Quốc tế
Cùng vun đắp niềm tin và hy vọng trong năm mới
Trong video thông điệp đầu năm 2024 vào ngày 28-12, Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc António Guterres gửi gắm hy vọng, cũng như thúc giục mọi người hãy đồng lòng để năm 2024 trở thành năm của tái thiết niềm tin và hy vọng.
Mọi người tụ tập rất đông ở khu trung tâm thủ đô Lisbon (Bồ Đào Nha) trước thềm chào đón năm mới 2024. Ảnh: AP |
“Năm 2023 là một năm có quá nhiều nỗi thống khổ, bạo lực và bất ổn khí hậu. Nhân loại bị tổn thương. Hành tinh của chúng ta bị đe dọa. Năm 2023 là năm nóng nhất từng được ghi nhận. Mọi người bị đày đọa bởi tình trạng nghèo đói gia tăng. Các cuộc chiến đang tăng lên cả về số lượng lẫn cấp độ thảm khốc. Và niềm tin còn lại rất ít”. Đó là những lời mở đầu trong thông điệp nhân dịp đầu năm mới 2024 của Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc António Guterres.
Một năm thách thức trước mắt
Mỗi câu, mỗi chữ trong thông điệp của ông Guterres đều gợi nên nỗi buồn về những chuyện tới giờ vẫn chưa phải là quá khứ. Thực tế, thời tiết vẫn đang thất thường khó đoán, tiếng súng vẫn chưa yên ở nhiều nơi và thậm chí còn có nguy cơ bùng thêm lên các vùng chiến sự mới, và kinh tế thế giới vẫn đứng trước bao nỗi lo của lạm phát, suy thoái trước thềm năm mới theo góc nhìn của nhiều chuyên gia.
Nhấn mạnh một lần nữa rằng “nhân loại sẽ mạnh mẽ nhất khi chúng ta sát cánh bên nhau”, ông Guterres kêu gọi mọi người toàn cầu hãy cùng nhau hành động để “năm 2024 phải là năm của xây dựng lại niềm tin và phục hồi hy vọng”, cùng nhau tìm ra những giải pháp chung. Đó sẽ là những giải pháp cho hành động khí hậu, cho cơ hội kinh tế và hệ thống tài chính toàn cầu công bằng hơn giúp phân phối tới tất cả mọi người. “Cùng nhau, chúng ta hãy chống lại sự kỳ thị và thù hận vốn đang đầu độc các mối quan hệ giữa các quốc gia và các cộng đồng”, ông kêu gọi. Đây dường như là những mong mỏi có lẽ quan trọng nhất mà ông muốn gửi gắm.
Người đứng đầu Liên Hợp Quốc cũng không quên nhắc tới trách nhiệm của tất cả bên liên quan trong việc làm thế nào để các công nghệ mới như trí tuệ nhân tạo (AI) phải trở thành sức mạnh phục vụ những điều tốt đẹp. Ông Guterres tái khẳng định cam kết vững chắc của Liên Hợp Quốc về vận động toàn thể nhân loại cùng đoàn kết hướng về hòa bình, phát triển bền vững và bảo vệ các quyền của con người. Trong năm qua, ông Guterres được ca ngợi vì đã mang lại những cải cách lớn tại Liên Hợp Quốc, cũng như kiên định trong các thông điệp kêu gọi Israel dừng hoạt động quân sự tại Gaza. “Khi xung đột gia tăng và nỗi kinh hoàng ngày càng lớn, chúng tôi sẽ không từ bỏ”, ông nhấn mạnh.
Đáng chú ý, từ ngày 1-1-2024, thế giới đã có hơn 8 tỷ người, qua đó tạo những khả năng và sức mạnh vô hạn để hành động, phát triển và thay đổi tích cực trong năm mới. Theo số liệu công bố ngày 28-12 của Cục thống kê dân số Mỹ, dân số thế giới đã tăng thêm 75 triệu người vào năm 2023 và vào ngày đầu tiên của năm 2024, tổng số cư dân trên trái đất này đã vượt qua mốc 8 tỷ. Như vậy, tỷ lệ tăng trưởng dân số toàn cầu trong năm qua ở dưới mức 1%. Vào đầu năm 2024, cứ mỗi giây, thế giới dự kiến có 4,3 người sinh ra và 2 người qua đời. Với cột mốc dân số mới, loài người đang nắm giữ chìa khóa giải phóng những tiềm năng không giới hạn của mỗi một cá nhân trên toàn thế giới để cùng giải quyết các thách thức và những vấn đề toàn cầu đang cản trở nhân loại.
Những điểm sáng trong năm qua
Năm 2023 rõ ràng là một năm nhọc nhằn đối với gần như toàn thế giới song không phải là không có điểm sáng khích lệ, tạo động lực cho năm tới. Năm 2023 là một năm chứng kiến những tiến bộ nổi bật trong công cuộc phát triển vắc-xin và thuốc điều trị các bệnh nguy hiểm phổ biến như sốt rét, căn bệnh vẫn tiếp tục khiến khoảng nửa triệu người chết mỗi năm ở châu Phi hiện nay; bệnh lao (đã cướp đi sinh mạng của 1,3 triệu người trong năm 2022), và bệnh nhiễm virus hợp bào hô hấp (hay RSV khiến hơn 100.000 trẻ em trên thế giới thiệt mạng vào năm 2019). Tháng 10-2023, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khuyến nghị loại vắc-xin sốt rét R21 mới được nâng cấp với hiệu quả phòng bệnh có thể lên tới 75% nếu được duy trì với các mũi tăng cường. Trong mặt trận phòng chống lao, năm qua cũng ghi nhận bước tiến mới với vắc-xin M72 đang ở giai đoạn thử nghiệm lâm sàng cuối cùng.
