Quốc tế

Năm 2024 đầy biến chuyển với kỷ lục về bầu cử

09:19, 29/12/2023 (GMT+7)

Năm 2024 sẽ là năm kỷ lục về bầu cử, trong đó hàng chục quốc gia sẽ bầu tổng thống. “Ông Donald Trump có thể trở lại cầm quyền?” và “Liệu có ai ở Nga sẽ thách thức vị trí của ông Vladimir Putin?” đều là những câu hỏi “nóng” nhất. Song, đây chỉ hai trong số những cuộc bỏ phiếu có khả năng định hình diện mạo mới của thế giới.

Khoảng 50 quốc gia sẽ tổ chức bầu cử vào năm 2024. Ảnh minh họa: WSJ
Khoảng 50 quốc gia sẽ tổ chức bầu cử vào năm 2024. Ảnh minh họa: WSJ

Hơn 2 tỷ người ở khoảng 50 quốc gia vốn chiếm hơn 60% GDP sẽ tham gia bầu cử quốc gia vào năm 2024, đánh dấu đây là năm có nhiều cuộc bầu cử nhất từ trước đến nay. Ngoài người Ấn Độ, người dân ở Indonesia, Pakistan, Bangladesh, Nam Phi, Nga, Ukraine, Mỹ, Mexico, Venezuela và gần 9 quốc gia ở châu Âu sẽ thực hiện quyền bầu cử. Thủ tướng Anh Rishi Sunak cũng đã ra tín hiệu rằng các cuộc bầu cử ở nước này có thể sẽ được tổ chức vào năm 2024.

Những cuộc bầu cử nổi bật nhất

Theo AP, ông Trump bước vào cuộc đua tìm ứng viên tranh cử tổng thống của đảng Cộng hòa với tỷ lệ được yêu thích rõ ràng, bất chấp nhiều phiên tòa hình sự đang chờ đợi. Chiến dịch tranh cử của đương kim Tổng thống Joe Biden cũng hứng chịu đòn giáng sau khi Hạ viện do đảng Cộng hòa kiểm soát bỏ phiếu vào tháng 12-2023 để mở cuộc điều tra luận tội về việc liệu ông có thu lợi quá mức từ các giao dịch kinh doanh nước ngoài của con trai mình khi ông còn là Phó Tổng thống dưới thời ông Barack Obama hay không.

Trong khi đó, Tổng thống Nga Vladimir Putin đang được tiếp thêm sinh lực và đang hy vọng kéo dài thời gian cầm quyền 24 năm thêm 6 năm nữa trong cuộc bầu cử vào tháng 3-2024. Ngày 8-12, ông tuyên bố tranh cử nhiệm kỳ thứ 5, qua đó nuôi hy vọng nắm quyền đến năm 2030. Năm 2020, đa số người dân Nga ủng hộ các sửa đổi Hiến pháp, tạo cơ hội để ông Putin tiếp tục nắm giữ vị trí quyền lực đến năm 2036, và điều này có thể giúp ông nắm quyền lâu hơn Joseph Stalin.

Dư luận cũng sẽ dõi theo “trò chơi quyền lực lớn” của Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi khi ông đang hướng đến nhiệm kỳ thứ ba. Gần 1 tỷ người tại quốc gia đông dân nhất thế giới sẽ bỏ phiếu vào tháng 4 và 5-2024. Sự nghiệp chính trị và thành công của ông Modi dựa trên sự ủng hộ từ hơn những người theo đạo Hindu ở Ấn Độ, cùng với sự ghi nhận của công chúng đối với nỗ lực nâng cao vị thế của đất nước trên trường quốc tế.

