Quốc tế

Lý do Hy Lạp bất bình với việc Thổ Nhĩ Kỳ bán máy bay không người lái Bayraktar cho Albania

14:54, 30/12/2022 (GMT+7)

Albania đã ký thoả thuận mua máy bay không người lái (UAV) Bayraktar của Thổ Nhĩ Kỳ. Đây là loại UAV đã được sử dụng trong cuộc xung đột ở Ukraine.

Ngoại trưởng Hy Lạp Nikos Dendias (trái) và người đồng cấp Albania Olta Xhaçka. Ảnh: greekreporter.com
Ngoại trưởng Hy Lạp Nikos Dendias (trái) và người đồng cấp Albania Olta Xhaçka. Ảnh: greekreporter.com

Các quan chức chính phủ Hy Lạp đang cảnh giác trước nguy cơ leo thang căng thẳng với Thổ Nhĩ Kỳ trước thềm các cuộc bầu cử quan trọng ở cả hai nước, cũng như ở Síp, đặc biệt liên quan đến yêu cầu của Ankara về phi quân sự hóa các đảo Aegean cũng như thăm dò khí đốt tự nhiên ở Địa Trung Hải.

Theo mạng tin Euractiv.gr (Hy Lạp), Ngoại trưởng Hy Lạp Nikos Dendias mới đây đã bày tỏ sự bất bình sau khi nước láng giềng của họ là Thổ Nhĩ Kỳ và Albania "nối lại quan hệ" với thỏa thuận mua máy bay không người lái Bayraktar.

Phát biểu trong một cuộc họp báo ở Tirana cùng với người đồng cấp Albania Olta Xhaçka, ông Dendias đã cảnh báo Albania về chủ nghĩa xét lại của Thổ Nhĩ Kỳ ở Tây Balkan, cho rằng “mục đích của họ (Ankara) không chỉ là hợp tác, mà còn tạo ra các vùng ảnh hưởng, thậm chí không phù hợp với các thỏa thuận của EU, không phù hợp với quan điểm của châu Âu cũng như các giá trị châu Âu”.

Trước đó, Thủ tướng Albania Edi Rama đã ca ngợi Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdoğan vì đã giúp ký thỏa thuận với một công ty nước này để mua ba máy bay không người lái Bayraktar, vốn được sử dụng trong cuộc xung đột ở Ukraine.

Giám đốc điều hành của công ty máy bay không người lái Thổ Nhĩ Kỳ cho biết: “Chúng tôi đã ký hợp đồng xuất khẩu với Albania, quốc gia mà chúng tôi đã hợp tác hàng thế kỷ và có mối quan hệ lịch sử, văn hóa và nhân đạo sâu sắc".

Trong chuyến thăm của Bộ trưởng Ngoại giao Hy Lạp Nikos Dendias tới Tirana, hai bên cũng tập trung thảo luận về việc phân định vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa giữa hai quốc gia. Ông Dendias lưu ý rằng cuộc đối thoại giữa Athens và Tirana phải tăng tốc “để đạt được một thỏa hiệp cho phép đệ trình thỏa thuận đặc biệt về vấn đề này lên Tòa án Công lý Quốc tế ở Hague”.

Theo Báo Tin tức

.