Một câu chuyện khác đáng chú ý của năm 2023 là việc nhiều chính phủ trên thế giới đang tích cực đầu tư hơn cho một tương lai xanh và bền vững. Xu thế hướng tới các nguồn thực phẩm thay thế thịt động vật để giảm bớt phát thải khí nhà kính cũng đang ngày một phổ biến. Các trang trại vật nuôi lấy thịt chiếm khoảng từ 15-20% tổng lượng phát thải khí nhà kính toàn cầu. Theo tính toán của Vox, kể từ năm 2020, các chính phủ đã đầu tư khoảng 1.200 tỷ USD để mở rộng quy mô nguồn cung năng lượng sạch và đầu tư cho giải pháp thực phẩm có nguồn gốc thực vật.
Chẳng hạn, Chính phủ Đan Mạch đầu tư gần 100 triệu USD giúp nông dân tạo thực phẩm từ thực vật và hỗ trợ các công ty phát triển sản phẩm thay thế thịt và sữa. Hàn Quốc cũng công bố kế hoạch tương tự trong năm nay, trong khi các nhà hoạch định chính sách ở Đức dành 38 triệu euro để xây dựng ngành công nghiệp dựa trên thực vật và giúp các nông dân chăn nuôi động vật chuyển đổi sang mô hình mới này.
Việc Cơ quan quản lý thuốc và thực phẩm Mỹ (FDA) lần đầu tiên phê chuẩn liệu pháp Casgevy dùng công nghệ chỉnh sửa gene CRISPR để điều trị bệnh hồng cầu hình liềm (SCD) cho bệnh nhân từ 12 tuổi trở lên cũng là tin tốt lành rất được quan tâm trong năm nay. Căn bệnh này ảnh hưởng tới hàng triệu người trên thế giới và trước khi có liệu pháp chỉnh sửa gene, chỉ có duy nhất cách trị liệu là ghép tủy từ người hiến phù hợp. Dù vẫn còn rất đắt đỏ, tốn thời gian và chưa sớm được phổ biến tới nhiều người, song việc liệu pháp Casgevy được phê chuẩn vẫn mang lại niềm hy vọng lớn với tất cả những ai không may mắc phải căn bệnh này.
TRẦN ĐẮC LUÂN
Nâng tầm giá trị của Tết Nguyên đán Đây là sự công nhận của cộng đồng quốc tế đối với văn hóa cổ truyền Á Đông là kết quả của quá trình phối hợp vận động tại Liên Hợp Quốc, trong đó Việt Nam là một trong 12 nước tham gia thư chung gửi lãnh đạo Liên Hợp Quốc vào tháng 8-2023 và tích cực thúc đẩy việc này. Quyết định thể hiện cam kết của tổ chức đa phương lớn nhất hành tinh đối với tính đa dạng văn hóa toàn cầu và bao trùm của dịp lễ quan trọng này; đồng thời nhấn mạnh sự kế thừa và đổi mới của các nền văn minh nhân loại. Global Times dẫn lời ông Dai Bing, Phó đại diện thường trực của Trung Quốc tại Liên Hợp Quốc, cho biết, Tết Nguyên đán tôn vinh những lời chúc tốt đẹp trong năm tới, không chỉ thể hiện ý tưởng vun đắp hòa bình, hòa hợp mà còn mang những giá trị chung của nhân loại như gia đình đoàn tụ, thuận hòa, hòa nhập xã hội và mối quan hệ lành mạnh giữa con người và thiên nhiên. Đối với Trung Quốc, sự công nhận này cũng sẽ góp phần thúc đẩy Sáng kiến Văn minh toàn cầu do nước này khởi xướng. Tết Nguyên đán giờ đã trở thành lễ hội toàn cầu với khoảng 1/5 dân số thế giới kỷ niệm lễ hội này theo nhiều cách độc đáo, riêng biệt. Các quốc gia như Trung Quốc, Singapore, Malaysia, Việt Nam, Canada, Suriname và một số bang ở Mỹ, trong đó có California và New York, chính thức đón Tết Nguyên đán như một ngày nghỉ lễ. Sự kiện này cũng đã trở thành truyền thống hằng năm để giới lãnh đạo Liên Hợp Quốc truyền tải thông điệp thiện chí và hợp tác quốc tế. Chẳng hạn, Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Guterres và người tiền nhiệm Ban Ki-moon đã thường xuyên gửi lời chúc tới những người dân trên thế giới mừng Tết Nguyên đán, qua đó nhấn mạnh ý nghĩa và bày tỏ tầm nhìn mới cho năm mới. (THƯ LÊ) |
“Quyết tâm Năm mới” Theo The Conversation, trong lịch sử nhân loại, những người đầu tiên được ghi nhận đặt ra “những lời cam kết trong năm mới” (sau này được gọi là “quyết tâm”) là người Babylon cổ đại ở khoảng 4.000 năm trước. Người Babylon cũng là nền văn minh đầu tiên tổ chức các lễ kỷ niệm được ghi nhận để chào mừng năm mới. Người La Mã cổ đại tiếp tục truyền thống ăn mừng năm mới và đặt ra những lời hứa cho năm mới. (TẤN PHÁT) |