Trong khi đó, cuộc thăm dò xuyên quốc gia lớn nhất thế giới vào tháng 6-2023 sẽ chứng kiến hơn 400 triệu người đủ điều kiện bỏ phiếu trong cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu. Cuộc bỏ phiếu sẽ là phép thử về sự ủng hộ đối với những người theo chủ nghĩa dân túy cánh hữu, những người đang “thuận buồm xuôi gió” sau chiến thắng của Geert Wilders, lãnh đạo đảng Vì tự do theo chủ nghĩa cực đoan chống Hồi giáo và hoài nghi châu Âu, trong cuộc bầu cử ở Hà Lan và chiến thắng của bà Giorgia Meloni, lãnh đạo đảng Anh em Italy (FDI). Tuy nhiên, Brussels vẫn có thể lấy lòng Ba Lan, nơi cựu Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk đã trở lại nắm quyền trên nền tảng vững chắc ủng hộ EU.

Những tác động tiềm tàng

Kết quả của những cuộc bầu cử, đặc biệt tại các nước lớn, sẽ giúp xác định những ai có tầm ảnh hưởng lớn trong dẫn dắt thế giới trong thế kỷ 21. Rõ ràng, những thay đổi tiềm năng của chính phủ có thể làm thay đổi cán cân địa chính trị, ảnh hưởng sự ủng hộ của phương Tây dành cho Ukraine, cuộc xung đột ở Trung Đông, cũng như các mối quan hệ thương mại và nền kinh tế toàn cầu kết nối, đan xen nhau. Một số cuộc bầu cử cũng sẽ kiểm tra khả năng phục hồi của các nền dân chủ toàn cầu. Xung đột và những cú sốc kinh tế làm tăng thêm những rủi ro địa chính trị tiềm ẩn.

Tại một số nước, các cuộc bầu cử sẽ diễn ra trong bối cảnh có mối lo lắng sâu sắc và thường trực về triển vọng kinh tế. Nếu một loạt nhân vật theo chủ nghĩa dân túy lên nắm quyền năm 2024 thì hẳn nhiên họ có thể thúc đẩy các chính phủ tiến tới kiểm soát chặt chẽ hơn thương mại, đầu tư nước ngoài và nhập cư. Bà Diane Coyle, Giáo sư chính sách công tại Đại học Cambridge (Anh) cho rằng tâm lý hoài nghi về toàn cầu hóa ở một số nơi ngày càng lớn trong bối cảnh thu nhập trì trệ, mức sống giảm sút và bất bình đẳng gia tăng. Trong bối cảnh khủng hoảng đa dạng, xung đột ở Gaza và Ukraine, biến đổi khí hậu, nợ toàn cầu tăng vọt và giá cả leo thang, nhà đầu tư tỷ phú Paul Singer cho biết, thế giới hiện nay hoàn toàn phụ thuộc vào ý thức sáng suốt của các nhà lãnh đạo để tránh  cái gọi là “trận quyết đấu Armageddon sinh tử”.

Khi AI khuấy động bầu cử …
Trí tuệ nhân tạo (AI) đang tạo mối lo lớn trên chính trường các nước. Các chính trị gia tận dụng công nghệ này để cạnh tranh tầm ảnh hưởng trong khi cử tri hoang mang trước tình trạng sản xuất và lan truyền nhanh chóng thông tin sai lệch trong chiến dịch tranh cử, và đến lúc nào đó có thể đặt cỗ máy chính trị vào tình thế nguy hiểm khó lường.
Năm 2024 sẽ đánh dấu lần đầu tiên một số nền dân chủ lớn nhất thế giới tổ chức một cuộc bỏ phiếu quốc gia kể từ khi các công cụ AI như ChatGPT và Midjourney trở thành xu hướng phổ biến. Martina Larkin, Giám đốc điều hành của Project Liberty, tổ chức phi lợi nhuận thúc đẩy an toàn internet, cảnh báo nguy cơ thông tin sai lệch do AI điều khiển có thể lan truyền ở quy mô lớn hơn nhiều trong các cuộc bầu cử.

Đáng chú ý, Tổng thống Biden, ông Trump và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã nhiều lần trở thành nạn nhân của deepfake. Theo giới quan sát, nội dung do AI tạo ra có thể tác động đáng kể hơn rất nhiều đến các cuộc bầu cử so với mạng xã hội.

THƯ LÊ

.