Không phải tự nhiên mà mỗi tờ báo đều xây dựng chuyên mục “Nhịp cầu nhân ái”, “Vòng tay nhân ái”… Có lẽ trong quá trình tác nghiệp, không ít nhà báo có cơ hội tiếp cận với những người yếu thế, kém may mắn và viết về họ như một mệnh lệnh thôi thúc từ chính trái tim yêu nghề, say nghề của mình.
Đại diện Hội Nhà báo thành phố Đà Nẵng trao 30 triệu đồng từ Chương trình “Đội ngũ y tế khỏe, chúng ta khỏe” hỗ trợ đơn vị tuyến đầu chống dịch Covid-19. Ảnh: P.V |
Nhiều năm nay, bệnh tật luôn là nỗi lo thường trực của người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn. Hầu hết những ca bệnh nặng đã và đang được điều trị tại khoa Hồi sức tích cực - chống độc, Bệnh viện Đà Nẵng có gia cảnh khó khăn. Phóng viên K.H, công tác tại Báo Dân trí, Văn phòng đại diện khu vực miền Trung - Tây nguyên là người đã chấp bút cho nhiều bệnh nhân nghèo. Chị K.H kể, trung bình mỗi tháng, chị viết từ 1-3 trường hợp cần giúp đỡ, chủ yếu là người có hộ khẩu thường trú tại địa bàn miền Trung - Tây nguyên đang điều trị tại các bệnh viện ở Đà Nẵng. Mỗi trường hợp sau đó được bạn đọc hỗ trợ từ vài chục đến vài trăm triệu đồng.
Trong đó, không ít trường hợp thương tâm, nhập viện với chiếc túi rỗng, mọi ăn uống đều trông chờ vào các bữa ăn từ thiện tại bệnh viện khiến chị sau khi tiếp xúc viết bài đã cầm lòng không đặng, phải dúi vào tay họ vài trăm nghìn đồng trước khi ra về. Cũng có nhiều trường hợp khiến chị day dứt, trăn trở bởi số tiền bạn đọc ủng hộ sau đó rất lớn, nhưng bệnh nhân vẫn không thể chống chọi bệnh tật hiểm nghèo, ra đi khi chưa kịp biết đến sự chia sẻ của mọi người.
Như nhiều đồng nghiệp viết mảng nhân ái khác, K.H thường mềm lòng trước những bệnh nhân nhỏ tuổi mắc bệnh ung thư. Mỗi lời chia sẻ của ba, của mẹ các bé như những giọt buồn nặng trĩu câu chữ. Hình ảnh gương mặt non tơ như thiên thần nằm thiêm thiếp với dây nhợ quanh mình, sự sống mong manh thật sự rất đáng thương. K.H chia sẻ, viết về bệnh nhân nghèo trông rất đơn giản nhưng không hề giản đơn. Bởi lẽ, qua cách khai thác tư liệu, cách dẫn chuyện, cách nhà báo kể chuyện phải thật, phải trung thực để gia đình bệnh nhân không cảm thấy tổn thương mà bạn đọc cũng “mềm lòng” dang tay hỗ trợ. “Trước khi tiếp cận với nhân vật cần hỗ trợ, tôi thường gọi điện hỏi qua để dò xem trường hợp này nếu viết thì báo có đăng không. Nếu nghĩ trường hợp này sẽ được tòa soạn đăng ngay thì mới đến viết, vì bản thân rất ngại gieo niềm tin cho nhân vật rồi sau đó mình không làm được gì. Như thế sẽ bất nhẫn và rất buồn”, chị K.H nói.
Đại diện Báo Đà Nẵng trao học bổng tặng các em học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trên địa bàn quận Liên Chiểu sáng 12-6-2020. Ảnh: ĐẮC MẠNH |
Một đồng nghiệp của chúng tôi công tác tại Báo Nhân Dân, Văn phòng đại diện khu vực miền Trung - Tây nguyên chọn cách chia sẻ với người nghèo âm thầm và lặng lẽ hơn, như tự bỏ tiền túi ra để mua gạo, nhu yếu phẩm tặng phụ nữ nghèo nơi phường chị sinh sống. Trong nhiều trường hợp, chị đóng vai trò “kết nối” người bệnh với các đơn vị, cá nhân thường xuyên tổ chức các chương trình thiện nguyện. Một trong những chương trình chị hướng đến và mạnh dạn đề xuất hỗ trợ là “Ly cà phê yêu thương” thuộc Hội Nhà báo thành phố Đà Nẵng. Tính đến thời điểm này, có khoảng 4-5 trường hợp thương tâm chị thông tin đến “Ly cà phê yêu thương” đều được chương trình đồng ý hỗ trợ, mỗi trường hợp 5 triệu đồng.
