Linh hoạt trong dạy và học đầu năm

.

ĐNO - Hiện ngành giáo dục đã có những giải pháp cho việc dạy và học trực tuyến trong bối cảnh Covid-19 còn phức tạp, song nhiều phụ huynh vẫn không khỏi băn khoăn.

Học sinh Trường Tiểu học Ông Ích Khiêm (quận Hải Châu) trong buổi ôn tập trước khi vào năm học mới. Ảnh: NGỌC HÀ.
Học sinh Trường Tiểu học Ông Ích Khiêm (quận Hải Châu) trong buổi ôn tập trước khi vào năm học mới. Ảnh: NGỌC HÀ

Nhiều nỗi lo trước thềm năm học mới

Có con năm nay vào lớp 1, chị P.T.Q. N (phường Thạch Thang, quận Hải Châu) bày tỏ lo lắng với việc học trực tuyến. “Có nhiều điều để bận tâm. Đó là các con còn quá nhỏ, chưa ý thức được nên rất mất tập trung. Tôi đã thử cho con làm quen với việc học trước màn hình và thấy con cứ quay qua, quay lại, phá bàn phím… Thêm nữa ba mẹ bận làm việc thì ai sẽ ngồi bên cạnh học với con, nhiều gia đình không có máy tính, điện thoại thông minh, con sẽ học bằng cách gì? Học online liệu có hiệu quả không?”, phụ huynh này chia sẻ.

Tương tự, chị N.T.T. S (phường Thanh Khê Đông, quận Thanh Khê) cũng cho biết, trong giai đoạn giãn cách, cả vợ chồng đều làm việc online, trong khi đó, 2 con cũng sắp sửa học online. “Để con học trên điện thoại thì sẽ rất khó khăn. Gia đình phải sắp xếp cho phù hợp để không ảnh hưởng đến công việc của bố mẹ và việc học tập của con”, chị S. nói.

Không chỉ việc học trực tuyến, nhiều phụ huynh còn lo lắng chuyện chưa mua được sách giáo khoa, đồng phục… Chị M.T.N.N (phường Phước Mỹ, quận Sơn Trà) cho hay, hai con trai (lớp 7 và lớp 3) vẫn còn kẹt tại nhà ngoại (Quảng Nam) từ đợt nghỉ lễ 30-4 đến nay. Chuẩn bị vào năm học mới, sách vở đã nhờ được người nhà ở quê lo đầy đủ nhưng đồng phục vẫn chưa có.

“Nhà trường chưa thông báo về việc học sinh mặc đồng phục tham gia lễ khai giảng và học trực tuyến. Nếu đó là yêu cầu bắt buộc thì rất khó cho phụ huynh không kịp mua đồng phục mới, trong khi đồng phục cũ đã cho, tặng hoặc không còn vừa vặn”, chị N. nêu ý kiến.

Hiểu rõ những nỗi lo của phụ huynh, nhiều trường học đã có hướng dẫn cụ thể về việc khai giảng và dạy học trực tuyến. Cô Nguyễn Thị An, Hiệu trưởng Trường THCS Huỳnh Thúc Kháng cho biết, Đà Nẵng tiếp tục trải qua kỳ khai giảng đặc biệt do ảnh hưởng Covid-19. Ngành giáo dục đã có hướng dẫn cụ thể và tùy vào thực tế, các trường sẽ linh động triển khai.

“Trong bối cảnh này, động viên tinh thần giáo viên và phụ huynh, học sinh là chính, qua đó tạo động lực khởi đầu năm học mới. Nhà trường không bắt buộc mà chỉ khuyến khích học sinh mặc đồng phục trong lễ khai giảng và học trực tuyến để bảo đảm tinh thần năm học mới. Với những trường hợp không chuẩn bị được đồng phục thì học sinh có thể mặc trang phục lịch sự để tham gia”, cô An cho biết.

Chủ động nhiều phương án hỗ trợ

Theo Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), sở đã chỉ đạo các trường khảo sát tình hình học sinh (về sách giáo khoa, đồ dùng học tập, trang phục, điều kiện học trực tuyến…) để có kế hoạch hỗ trợ, giúp đỡ các em cũng như báo cáo, đề xuất các cấp có thẩm quyền hỗ trợ học sinh trong việc học trực tuyến.

Đối với những học sinh không có điều kiện học trực tuyến (điều kiện về máy móc, đường truyền, là F0 đang điều trị, F1 đang cách ly tập trung…), các trường phối hợp cùng cha mẹ học sinh triển khai thực hiện giải pháp học tập qua truyền hình (nội dung do Bộ GD&ĐT thực hiện, phát sóng trên Đài Truyền hình Việt Nam (VTV7), Sở GD&ĐT đang trao đổi để phát sóng trên Đài Phát thanh và Truyền hình Đà Nẵng).

Đồng thời, hướng dẫn giáo viên (đặc biệt là giáo viên lớp 1, lớp 2) gửi bài giảng, bài tập đến phụ huynh học sinh qua các ứng dụng phổ biến, thông dụng như Facebook, Zalo, email… để phối hợp cùng giáo viên hướng dẫn học sinh chủ động học tập ở nhà phù hợp với khung thời gian, điều kiện cụ thể và khả năng đáp ứng của gia đình học sinh.

