăng về vấn đề an ninh quốc gia tại Mỹ. Các quan chức Nhà Trắng bày tỏ lo ngại về khả năng Chính phủ Trung Quốc có thể buộc công ty quản lý ứng dụng này chia sẻ dữ liệu mà họ thu thập của hơn 100 triệu người dùng TikTok tại Mỹ. Thậm chí, một số thành viên của Quốc hội Mỹ còn đề xuất cấm ứng dụng TikTok trên phạm vi toàn quốc, tương tự quy định tại một số quốc gia khác như Ấn Độ. Lệnh cấm mới nhất cho thấy Tổng thống Biden dường như đang có động thái “nối gót” người tiền nhiệm Donald Trump trong duy trì lập trường cứng rắn với Trung Quốc .

THƯ LÊ

.