Nhiều năm qua, Báo Đà Nẵng đã đồng hành, hỗ trợ nhiều hoàn cảnh khó khăn, ngặt nghèo. Nhiều bài báo mang câu chuyện, nỗi đau của người trong cuộc đã khơi gợi tinh thần tương thân tương ái, chia sẻ từ cộng đồng. Mới đây nhất, Báo Đà Nẵng đã đồng hành với Hội Doanh nhân trẻ thành phố tổ chức thành công chương trình “Hạt gạo tình thương” - “ATM gạo” hỗ trợ người dân gặp khó khăn do ảnh hưởng của Covid-19. Tại điểm tiếp nhận đặt ở cơ quan Báo Đà Nẵng, bạn đọc đã đến liên hệ, hỗ trợ hơn 10 tấn gạo cho chương trình; chưa kể sự chung tay, đồng hành của toàn thể cán bộ, phóng viên, người lao động Báo Đà Nẵng trong suốt thời gian chương trình diễn ra.
Có thể nói, bằng ngòi bút nhân ái của mình, nhiều nhà báo, phóng viên tại Đà Nẵng nói riêng đã và đang đồng hành, tiếp sức người nghèo, người gặp hoàn cảnh khó khăn. Như nhà báo Nguyễn Đức Nam, Tổng Biên tập Báo Đà Nẵng nói: “Báo Đà Nẵng rất quan tâm đến công tác xã hội từ thiện, duy trì thường xuyên chuyên mục “Nhịp cầu nhân ái”, kết nối nhiều tấm lòng với những hoàn cảnh khó khăn, bệnh tật. Thời điểm hiện tại, khi Covid-19 ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của người dân, đặc biệt là người lao động nghèo, mất việc làm, thì sự đồng lòng, chung tay của Báo Đà Nẵng là vô cùng cần thiết. Chúng tôi ghi nhận và trân trọng sự đóng góp của bạn đọc, không chỉ các doanh nghiệp, mà còn có nhiều tổ chức, cá nhân, các thầy, cô giáo, các em học sinh đã chọn cách “cho đi” món tiền dành dụm một cách ý nghĩa, giàu tình thương”.
Hoạt động từ tháng 10-2018, đến nay “Ly cà phê yêu thương” thực sự trở thành “mảnh vườn nhân ái” của cộng đồng báo chí Đà Nẵng, tiếp nhận hơn 1,2 tỷ đồng. Từ nguồn tiền này, “Ly cà phê yêu thương” đã hỗ trợ hàng trăm trường hợp khó khăn, bệnh tật hiểm nghèo, trao học bổng học sinh nghèo với 885 triệu đồng. Có thể nói, nhờ sự đồng lòng, chung sức của nhiều nhà báo, phóng viên, sự quan tâm của cộng đồng doanh nghiệp, của các cơ quan, đơn vị sự nghiệp trên địa bàn thành phố, chương trình ngày một lan tỏa, tạo được niềm tin cho nhiều người. Tôi vẫn nhớ câu nói của nhà báo Phan Hoàng Phương, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo thành phố Đà Nẵng hôm khai mạc chương trình “Ly cà phê yêu thương”, đại ý rằng những người làm báo Đà Nẵng trong quá trình tác nghiệp luôn cảm nhận rõ: cuộc sống quanh chúng ta vẫn còn rất nhiều bàn tay cần được nắm chặt, cần được yêu thương, sưởi ấm và giúp đỡ. Mỗi chương trình “Ly cà phê yêu thương” đều diễn ra nhẹ nhàng, nhưng ẩn chứa trong đó là sự ấm áp sẻ chia của những người làm báo. |
TIỂU YẾN