Giáo viên cũng có thể gửi tài liệu giấy để hướng dẫn học sinh học tập (khi điều kiện cho phép). Những em học sinh này khi đi học lại sẽ được khảo sát, đánh giá kỹ để có hình thức hỗ trợ kịp thời nhằm giúp các em theo kịp chương trình.

Với trường hợp chưa có sách giáo khoa, sau thời gian ôn tập, khi giáo viên giới thiệu chương trình mới để học sinh làm quen thì học sinh có thể bước đầu tiếp cận sách giáo khoa qua địa chỉ website đã được giới thiệu từ đầu tháng 8-2021: https://hanhtrangso.nxbgd.vn; truy cập vào đường link https://sites.google.com/trungtamdaotao.top/sachgiaokhoa/home?fbclid=IwAR0qY9XLo--V2fX1jf524XUdtvrrDV1D23lpRFmasF2lZTPjB0koPGsj7hQ

Khi học sinh đến trường để học trực tiếp, Sở GD&ĐT cũng sẽ có hướng dẫn các trường linh hoạt trong việc thực hiện các quy định về nền nếp, kỷ luật nhà trường, tránh tạo áp lực cho học sinh (như học sinh chưa có đồng phục đầu năm học, thiếu đồ dùng học tập…).

Trước tình hình có học sinh các địa phương khác đang ở Đà Nẵng và học sinh Đà Nẵng đang ở địa phương khác không thể về địa phương mình để bắt đầu năm học mới, các trường rà soát, lập danh sách những học sinh của trường mình hiện đang cư trú tại các địa phương ngoài thành phố Đà Nẵng, liên lạc với học sinh để xác nhận thông tin học sinh của trường mình có đủ điều kiện tham gia học trực tuyến theo kế hoạch giáo dục của nhà trường khi bắt đầu năm học 2021-2022 hay không.

Đối với những học sinh có thể học trực tuyến theo kế hoạch của đơn vị thì nhà trường hỗ trợ, hướng dẫn cụ thể để học sinh tham gia đầy đủ các hoạt động giáo dục của nhà trường. Đối với những học sinh không đủ điều kiện tham gia học trực tuyến theo kế hoạch giáo dục của nhà trường, các trường lập danh sách học sinh báo cáo về Sở GD&ĐT để phối hợp với các địa phương nơi học sinh đang cư trú giúp các em được tạm thời tham gia học tập tại địa phương đó.

Đối với học sinh của các địa phương khác đang ở Đà Nẵng có nguyện vọng học tập tại trường nơi các em đang cư trú trong thời gian phòng, chống Covid-19, các trường căn cứ danh sách, thông tin cho học sinh biết để đăng ký tham gia học tập. Danh sách học sinh được tiếp nhận sẽ được chuyển đến các trường sau khi Sở GD&ĐT nhận đầy đủ thông tin từ các địa phương khác.

Sở GD&ĐT đã yêu cầu các trường học báo cáo số lượng giáo viên đang ở các địa phương khác không thể về Đà Nẵng kịp năm học mới hoặc là F0 đang được điều trị, các trường hợp đang cách ly tập trung hoặc đang ở khu vực cách ly y tế để chủ động xử lý. Các trường vẫn phân công nhiệm vụ để giáo viên nhận lớp và tổ chức dạy - học trực tuyến theo hướng dẫn. Với những giáo viên không bảo đảm các điều kiện dạy trực tuyến, nhà trường chủ động bố trí dạy thay theo đúng các yêu cầu về chuyên môn.

Sở GD&ĐT tiếp tục theo dõi tình hình, trước lúc học sinh có thể đến lớp học trực tiếp, trên cơ sở đó đề nghị UBND thành phố cho phép và hướng dẫn để giáo viên và học sinh đang ở ngoài thành phố được trở về Đà Nẵng theo đúng quy định phòng, chống dịch và tham gia trực tiếp vào quá trình dạy - học.

Hơn 2.000 học sinh Đà Nẵng đang ở các tỉnh, thành khác

Ngày 1-9, phát biểu thảo luận tại kỳ họp thứ 3, HĐND thành phố khóa X, đại biểu Trần Nguyễn Minh Thành, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) cho biết, hiện có hơn 2.000 học sinh Đà Nẵng đang ở các tỉnh, thành khác, trong đó có 692 em không đủ điều kiện học trực tuyến, phải gửi học tạm tại 34 địa phương khác, tập trung chủ yếu tại tỉnh Quảng Nam với 410 em.

Ông Thành cho biết, ngày khai giảng (5-9) năm học mới 2021-2022 sẽ được phát sóng trên đài Phát thành - Truyền hình Đà Nẵng trong chương trình “Đà Nẵng - Chào năm học mới”, đồng thời các trường sẽ tổ chức khai giảng trực tuyến.

Theo ông Thành, việc dạy, học trực tuyến chỉ mang tính hỗ trợ, do đó, sau khai giảng, việc học trực tuyến ban đầu (2 tuần) sẽ giới thiệu chương trình, sách giáo khoa, phương pháp học tập và củng cố kiến thức cũ, giúp thầy, trò làm quen với dạy - học trực tuyến, sau đó tùy diễn biến của dịch, Sở GD&ĐT sẽ có hướng dẫn cụ thể.

TRỌNG HUY

NGỌC HÀ

;
;
.
.
.
.
.