Y tế - Sức khỏe
Coi chừng trẻ trúng nóng và say nắng
14:35, 08/07/2010 (GMT+7)
Trẻ chơi quá lâu dưới trời nắng nóng hay ở trong những căn phòng ngột ngạt không khí cũng là nguyên nhân gây bệnh. Không ít các trường hợp trẻ em nhập viện vì không được chăm sóc kỹ, cơ thể bị rối loạn thân nhiệt do sức đề kháng còn yếu.
Trúng nóng gây tai biến
Trẻ em say nắng dẫn đến sốt cao, kèm theo tiêu chảy được thu dung điều trị tại Khoa Nhi, Bệnh viện Đà Nẵng. |
Một nguyên nhân khác là do trẻ ít uống nước, khiến cơ thể bị nóng quá làm rối loạn hệ thần kinh trung ương. Hệ thần kinh của trẻ nhỏ rất nhạy cảm với nhiệt, khi nhiễm nóng quá dễ bị rối loạn tuần hoàn não, phù não và có thể chảy máu não. Từ đó làm rối loạn hoạt động của tim mạch và hô hấp, đồng thời hạ đường huyết gây ra tình trạng nguy kịch.
Bác sĩ Nguyễn Sơn, Phó Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Đà Nẵng cho biết, triệu chứng trúng nóng dễ nhận biết. Khởi đầu là những dấu hiệu về hệ thần kinh như trẻ đột nhiên khóc, vật vã rồi sốt li bì, nhiều trẻ lên cơn co giật. Những trẻ đã lớn thì tự nhiên thấy tối tăm mặt mũi, chóng mặt, nhức đầu, buồn nôn. Thời kỳ sau, trẻ thường sốt cao, có thể đến 40 độ C, mặt đỏ bừng, vã mồ hôi, hơi thở nhanh và nóng, tim đập nhanh, mạch nhỏ khó bắt, rất khát nước. Ở thời điểm này nếu trẻ được sơ cứu ngay sẽ dễ qua khỏi. Nhưng nếu để trúng nóng chuyển sang thời kỳ nặng với các triệu chứng mất nước, trụy tim mạch (da tái nhợt, chân tay lạnh, mạch và huyết áp nhiều khi không lấy được, vô niệu...), hôn mê... việc cứu chữa sẽ rất khó khăn.
Sơ cứu trẻ trúng nóng cần thực hiện sớm, chủ yếu là làm hạ nhiệt (đưa trẻ ra chỗ mát, thoáng khí, cởi bỏ quần áo, lau người bằng nước mát...) và bù nước, điện giải. Biện pháp dễ thực hiện là dùng nước khoáng, hoặc nước đun sôi để nguội có pha ít muối, đường và nước hoa quả tươi. Cho trẻ uống nhiều lần cho tới khi trẻ đỡ khát, tỉnh táo, đi tiểu trở lại là những triệu chứng tốt. Những trường hợp nặng, ngoài việc sơ cứu, đồng thời cần khẩn trương gọi xe cấp cứu đưa đến cơ sở điều trị chuyên khoa.
Để phòng tránh trúng nóng mùa hè cần cho trẻ mặc quần áo thoáng mát bằng vải sợi bông, khi ra ngoài trời phải đội mũ. Không để trẻ ngủ dưới nắng dù có che chắn nắng. Không để cho trẻ đi ô-tô thời gian dài dưới trời nắng nóng, nhất là trong khoảng thời gian từ 12 đến 16 giờ.
Và trẻ say nắng
Vào mùa hè, chứng say nắng thường xảy ra khi trẻ nô đùa, đá bóng... đứng dưới ánh nắng nóng quá lâu, vượt quá mức chịu đựng của cơ thể, gây ra nhiều rối loạn cho các cơ quan, nhất là hệ thần kinh. Cơ thể mất nhiều nước, kèm theo rối loạn điều hòa thân nhiệt
Về triệu chứng, trẻ mệt mỏi, mắt lờ đờ, cơ thể nóng ran, da khô không có mồ hôi, mặt đỏ gay, nhiệt độ cơ thể lên đến 41 độ C. Nhịp thở nhanh, mạch yếu khó bắt hoặc không còn. Trường hợp nặng, trẻ hôn mê và lên cơn co giật. Trường hợp say nắng được phát hiện ở ngoài trời, có thể để cho trẻ nằm dưới bóng cây râm mát, giải tán bớt những người xung quanh.
Dùng khăn bông rấp nước mát đắp lên đầu, lên trán trẻ để tránh tình trạng tụ máu trên não, thường xảy ra khi nhiệt độ lên cao. Dùng một khăn bông khác, cũng rấp nước mát lau khắp mình và chân tay trẻ. Mục đích nhằm làm mát cơ thể, làm thông sạch các lỗ chân lông, giúp cho nhiệt lượng cơ thể dễ thoát ra. Cho trẻ uống nước đầy đủ để bù lại lượng nước trong cơ thể đã bị tiêu hao do nhiệt độ cao. Cho uống từng ít một để tránh nôn.Với các biện pháp sơ cứu trên, nhiều trẻ đã qua được cơn nguy kịch trước khi xe cấp cứu tới.
Bác sĩ Nguyễn Sơn khuyến cáo, khi chăm sóc cho trẻ nhỏ, các bậc cha mẹ nên lưu ý, thời tiết nóng bức khiến nhiệt độ trong cơ thể trẻ em tăng, ra nhiều mồ hôi và giãn mạch máu ngoài da. Lúc này nếu tắm mát ngay, da bị nước lạnh kích thích phản xạ của dây thần kinh làm mạch máu dưới da đột biến co lại, cơ thể không tỏa nhiệt được, thân nhiệt sẽ tăng cao gây cảm sốt.
Bài và ảnh: DIỆU MINH