Quốc tế
Bầu cử Nghị viện châu Âu: Cơn ác mộng đối với nhiều đảng cầm quyền
Kết quả cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu (EP) năm 2024 chắc chắn sẽ làm thay đổi đáng kể diện mạo đời sống chính trị châu Âu trong ít nhất 5 năm tới.
Những người ủng hộ đảng cực hữu Mặt trận quốc gia Pháp (RN) vui mừng với chiến thắng của đảng này trong cuộc bầu cử EP vào ngày 9-6. Ảnh: Reuters |
Bầu cử EP năm 2024 được xem như cuộc trưng cầu dân ý trước thềm các cuộc bầu cử tại chính các quốc gia châu Âu. Nhìn chung trên toàn Liên minh châu Âu (EU), các nhóm chính thống và thân châu Âu vẫn chiếm ưu thế trong cuộc bỏ phiếu kết thúc vào ngày 9-6. Tuy nhiên, với sự ủng hộ ngày càng tăng của người dân, đặc biệt là cử tri trẻ, viễn cảnh cánh hữu trỗi dậy mạnh hơn trong EP - cơ quan lập pháp quan trọng của EU, có thể dẫn đến sự thay đổi lớn về cán cân chính trị hay cuộc dịch chuyển sang cánh hữu nắm quyền trên chính trường khối này.
Phe cực hữu trỗi dậy
Theo AFP, tính đến sáng 10-6, các đảng cực hữu đạt những thắng lợi đáng kể trong khi hàng loạt đảng, liên minh cầm quyền chịu cú sốc thất bại tại nhiều nước như Pháp, Đức, qua đó làm dấy lên câu hỏi về cách thức các cường quốc này có thể thúc đẩy chính sách của EU; đồng thời gióng hồi chuông cảnh báo đối với giới cầm quyền tại đây.
Theo AFP, ngày 9-6, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron “tung xúc xắc” về tương lai chính trị của mình khi bất ngờ tuyên bố giải tán Quốc hội và kêu gọi tổ chức bầu cử lập pháp sớm với vòng đầu tiên vào ngày 30-6, sau khi đảng theo đường lối cực hữu đánh bại liên minh ôn hòa của ông trong cuộc bầu cử cạnh tranh gay gắt dưới bề ngoài trầm lắng. Dù ý định đằng sau canh bạc mạo hiểm này là nỗ lực tái lập quyền lực của ông Macron nhưng Reuters nhận định, điều này gây cơn địa chấn chính trị ở Pháp, tạo cơ hội cho phe cực hữu nắm quyền lực sau nhiều năm đứng bên lề. Nếu liên minh cầm quyền tiếp tục bị cử tri quay lưng, chính quyền của ông Macron ắt phải trải qua giai đoạn sống chung không mấy dễ chịu với đảng nắm thế đa số trong Quốc hội, khiến nhiệm kỳ tổng thống của ông trở nên “hữu danh vô thực” trong khi còn khoảng 3 năm nữa mới kết thúc.
Theo CNN, Thủ tướng Đức Olaf Scholz cũng dính đòn đau khi đảng Dân chủ xã hội (SPD) trung tả của ông phải chịu kết quả tồi tệ nhất từ trước đến nay. Tình hình tương tự cũng diễn ra với đảng cầm quyền ở Bỉ. Do thành tích kém cỏi của đảng cầm quyền trong cuộc bầu cử Quốc hội Bỉ, Thủ tướng Alexander De Croo tuyên bố từ chức kể từ ngày 10-6.
Định hình tương lai châu Âu ra sao?
Trong bối cảnh làn sóng cực hữu với quan điểm bài ngoại, chủ nghĩa hoài nghi châu Âu, xa rời EU đang nổi lên, cuộc bầu cử sẽ định hình tương lai và các ưu tiên chính sách của khối này. Trước hết, theo Reuters, việc phe cực hữu và thiên hữu thu hẹp cách biệt với phe trung dung và cánh tả tại EP khiến khả năng thông qua các dự luật chung của giới lãnh đạo châu Âu càng trở nên khó khăn hơn, đặc biệt các chính sách về phòng thủ châu Âu, pháp quyền, việc kết nạp thêm thành viên mới như Ukraine hay các nước Tây Balkan, cũng như chính sách di cư.
Viễn cảnh này không quá xa vời bởi các đảng cực hữu ở một số quốc gia từng kêu gọi rời “mái nhà chung” EU như “cơn địa chấn” Brexit (việc Vương quốc Anh rời EU) hoặc dừng sử dụng đồng tiền chung của khối này; đồng thời quyết liệt phản đối việc tiếp nhận người nhập cư và tư tưởng chống đạo Hồi. Thời gian qua, sự tức giận của giới nông dân vốn được các đảng dân túy chống lưng đã dẫn đến cuộc biểu tình quy mô lớn trên toàn châu lục nhằm chống lại các tiêu chuẩn môi trường, khiến Thỏa thuận Xanh của EU - với mục tiêu đạt mức trung hòa carbon vào năm 2050 gặp khó.
Reuters dẫn lời Armida van Rij, chuyên gia cấp cao tại viện nghiên cứu Chatham House, cho biết việc các đảng cầm quyền lập chính sách lập rào chắn ngăn cản bước tiến của phe cực hữu đã phản tác dụng khi các đảng theo chủ nghĩa dân túy sử dụng sức lan tỏa của mạng xã hội để thu hút lá phiếu ủng hộ của những cử tri trẻ tuổi. Cuộc thăm dò ý kiến từ 6.000 công dân tại 5 quốc gia có dân số lớn nhất của EU trên nền tảng Focaldata cho thấy, việc cải thiện kinh tế và giảm lạm phát là vấn đề quan tâm hàng đầu của cử tri, theo sau là tình hình xung đột trên thế giới và vấn đề người nhập cư, tị nạn.
Theo AP, EP hiện là cơ quan lập pháp đa quốc gia được bầu trực tiếp duy nhất trên thế giới. Khoảng 370 triệu cử tri thuộc 27 nước thành viên EU bầu ra 720 nghị sĩ trong EP cho nhiệm kỳ 5 năm tới. Số nghị sĩ của mỗi nước thành viên EU được phân bổ theo quy mô dân số, không nước nào có ít hơn 6 và nhiều hơn 96 nghị sĩ. Khác với Hội đồng EU vốn bao gồm 27 bộ trưởng đại diện cho mỗi nước thành viên, EP được bầu trực tiếp bởi lá phiếu của người dân. Về bản chất, EP đóng vai trò giống hạ viện trong chế độ lưỡng viện, với Hội đồng EU là thượng viện. Quyền lực lập pháp của hai cơ quan này tương đương nhau. Mỗi dự luật chung của EU trước tiên đều phải được Ủy ban châu Âu (EC) - cơ quan hành pháp chung của khối - đề xuất và sau đó cần có sự thông qua của cả hai cơ quan để có thể thành luật. |
THƯ LÊ