Giáo dục

Người thầy nay... “cũng có ba bảy đường"

11:47, 13/04/2008 (GMT+7)

Dưới góc nhìn mới, “quân, sư, phụ” được hiểu là xã hội, nhà trường và gia đình. Người thầy, với tư cách là đại diện cho nhà trường, vẫn là cánh cửa, là con đò giúp con em từ gia đình bước ra, cập bến xã hội. Tất nhiên, hình ảnh người thầy trong cái nhìn tương quan với gia đình và xã hội ngày nay đã khác xưa, và yêu cầu của cuộc sống đương đại cũng mở ra cho người thầy những thách thức mới.

Những buổi sinh hoạt cộng đồng sẽ giúp cho thầy và trò cảm thông, chia sẻ nhau hơn trong cuộc sống.
Nếu ở thế kỷ XXI này, John Hattie, giáo sư giáo dục học Đại học Auckland (đại học xuất sắc về lĩnh vực nghiên cứu của New Zealand) xác quyết rằng, thầy giỏi vẫn là nhân tố quyết định nhất đối với hiệu quả giáo dục trong nhà trường hiện đại, thì từ nghìn năm trước, người thầy đã được xã hội Việt Nam tôn vinh là những bậc “đạo cao, đức trọng” mà không ít người đã lưu danh hậu thế như Chu Văn An, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Võ Trường Toản, Nguyễn Đình Chiểu,...

45 phút và nguy cơ giảng như... máy
Thông điệp của J. Hattie đã làm yên lòng không ít người cho rằng cuộc sống thời nhấn nút này đã làm lu mờ hình ảnh người-thầy-người trước sự bùng nổ của vô số những người-thầy-máy. Tuy nhiên, điều cần bàn đến là với sự đào tạo đầy máy móc ngày nay, liệu các trường sư phạm có cho “ra lò” được những người thầy thực sự hay là những người thầy có cách giảng như máy?

Một giáo viên (giấu tên) ở Trường THPT Phan Châu Trinh, Đà Nẵng, than thở: Khó khăn lớn nhất của người thầy hiện nay là thời gian và thu nhập; thu nhập thấp nên khó có thể toàn tâm toàn ý với nghề, còn thời gian eo hẹp thì dễ dẫn đến tình trạng lên lớp như máy.

Với thời lượng 45 phút mỗi tiết học, giáo viên phải tiến hành 3 bước: Kiểm tra bài cũ, giảng dạy bài mới và củng cố cho học sinh bài vừa học, dặn dò bài sắp đến. Phương pháp giảng dạy cũ đã bị phê phán là thụ động: Thầy giảng xong, hỏi học sinh theo định hướng nội dung. Phương pháp giảng dạy mới theo Chương trình Cải cách giáo dục có kết hợp giữa thảo luận với phát vấn, được đánh giá là tiến bộ hơn: Thầy đưa ra vấn đề và phân nhóm học sinh theo từng nội dung để các em thảo luận.


 
"Ngay cả trong nhà trường hiện đại, với sự hỗ trợ mạnh mẽ của công nghệ thông tin, thì vai trò quyết định nhất đối với chất lượng giáo dục vẫn thuộc về các yếu tố liên quan trực tiếp tới người thầy".

John Hattie, giáo sư giáo dục học Đại học Auckland
Tuy nhiên, để có được một tiết học đạt yêu cầu theo cách dạy mới, đòi hỏi sự nỗ lực từ cả hai phía: Thầy cần phải có kinh nghiệm giảng dạy, trò phải chuẩn bị thật tốt bài học (hoàn toàn mới). Nếu không, thầy thật khó kiểm soát được những diễn biến “ngoài kịch bản” từ phía học sinh và nguy cơ “cháy giáo án” là có thực. Và, sẽ khó tránh xảy ra tiêu cực: Học sinh, thay vì tự tìm hiểu bài mới đã đi chép lại bài ở lớp học trước mình hoặc từ các sách giải rồi “hiên ngang” trình bày thảo luận với các nhóm khác mà thực tế chẳng hiểu mô tê gì sất!

