Quốc tế

Thêm nhiều nước công nhận nhà nước Palestine

08:05, 10/06/2024 (GMT+7)

Slovenia trở thành quốc gia châu Âu mới nhất công nhận nhà nước Palestine, sau Tây Ban Nha, Na Uy và Ireland gần đây, tạo động lực thúc đẩy chính nghĩa của người Palestine trên toàn cầu.

Theo AFP, ngày 4-6, Quốc hội Slovenia bỏ phiếu thông qua quyết định công nhận nhà nước Palestine với đường biên giới được xác định theo nghị quyết 1967 của Liên Hợp Quốc (LHQ) hoặc theo bất kỳ thỏa thuận hòa bình nào mà Palestine và Israel đạt được trong tương lai. Trong thông điệp trên mạng xã hội X, Ngoại trưởng Slovenia Tanja Fajon cho biết, quyết định của Slovenia là thông điệp về hy vọng và hòa bình. Chỉ có giải pháp hai nhà nước mới có thể mang lại nền hòa bình lâu dài ở Trung Đông. Slovenia sẽ tiếp tục nỗ lực không mệt mỏi vì an ninh của cả hai  quốc gia, vì cả người dân Palestine và Israel. Thủ tướng Slovenia Robert Golob cũng khẳng định, việc công nhận này đem lại hy vọng cho người dân Palestine ở dải Gaza và Bờ Tây.

Cũng theo hãng tin này, ngày 28-5, Tây Ban Nha, Na Uy và Ireland cũng chính thức công nhận nhà nước Palestine. Trước đó, trong số 27 quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU), 8 nước đã công nhận nhà nước Palestine gồm Thụy Điển, Cộng hòa Cyprus, Hungary, Cộng hòa Czech, Ba Lan, Slovakia, Romania và Bulgaria. Đến nay, có 147 trong số 193 quốc gia thành viên của LHQ có công nhận tương  tự.

Theo AP, ngày 8-6, Ngoại trưởng các nước thuộc Tổ chức Hợp tác Kinh tế D-8 (gồm Thổ Nhĩ Kỳ, Bangladesh, Ai Cập, Indonesia, Iran, Malaysia, Nigeria và Pakistan) kêu gọi cộng đồng quốc tế công nhận Palestine là thành viên đầy đủ của LHQ và gây áp lực lớn hơn đối với Israel trong bối cảnh xung đột tại dải Gaza vẫn tiếp diễn. Theo Tân Hoa xã, trong cuộc họp bất thường tại thành phố Istanbul, D-8 hối thúc thỏa thuận ngừng bắn ngay lập tức giữa Israel và phong trào Hamas tại Dải Gaza. Ngoại trưởng D-8 cũng kêu gọi Mỹ không sử dụng quyền phủ quyết đối với tư cách thành viên đầy đủ của Palestine tại LHQ. D-8 thể hiện lập trường yêu cầu Israel tuân thủ các quyết định của Tòa án Công lý quốc tế (ICJ), rút quân khỏi khu vực nam Rafah và bảo đảm vận chuyển hàng viện trợ nhân đạo đến Gaza. D-8 cũng yêu cầu chấm dứt việc cung cấp vũ khí và đạn dược cho Israel, đồng thời thực hiện mọi biện pháp để bảo vệ thường dân Palestine và bác bỏ mọi nỗ lực nhằm cưỡng bức di dời họ ra khỏi Gaza. D8 ủng hộ giải pháp hai nhà nước dựa trên đường biên giới năm 1967 với Đông Jerusalem là thủ đô của Palestine và cơ chế bảo đảm để bảo vệ một thỏa thuận trong tương lai.

Cùng ngày, theo Reuters, Tổng thống Ai Cập Abdel-Fattah El-Sisi có cuộc họp báo chung với người đồng cấp Azerbaijan Ilham Aliyev ở Cairo, trong đó hai bên nêu bật tầm quan trọng của việc thành lập nhà nước Palestine độc lập dựa theo đường biên giới năm 1967.

Việc bốn nước EU gồm Na Uy, Ireland, Tây Ban Nha và Slovenia cũng như việc ngày càng có nhiều nước tuyên bố công nhận nhà nước Palestine thể hiện tình đoàn kết với nhân dân Palestine, gây sức ép với Israel chấm dứt cuộc chiến ở Gaza. Sự ủng hộ này được kỳ vọng sẽ là chất xúc tác mới, góp phần thúc đẩy các bên trở lại bàn đàm phán nhằm giải quyết cuộc xung đột trên cơ sở giải pháp hai nhà nước. Đây là những nước có vai trò lớn ở châu Âu nên việc công nhận nhà nước Palestine sẽ tác động mạnh đến quan điểm của các nước châu Âu và các nước khác. Bỉ, Luxembourg, Bồ Đào Nha, Malta, Hy Lạp, Slovakia, Ý, Úc và nhiều nước ủng hộ động thái này và đang xem xét công nhận nhà nước Palestine. Anh và Pháp, hai nước thành viên thường trực Hội đồng Bảo an cũng bỏ phiếu ủng hộ Palestine trở thành thành viên chính thức của LHQ và cho rằng việc công nhận nhà nước Palestine là cần thiết.

Việc nhiều nước công nhận nhà nước Palestine cũng sẽ củng cố mối quan hệ của Palestine với EU và gây thêm sức ép với Mỹ để mở đường cho tư cách thành viên đầy đủ của Palestine tại LHQ. Điều này cũng sẽ tạo thêm áp lực buộc Israel phải xem xét lại chiến dịch quân sự tại Dải Gaza.

NGHI VĂN

.