V-LEAGUE 2020: Căng thẳng cuộc đua trụ hạng

.

Do Covid-19, Ban tổ chức V-League 2020 phải lựa chọn phương án mới cho giải đấu để xác định đội vô địch và đội xuống hạng. Với thể thức mới, cuộc đua trụ hạng trở nên vô cùng căng thẳng khi có đến 5/6 đội từng vô địch hoặc á quân V-League, ngoại trừ Nam Định (thứ 12, 13 điểm) chưa từng lọt vào nhóm 3 đội xuất sắc nhất V-League trong vòng 11 năm trở lại đây.

Để nuôi hy vọng trụ hạng, không chỉ từ nỗ lực tự thân mà Quảng Nam (áo trắng) còn chờ đợi sự công minh của Ban tổ chức nếu xảy ra những vấn đề phi chuyên môn.  						      Ảnh: NGUYÊN AN
Để nuôi hy vọng trụ hạng, không chỉ từ nỗ lực tự thân mà Quảng Nam (áo trắng) còn chờ đợi sự công minh của Ban tổ chức nếu xảy ra những vấn đề phi chuyên môn. Ảnh: NGUYÊN AN

Trong nhóm đội tranh trụ hạng, Sông Lam Nghệ An (SLNA - 16 điểm, vô địch 2011) khiến tất cả đều ngạc nhiên bởi có lúc, đội bóng của HLV Ngô Quang Trường đã vươn lên dẫn đầu bảng xếp hạng V-League 2020. Thanh Hóa (15 điểm, á quân 2017, 2018) cũng tạo nên không ít tiếc nuối khi dưới thời HLV Nguyễn Thành Công, đội bóng này đã có một sự hồi sinh mạnh mẽ. Đáng tiếc, những vấn đề nội bộ vào đúng thời điểm quyết định dẫn đến những sa sút để khi kết thúc giai đoạn 1, họ phải rơi vào nhóm B tranh suất trụ hạng.

Tương tự, việc Quảng Nam (9 điểm, vô địch 2017) thay HLV quá muộn nên những nỗ lực của HLV Đào Quang Hùng không mang lại kết quả khả quan do đội bóng đất Quảng đã đánh mất quá nhiều lợi thế trước đó. Với SHB Đà Nẵng (16 điểm, vô địch 2009 và 2012), việc không đạt hiệu quả cao trong những mùa giải gần đây cùng các bước chuẩn bị không như ý lẫn ảnh hưởng của dịch bệnh dường như đã báo trước một kết quả không khả quan cho thầy trò HLV Lê Huỳnh Đức.

Thế nhưng, cũng như SLNA, không mấy ai nghi ngờ vào việc SHB Đà Nẵng không thành công trong giai đoạn 2 của V-League 2020. Với điểm số tương đối cách biệt so với các đội còn lại cùng kinh nghiệm và năng lực chuyên môn lẫn lợi thế về số trận sân nhà, việc trụ hạng thành công của SLNA và SHB Đà Nẵng chỉ là vấn đề thời gian. Thanh Hóa cũng có thuận lợi tương tự nhờ điểm số cũng như được thi đấu 3 trận sân nhà.

Vì thế, cuộc đua trụ hạng sẽ là cuộc chiến tay ba giữa Hải Phòng (13 điểm, á quân năm 2010 và 2016), Nam Định và Quảng Nam. Về lý thuyết, khoảng cách 4 điểm của Nam Định và Hải Phòng không quá lớn với Quảng Nam song với việc, nhóm B giai đoạn 2 chỉ có 5 trận đấu nên việc san lấp cách biệt ấy không hoàn toàn đơn giản.

Chưa kể, Hải Phòng còn nhận được sự chi viện lực lượng của Than Quảng Ninh nên đã cải thiện phần nào về chuyên môn. Chính những sự khác biệt ấy có thể dẫn đến cuộc đua "song mã" Quảng Nam và Nam Định nhằm giành quyền trụ hạng.

Đều chỉ được thi đấu trên sân nhà 2 trận, nhưng Quảng Nam có thể nuôi hy vọng dù rất mong manh nếu đánh bại Nam Định trên sân nhà (ngày 20-10) với điều kiện, thầy trò HLV Đào Quang Hùng phải giành được những kết quả khả quan trước các đội chủ nhà SLNA (ngày 11-10) và Thanh Hóa (ngày 15-10). Bên cạnh đó, Quảng Nam phải hy vọng Nam Định sẽ sẩy chân trên sân Thanh Hóa (ngày 10-10) và mất điểm khi đón tiếp SHB Đà Nẵng (ngày 15-10). Nếu những kết quả như dự báo trở thành thực tế, trận đấu Quảng Nam - Nam Định trên sân Tam Kỳ sẽ là trận chung kết đúng nghĩa cho cuộc đua trụ hạng.

Quan trọng hơn cả, có thể xuất hiện những toan tính phi chuyên môn để sớm đẩy Quảng Nam xuống hạng. Và liệu rằng, Ban tổ chức đã có phương án nào để xử lý những tiêu cực (nếu có) khi đã có sự phân hóa ngay từ vạch xuất phát?

NGUYÊN AN

;
;
.
.
.
.
.