Một buổi học 5 tiết với 5 môn, cả thầy và trò đều “mướt mồ hôi” như thế thì quả là quá vất vả. Để đối phó với tình trạng này, một số giáo viên (yếu kém chuyên môn, non nớt tay nghề, hoặc không lương tâm) sẽ chọn cách nếu có kiểm tra, thao giảng thì dạy suôn sẻ từ A tới Z theo một “kịch bản” do thầy và trò dàn dựng trước, còn không thì dạy “chay”.

Thiên chức làm thầy
Dưới góc nhìn mới, “quân, sư, phụ” được hiểu là xã hội, nhà trường và gia đình. Người thầy, với tư cách là đại diện cho nhà trường, vẫn là cánh cửa, là con đò giúp con em từ gia đình bước ra, cập bến xã hội. Tất nhiên, hình ảnh người thầy trong cái nhìn của gia đình và xã hội ngày nay đã khác xưa, và yêu cầu của cuộc sống đương đại cũng mở ra cho người thầy những thách thức mới.

Nếu người thầy bậc tiểu học dẫn dắt học trò những bước chân đầu tiên vào ngưỡng cửa học đường...

Hiện nay, nói như một giáo viên không muốn nêu tên ở Trường THPT Trần Phú, Đà Nẵng, người thầy trực tiếp đứng lớp phải “hứng chịu” những bất cập trong triển khai thực hiện phương pháp giáo dục mới. Một số trường THPT lấy đâu ra sân cho học sinh tập thể dục? Xóa mù tin học, đúng rồi, nhưng nếu một trường có gần nghìn học sinh mà chỉ có chưa đầy 16-17 máy vi tính thì đến bao giờ học sinh mới hết “mù”?

Đã có một số ý kiến đóng góp chung quanh việc soạn sách giáo khoa cho chương trình lớp 12 năm học 2008-2009. Song, ai góp ý kiến cứ góp, sách vẫn lên khuôn in cho kịp khai giảng năm học mới theo kế hoạch thay sách lớp 12 đại trà trên toàn quốc vào năm học 2008-2009 của Bộ Giáo dục và Đào tạo! Hệ quả từ việc làm qua loa chiếu lệ này là giáo viên phải gánh chịu.

... Thì người thầy bậc THPT trao dồi kiến thức để học trò có thể tiến xa hơn trên đường học vấn.

Ở các trường sư phạm, việc đào tạo giáo viên so với thực tế vẫn còn một khoảng chênh rất lớn. Giảng viên vẫn chưa cập nhật được sự đổi mới thực tế ở các trường phổ thông, cứ “bê nguyên xi” giáo trình cũ mà giảng thì giáo sinh ra trường sao khỏi lúng túng khi lên lớp. Thêm vào đó, việc tuyển công chức theo điểm số đã chọn ra một số giáo sinh tốt nghiệp thứ hạng cao nhưng dạy không tốt. Đó là chưa nói đến trường hợp giáo sinh có được điểm số cao đó bằng cách nào!

Bây giờ trò giỏi hơn xưa rất nhiều, nền giáo dục mới đã kiến tạo một thế hệ học trò có nhiều em xuất chúng. Đó là thách thức để những giáo viên có lương tâm, dù lương không tăng, nhưng vẫn thấy có trách nhiệm tự cập nhật thông tin, nâng tầm chuyên môn, kiến thức. Và, sự thăng tiến của học sinh là hạnh phúc, niềm vui đối với họ.

Thật đau lòng khi một số người thầy cam tâm “bán chữ”, “bán điểm”, “bán bằng”, “chạy sô”,… làm lu mờ hình ảnh thiêng liêng của người thầy trong ánh mắt học trò. Tuy nhiên, người thầy nay... “cũng có ba bảy đường”. Rất may là vẫn còn nhiều người thầy khả kính ngày đêm say sưa với thiên chức được giao, mặc dù những bất cập từ các chế độ tiền lương, khen thưởng, phương pháp giảng dạy của ngành vẫn chưa tháo gỡ được.

VIÊN PHÚC QUÂN

.